“John Dewey (1859-1952), tác giả của cuốn sách Dân chủ và giáo dục mà các bạn đang cầm trên tay, cũng là một nhà giáo dục vĩ đại đồng thời là triết gia xuất sắc. Là một trong ba nhà sáng lập Thực dụng luận , gia tài tư tưởng triết học và giáo dục đồ sộ của ông bao trùm đời sống trí tuệ của nước Mỹ suốt thế kỷ XX và ông thực sự trở thành thần tượng của những trí thức Hoa Kỳ lỗi lạc nhất.
Richard Rorty tuyên bố: “Triết gia tôi ngưỡng mộ nhất, người tôi được vinh hạnh coi mình như học trò, là John Dewey” . Noam Chomsky, người hồi nhỏ từng theo học rồi về sau dạy học ở một trường theo đường lối của Dewey, cũng nói thường xuyên trích dẫn John Dewey như một người có ảnh hưởng lớn đến cuộc đời mình.
Thực dụng luận, nền triết học đặc biệt Hoa Kỳ, là sản phẩm của một xã hội kỳ lạ, được đặc trưng không chỉ bởi tính dân chủ (cho dù khi đó mới chỉ áp dụng với người da trắng), mà còn bởi một nền kinh tế tự do chưa từng có trong lịch sử, mạng lưới phức tạp của những quan hệ xã hội, và nhất là bởi mặc cảm không quá khứ cũng vô tiền khoáng hậu, trong khi nó vẫn gắn liền với truyền thống duy lý phương Tây. Chính những đặc điểm này, bằng cách nào đó, đã thúc đẩy Charles Peirce và William James, và sau đó là John Dewey, đến việc từ bỏ Siêu hình học và việc đề cao sự hữu ích và tính hiệu quả – những ý tưởng chính của Thực dụng luận.
Thực dụng luận được thể hiện một cách xuất sắc qua triết lý giáo dục của John Dewey với những tác phẩm như Trường học và xã hội (The School and Society, 1899), Cách chúng ta nghĩ (How We Think, 1910), Kinh nghiệm và giáo dục (Experience and Education, 1938), và Dân chủ và giáo dục (Democracy and Education, 1916), trong đó, ông chủ trương một nền giáo dục gẳn liền lý thuyết với thực tiễn. Thật ra, học đi đôi với hành không phải là hoàn toàn mới, nhưng ở John Dewey, nó dựa trên một quan niệm độc đáo. Nếu như trước đây người ta quan niệm giáo dục như là quá trình truyền đạt kiến thức và kinh nghiệm, hoặc là quá trình rửa tội và thanh lọc tâm hồn, hoặc nữa, một quá trình khai sáng nhằm giúp con người tự do sử dụng lý trí, thì với John Dewey, “Giáo dục chính là bản thân cuộc sống” (Education is life itself).
Vì giáo dục chính là bản thân cuộc sống, nhà trường không thể tách khói hoạt động thực tiễn, và kiến thức không thể được áp đặt từ bên ngoài.
Vì giáo dục chính là bàn thân cuộc sống, không thể có một thứ giáo dục chung cho tất cả mọi người. Người thầy phải ý thức rõ và tôn trọng sự khác biệt giữa các học sinh.
Vì giáo dục chính là bản thân cuộc sống, nó phải là quá trình của người học chứ không phải cùa người dạy. Giáo dục là quá trình mà người học là trung tâm.
Nói cách khác, giáo dục phải là một quá trình dân chủ sâu sắc.
Giới thiệu cuốn sách quan trọng của John Dewey chỉ bằng mấy lời ngắn gọn trên đây là một điều bất cập, thậm chí bất nhã. Tôi muốn cám ơn dịch giả và Nhà xuất bản Tri thức đã cho tôi, cùng các nhà giáo, các nhà quản lý giáo dục và đông đảo bạn đọc Việt Nam, cơ hội tiếp cận nó bằng tiếng Việt.
Trong bối cảnh nền giáo dục Việt Nam đang trăn trở để đổi mới, việc dịch và xuất bản cuốn sách sẽ là một đóng góp quan trọng vào sự nghiệp giáo dục nước nhà…”
Ngô Tự Lập
Tác giả: John Dewey
Dịch giả: Phạm Anh Tuấn
Nhà xuất bản: NXB Tri Thức
Công ty phát hành: NXB Tri Thức
Có thể bạn muốn xem
Chuyện làng ven sông
7 cách nghĩ khác biệt của những người giàu có và thành công
Phê bình kí hiệu học
Trắng (Tiểu Thuyết)
Miền đất hứa của tôi – Khải Hoàn và Bi Kịch của Israel
Những vấn đề mới trong vật lý hiện đại
Dấu ấn lữ hành, Nhìn ra thế giới – nét thú vị của nghề báo
Không gian gia vị Sài Gòn
Món chay bếp nhà