Bộ sách trà 2 cuốn: “Trà kinh” và “Trà thư” kể chuyện lịch sử của trà, văn hóa thưởng trà phương Đông. Đặc biệt, ấn bản tiếng Việt có phần bìa được làm bằng đất – chàm và lá trà.

Văn hóa thưởng trà của người Trung Quốc và nghệ thuật Trà đạo, Trà thất Nhật Bản có lẽ là những gì người ta nghĩ đến đầu tiên khi nhắc đến văn hóa trà phương Đông. Một từ “trà” nghe đơn giản là vậy, nhưng thực tế lại là một thức uống phức tạp, ẩn chứa nhiều tầng văn hóa đằng sau.

Cũng như nghệ thuật, trà cũng có các giai đoạn và trường phái. Theo bộ sách Trà kinh – Trà thư, sự phát triển của trà nhìn chung có thể chia làm 3 giai đoạn chủ yếu: Trà đun (đoàn trà), Trà khuấy (Mạt trà) và Trà ngâm (Yêm trà).

Thưởng trà của người xưa không chỉ đơn giản là uống trà, đôi khi, một tách trà nhỏ có thể chứa đựng cả phong thái và cảm thức về cuộc đời trong tâm trí của người uống, một tách trà có thể mang cả cá tính và ẩn ý của người pha.

Chuyện trà từ Trung Quốc và Nhật Bản

Trà kinh là công trình chuyên khảo của Lục Vũ. Đây có thể được coi là công trình chuyên khảo đầu tiên về trà, bao quát những khía cạnh tri thức liên quan đến cây trà. Bản thân Lục Vũ cũng được người đời tôn là thánh trà của Trung Quốc.

Trà Kinh gồm ba cuốn và mười chương. Ở 3 chương đầu, Lục Vũ lần lượt bàn về tính chất tự nhiên của cây trà; các dụng cụ thu hoạch lá trà; cách lựa chọn lá trà. Chương bốn dành để liệt kê và miêu tả bộ đồ trà gồm hai mươi tư trà cụ, bắt đầu từ chiếc lò ba chân và kết thúc là chiếc tủ tre để cất tất cả các dụng cụ này.

Trong chương năm, Lục Vũ miêu tả cách pha trà. Ông loại bỏ tất cả các thành phần, ngoại trừ muối, đồng thời chú trọng đến việc chọn loại nước và độ sôi của nước. Những chương còn lại trong Trà Kinh bình về sự thô tục trong cách uống trà thông thường, một bản tóm tắt lịch sử của những người thưởng trà nổi tiếng, những vườn trồng trà nổi danh của Trung Quốc, sự đa dạng của trà cụ và các hình vẽ minh họa chúng.

Sang đến xứ mặt trời mọc cùng Trà thư của Kakuzo Okakura, độc giả được hiểu về niềm hy vọng của sự kết nối qua tách trà.

Kakuzo Okakura giải thích rằng bắt đầu từ thế kỷ 15, người Nhật đã biến trà thành một loại hình nghệ thuật, gọi là Trà đạo. Đó là một nghệ thuật đơn giản, thuần khiết và hòa bình mà mọi người đều có thể tham gia, dù ở bất cứ vị trí nào trong cuộc sống. Đó là một con đường dẫn đến sự hoàn hảo trong một thế giới không hoàn hảo.

Tại Nhật Bản, trà vượt khỏi quan niệm là một sự lý tưởng hóa hình thức uống và trở thành một nghệ thuật sống. Trà trở thành lý do để tôn thờ sự thanh khiết và tao nhã, để cho một buổi lễ thiêng liêng mà ở đó, cả khách lẫn chủ cùng chung nhau tạo ra nguồn phúc lạc cực điểm từ những gì tầm thường trần tục.

bộ sách được làm bằng chất liệu thiên nhiên. Ảnh: Thaihabooks.

Sách về trà được làm từ trà

Bộ sách về trà gồm Trà kinh (do Sơn Dã và Huy Đông dịch) và Trà thư (do Trúc Diệp dịch) được ra mắt với hình thức độc lạ, đó là được làm từ đất Feralit, chàm, lá trà và giấy giang.

Theo chia sẻ của bà Phạm Thủy, Giám đốc truyền thông Thaihabooks, hình thức của bộ sách đặc biệt này được lấy cảm hứng “một lẽ tự nhiên – Cây trà được làm nên từ những hạt đất hạt cát. Chính vì vậy bìa sách được làm từ các chất liệu: Đất – chàm, và lá thể hiện trên giấy giang để mang lẽ tự nhiên bình dị đó vào từng cuốn sách về trà”.

Đất được lọc sạch tạp chất, nghiền nhỏ để tạo thành những “hạt màu” vàng; cao chàm được ủ và lên men từ cây chàm, được sử dụng để tạo màu xanh dương. Chiếc lá trên bìa là lá trà được ép khô thủ công. Phần bìa sách cũng được làm từ giấy giang – loại giấy thủ công từ thân cây giang của người H’mong.

Phần thiết kế đặc biệt này tạo nên điểm nhấn cho bộ sách về trà. Đặt trong bối cảnh tình hình môi trường trở thành vấn đề được quan tâm, những cuốn sách với chất liệu tự nhiên, thô mộc có lẽ sẽ trở thành một xu hướng mới cho thị trường xuất bản.

nguồn: zingnews