Tòa nhà trường Viễn Đông Bác Cổ (EFEO) nằm trong một dãy phố hiền hòa, cách quảng trường Trocadero và tháp Eiffel nhộn nhịp không xa. Tôi bấm chuông, cửa tự động mở, và rồi kho tàng tư liệu Đông Dương đồ sộ hiện ra. Ở đó, có một ông cụ Việt Nam – áo dài đen, khăn đóng xưa, nét mặt cương nghị, đang chờ tôi, một trò nhỏ hậu sanh học sử.
Ông cụ ở Sài Gòn đến Paris từ ngày xửa ngày xưa. Khi ấy ông mới 26 tuổi, làm phiên dịch trong sứ bộ Phan Thanh Giản đi Pháp năm 1863. Từ Paris, ông đi tiếp Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Ý, những xứ sở đang vùn vụt công nghiệp hóa. Cuối thế kỷ XIX, rất hiếm người Việt Nam như ông có dịp “đi một ngày đàng học một sàng khôn” ở nhiều nước phương Tây tân tiến.
Khi giã biệt cuộc đời ở tuổi 61 tại ngôi nhà nhỏ ở Chợ Quán, gia tài ông để lại là hơn 100 đầu sách đã xuất bản, cùng nhiều di cảo chưa công bố. Thật thán phục, kho tác phẩm của ông có đủ loại “châu báu”: từ điển, bài giảng, sách biên khảo, ký sự, sách sưu tầm và hiệu đính, thơ ca… Rất tiếc bể dâu và binh lửa trên đất Việt đã khiến gia tài của ông lưu lạc nhiều nơi trong nước và hải ngoại. Trong đó, trên đất Pháp, ở các thư viện nghiên cứu lâu đời và gia đình con cháu ông, may mắn lưu giữ được ít nhiều tác phẩm – mang tên tác giả Petrus Trương Vĩnh Ký. Người đời quen gọi ông bằng cái tên vắn tắt, thân mật là Petrus Ký hay Petrus. Năm trước, tôi gặp ông qua những trang vi phim Gia Định Báo tại Thư viện quốc gia Pháp. Năm nay, tại EFEO, những trang sử Việt của ông đã mở lối cho tôi tìm về một cách chép sử, lưu truyền quá khứ dân tộc một cách độc đáo.
Dạy sử từ sách tập đọc
Bạn có nhớ quyển sách tập đọc đầu tiên trong đời mình? Cách đây 10 năm, tôi được một người bạn tặng quyển tập đọc “vỡ lòng” của thế hệ 6X ở Sài Gòn. Trên bìa sách có hình con cóc ôm cặp đi học, đôi mắt to thô lố, miệng cười toe toét, dưới chiếc lá sen che ngang như một chiếc nón yêu kiều. Ôi chao, đó chính là quyển sách đầu đời của tôi ở trường mẫu giáo! Và giờ đây, thật bất ngờ, tại EFEO, tôi lại được cầm trên tay quyển sách tập đọc vỡ lòng của thế hệ ông nội tôi. Quyển sách mang tên Sơ học vấn tân quốc ngữ diễn ca, in năm 1884, do Petrus Ký biên soạn.
Sách chỉ có 36 trang, khổ nhỏ hơn A4 nhưng mỗi trang đầy ắp từ vựng, thơ lục bát và cả văn xuôi. Phần nửa trên của mỗi trang, tác giả dạy người học làm quen ngữ nghĩa của 8 câu, trong đó mỗi câu là 4 từ đơn, dễ đọc dễ thuộc (giống sách học chữ Hán – Tam tự kinh). Mỗi chữ quốc ngữ, đều đi kèm chữ Hán và chữ Pháp đồng nghĩa. Chẳng hạn Đất đi kèm Địa (chữ Hán) và Terre (chữ Pháp). Như vậy, sách dạy cùng lúc quốc ngữ và ngoại ngữ, một cách làm rất mới mẻ thời ấy và xem ra vẫn có thể áp dụng cho sách giáo khoa đời nay! Song, điều lý thú hơn cả, phần nửa dưới mỗi trang là một đoạn thơ lục bát kèm một đoạn văn xuôi ngắn.
