Những trang sách “Huyền thuật và các đạo sĩ Tây Tạng” mở ra cái nhìn rõ nét hơn về vùng đất tâm linh huyền bí, giúp các nhà nghiên cứu thêm tư liệu khảo cứu về năng lực con người.
100 năm trước, Alexandra David – Neel có ý định tiếp kiến Đức Đạt Lai Lạt Ma đời thứ 13. Lúc này, Đức Đạt Lai Lạt Ma đang ở Ấn Độ (lánh nạn vì xung đột chính trị với triều Mãn Thanh). Từ ý định ban đầu ấy, không ngờ các bí mật về huyền thuật Tây Tạng lẫn lời chỉ dẫn sâu xa của những vị đạo sĩ đã dẫn nữ tác giả người Pháp đi xa hơn dự định ban đầu.
Bà dành 12 năm rong ruổi khắp Tây Tạng để tìm hiểu, khám phá. Kết quả là cuốn sách Mystyquet et Magiciens du Tibet như một công trình nghiên cứu quan trọng về vùng đất đầy bí ẩn ra đời. Mystyquet et Magiciens du Tibet trở nên vang dội khắp châu Âu. Cuốn sách là hành trình của tác giả xuyên qua vùng đất Tây Tạng, để khám phá các huyền thuật của đạo sĩ nơi đây. Sách đến với bạn đọc Việt qua bản dịch của Nguyên Phong, với tên Huyền thuật và các đạo sĩ Tây Tạng.
Cuốn sách mở ra những bí ẩn tâm linh mà lâu nay người châu Âu nói riêng và thế giới nói chung vẫn tò mò. Trước khi sách ra đời, huyền thuật Tây Tạng được biết đến như những câu chuyện hư ảo về phù phép, bùa chú hoặc bị một số nhà nghiên cứu Phật học chính thống ở phương Tây xem là mê tín dị đoan.
12 năm đặt chân đến Tây Tạng để tận mắt chứng kiến và ghi chép những hiện tượng kì bí, Alexandra David – Neel ghi lại những điều mắt thấy tai nghe. Bà viết trong cuốn sách: “Người ta không thể giải thích vì sao Tây Tạng lại có sức hấp dẫn kỳ lạ như vậy nếu họ không đặt chân đến đây, nếu họ không trầm mình vào bầu không khí trang nghiêm tĩnh lặng, nếu họ không biết lắng nghe những âm thanh mơ hồ trong gió, hay nhìn thấy những hình ảnh kỳ lạ chập chờn trong sương mù, hư hư thực thực”.
Cuốn sách lý giải những hiện tượng siêu nhiên của huyền thuật Tây Tạng. Tác giả đã kể lại những câu chuyện về bí thuật của các đạo sĩ Tây Tạng, phương pháp tu tập – thiền định của họ và cả những truyền thuyết bà được nghe kể dọc chặng đường.
Alexandra là một học giả nghiên cứu Phật giáo nổi tiếng. Nhưng trước khi đặt chân đến Tây Tạng, câu chuyện về các đạo sĩ hay truyền thống tu tập của họ vẫn là điều lạ lẫm với bà. Tây Tạng như vùng đất tâm linh đầy bí ẩn, huyền diệu cuốn hút bà.
Cuốn sách như một thiên phóng sự du ký không chỉ mở ra cho các độc giả phương Tây đầu thế kỉ 20 cái nhìn rõ nét hơn về Tây Tạng mà còn giúp các nhà nghiên cứu có thêm tư liệu để khảo cứu về năng lực con người.
Hơn 100 năm trôi qua, sách vẫn đem đến những bất ngờ cho người đọc về Tây Tạng. Bên cạnh hành trình về huyền thuật Tây Tạng, cuốn sách của Alexandra David – Neel còn là những ghi chép thú vị liên quan đến các sự kiện lịch sử ở nơi này như việc mô tả chuỗi ngày lánh nạn ở Ấn Độ của Đạt Lai Lạt Ma đời thứ 13, những cải cách tôn giáo đột phá của vua Sidkeong Namgyal xứ Sikkim.
Cuốn sách đến với bạn đọc Việt Nam qua bản dịch của Nguyên Phong (tên thật là Vũ Văn Du) – nhà khoa học nghiên cứu tại Đại học Carnegie Mellon và Đại học Seattle, một dịch giả của loạt sách về văn hóa tâm linh phương Đông.
Tác giả Alexandra David – Neel (1868-1969) là người phụ nữ da trắng đầu tiên du hành khắp Tây Tạng và đến thủ đô Lhasa. Bà dành hơn 12 năm nghiên cứu về Phật học tại Tây Tạng, lúc thì trong những tu viện hẻo lánh, khi thì nhập thất trong một hang động trên đỉnh Himalaya. Trong những tác phẩm viết về Tây Tạng, sách của bà có một vị trí vô cùng quan trọng và được xem là những tài liệu có giá trị vượt thời gian.
Bà được trao giải Gold Medal of the Geographical Society of France và huân chương Bắc Đẩu Bội Tinh.
Y Nguyên/Zing.vn
Có thể bạn muốn xem
Giải thưởng sách thiếu nhi: Động lực cho người viết, điểm tựa cho người đọc
Áo dài Lemur và bối cảnh Phong Hóa & Ngày Nay
Beethoven: Âm Nhạc Và Cuộc Đời
Sống lành để trẻ
Bẩn cũng tốt
‘Mật thi’ và lời thì thầm từ đồi thông
Marc Levy – Cô gái cuối cùng của dòng họ Stanfield
Tiếp tục hành trình khuyến đọc và học tập suốt đời
Ngang nhiên đạo văn