Jong-su, một chàng trai Hàn Quốc, bất ngờ bị đuổi khỏi phòng nghiên cứu của tiến sĩ Giku tại New York, Mỹ. Trong khi thu dọn đồ dùng cá nhân để rời đi, cậu phát hiện ra một bức thư – mà suốt mấy năm qua cậu không còn lưu lại trong ký ức – của cô bạn gái thời trung học. Lời thư và ký ức về cô bạn đã dẫn Jong-su bước vào một cuộc phiêu lưu đặc biệt – tìm hiểu về cuộc đời của Ralph Lauren – nhà thiết kế thời trang nổi tiếng của Mỹ.
Với tính chất của một tiểu thuyết hư cấu, lấy cảm hứng nguyên mẫu là Ralph Lauren – một con người có thật, tác giả Son Bo-mi đã xây dựng nên một thế giới tiểu thuyết rất riêng mang màu sắc cá nhân của cô, do chính cô sáng tạo. Đó là “câu chuyện của những nhân vật sống trong thế giới có ‘Ralph Lauren gặp gỡ Joseph Frankl vào năm 1954’”. Chính vì thế mặc dù nhân vật Ralph Lauren trong tiểu thuyết có điểm tương đồng nào đó so với nguyên mẫu ngoài đời hoặc có những nhân vật, sự việc, tình tiết nào đó trong tiểu thuyết có hiện hữu trong thế giới chúng ta đang sống nhưng như lời tác giả, đó hoàn toàn là sự “trùng hợp ngẫu nhiên” và hoàn toàn là sản phẩm của sự hư cấu.
Lấy cảm hứng từ Ralph Lauren nhưng cuộc đời ông không phải là nội dung chính của tác phẩm, mà đó gần như là nguyên cớ để tác giả xây dựng chân dung những con người khác và xây dựng chân dung chính mình. Và thứ “đọng” lại nhiều nhất, có lẽ không phải là chân dung của bất kỳ ai, mà đó là ấn tượng về cuộc đời của những con người trong xã hội hiện đại – những người trải qua đổ vỡ, thất bại, hẫng hụt, sống trong những lo lắng, bất an vẫn đang loay hoay trên hành trình đi tìm giá trị, hạnh phúc cho chính mình.
Trích đoạn nội dung:
- Tôi hỏi Su-yeong đừng dùng từ “Dear” mà dùng từ đặc biệt khác thì thế nào. Không nhất thiết phải bắt đầu bằng “Dear Ralph Lauren”. Có rất nhiều cách để bắt đầu một lá thư. Nhưng nàng tuyệt đối không nhượng bộ. Chúng tôi cuối cùng đã bắt đầu dịch trừ dòng đầu tiên, rồi sau mấy lần bắt bẻ dài ơi là dài, cuối cùng tôi quyết định làm theo ý của nàng. Hôm đó, Su-yeong nói với tôi: “‘Dear’, cảm giác như lời có thể viết riêng cho người mà mình thấy tình cảm. Rất thân mật và ấm áp.”
- Liệu đó là tiếng gõ cửa dành cho cái gì nhỉ? Có một điều chắc chắn là lúc đó (dù tôi không tỏ vẻ) tôi đã chờ đợi tiếng gõ cửa của cậu ta. Đó là cảm xúc vô cùng mâu thuẫn. Tôi những muốn mình thật sự ngoảnh mặt với hiện thực mãi mãi, vì thế tôi mong muốn có thể trú mình mãi mãi trong đống tài liệu về Ralph Lauren, nhưng mặt khác tôi vẫn hy vọng ai đó lôi tôi ra khỏi thế giới của Ralph Lauren.
- “…Tài năng kiệt xuất quá lại thường mang đến cái mà người ta gọi là sự vỡ mộng. Điều quan trọng hơn cả chính là nỗ lực. Không phải nỗ lực sẽ làm cái gì đó giỏi, mà cần nỗ lực để dùi mài bản thân. Đó là sự đau đớn tận xương tủy để khắc phục hạn chế của mình. Mỗi ngày đều phải lại chào đời, phải đánh cược mạng sống”.
- Trong phần lớn thời gian, tôi bị rơi vào toàn bộ tài liệu về Ralph Lauren như thể đó là nghề nghiệp của tôi vậy. Nhưng càng bị chôn mình vào đống tài liệu thì Ralph Lauren càng trở thành một thực thể cứ liên tục tan biến vào bí mật. Và rồi, tôi càng không ngừng đọc những bài viết về ông ấy. Trong lúc đó, dường như tôi định hạ gục chính mình bằng những vấn đề mà tôi đang trải qua. Trong lúc hy vọng được nán lại mãi mãi trong ảo tưởng đó, rằng tôi có thể vừa không quá vô tâm, hoặc quá quan tâm đến những vấn đề xảy đến với bản thân mình, nói cách khác, rằng tôi có thể vừa giữ thăng bằng ở chính giữa sợi dây đang treo trên không trung.
Nhưng đáng tiếc, có những khoảnh khắc tôi không thể bỏ mặc bản thân trong sự ảo tưởng đó được.
Có thể bạn muốn xem
Gốm Chăm
Kẻ khôn đi lối khác – The Third Door
Lãnh đạo sáng tạo
Tôi Đúng, Anh Sai
Canada: trộm cậy tủ, lấy số sách quý trị giá 55.000USD
Phê duyệt Chiến lược Chuyển đổi số báo chí
Viện Nghiên cứu Hán Nôm thất lạc hơn 100 sách cổ
Xa Lâu Để Rồi Gặp Lại
Nguyễn Ngọc Tư ra mắt tác phẩm mới