Sài Gòn là vùng đất trẻ mới 300 năm, nhưng luôn là chủ đề hấp dẫn các nhà văn, các nhà nghiên cứu, giới sáng tác xưa nay. Trong lĩnh vực khảo cứu, nhiều tên tuổi lớn đã xuất hiện như Vương Hồng Sển, Sơn Nam, Nguyễn Đình Đầu… cho đến những tác giả gần đây như Nguyễn Đức Hiệp, Phạm Công Luận, Trần Nhật Vy, Lê Nguyễn,… Mỗi người bằng thế mạnh của mình đi vào những mảng khảo cứu riêng biệt, với những cách tiếp cận đa dạng, đã phản ánh diện mạo lịch sử – văn hóa của Sài Gòn với tất cả sự phong phú của nó, từ vùng đất cho đến con người trên nhiều khía cạnh. Không chỉ có người Sài Gòn mới có nhu cầu tìm hiểu về mảnh đất mình đang sinh sống, mà cả những bạn bè xa gần đều muốn biết về một đô thị tràn đầy sức sống. 

Trong tập sách mở đầu này, chúng tôi giới thiệu 16 bài viết của các tác giả, từ những vấn đề về di tích, kiến trúc, tín ngưỡng, tôn giáo, dân tộc, lịch sử cho đến nghệ thuật, báo chí. Đây là những nghiên cứu công phu, chọn lọc nhiều năm của các tác giả trên những lĩnh vực chuyên biệt của mình. Qua đây cho thấy một Sài Gòn còn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa đa sắc, với những dấu vết lịch sử để lại, sự hòa trộn nhiều nền văn hóa trong quá trình Nam tiến của cha ông, của nhiều cộng đồng dân cư, Hoa, Khmer. Đó còn là sự giao lưu tiếp biến văn hóa Đông Tây trên nhiều bình diện, để làm nên một diện mạo riêng không lẫn vào đâu được ở một thành phố có sự cởi mở về văn hóa, trẻ trung và năng động, nhưng vẫn chú ý giữ gìn bản sắc.

Tác giả: Nhiều tác giả
Nhà xuất bản: NXB Văn Hóa – Văn Nghệ