Đây là phần bài đọc có các từ đã dạy ở phần trên, tuy nhiên, thật ngạc nhiên tác giả đã lồng vào kiến thức lịch sử chứ không phải các câu viết thông thường. Trong 18 trang đầu tiên, đoạn thơ và văn xuôi nhắc đến các điển tích Tàu (Nghiêu Thuấn, Tam Quốc, Hán, Minh, Thanh) vốn quen thuộc với người dân thuở ấy qua hát bội và truyện Tàu. Sang 18 trang kế tiếp, lại hoàn toàn là chuyện sử ta, bắt đầu từ “Hồng Bàng thị” đến Đinh, Lê, Lý, Trần và các thời đại sau. Tất cả đều rất ngắn gọn mà vẫn gói ghém được những điều tiêu biểu cần ghi nhớ cho mỗi giai đoạn lịch sử của dân tộc. Ngoài ra, tác giả còn dùng thơ lục bát và đoản văn để nêu các giá trị cốt lõi của văn hóa, phong tục, lễ nghĩa, văn chương nước Việt.
Hãy nghe lời thơ mộc mạc của Petrus Ký, rất giống phong cách truyện thơ Lục Vân Tiên:
Thờ vua thì lấy chữ trung
Thờ cha thì lấy một lòng hiếu ti
Vợ chồng đạo vẹn xướng tùy
Anh em kính thuận nhà thì vui sao!
Chú ý, vua thời xưa là biểu tượng cho đất nước. Lạ thay, vào thời điểm nước Việt đã bị mất vào tay thực dân mà Petrus Ký – ngay trong sách dạy tập đọc, vẫn nhắc đến vua, nhắc đến những cuộc quật khởi chống ngoại xâm trong sử Việt. Phải chăng, đó chính là một loại phản kháng thầm lặng, kêu gọi người dân không quên nguồn gốc và sự nghiệp bất khuất của ông cha?
Đưa sử quốc gia và địa phương vào sách giáo khoa
EFEO và Thư viện quốc gia Pháp còn lưu giữ môt quyển sách “lạ lùng” khác của Petrus, mang cái tên xưa: Dư đồ thuyết lược, in năm 1887. Đây không phải là sách thuyết giáo tư tưởng mà là sách giáo khoa sử địa. Vào thời kỳ chưa có máy bay và hiếm hoi tàu biển, quyển sách này với 5 chương và 113 trang, đã trở thành tấm “thảm thần” đưa người học đi vòng quanh năm châu, bốn biển. Và sau đấy, trở về với toàn cảnh đất nước và lịch sử Việt Nam. Khi lật từng trang sách, tôi thấy hiện ra hình ảnh những học sinh tóc còn để chỏm (và cả những thầy giáo làng chưa bước chân ra phố) ngỡ ngàng tìm đến đường chân trời, các cực, kinh tuyến, vĩ tuyến, lục địa và đại dương. Và rồi, ra với các châu lục và quốc gia xa gần.
Đó hoàn toàn là những kiến thức mới lạ cho người Việt thế kỷ XIX. Không ngờ những thuật ngữ khoa học về địa lý, thiên văn, hải dương học trong tiếng Pháp hay tiếng Latin, lại được Petrus chuyển sang tiếng thuần Việt và Hán Việt, một cách nhuần nhuyễn và dễ nhớ. Hãy xem thời đó, Petrus đã gọi Bốn phương trời (4 Points Cardinaux) thay vì Tứ phương, gọi Trái đất (Globes) thay vì Địa cầu, gọi Biển cả (Océan) thay vì Đại dương. Ông ghi âm Hán việt từ Europe là Âu-La-ba (châu Âu), Amérique là A-Mĩ-Lợi-Gia (châu Mỹ), Océnia là Úc-Đại-Lợi-A (châu Úc).
Càng bất ngờ hơn, khi tác giả dành 3/5 các chương sách còn lại cho các kiến thức căn bản về sử địa Việt Nam. Trong đó, phần lịch sử được tác giả trình bày theo dạng hỏi – đáp rất hiệu quả và hiện đại. Qua đấy, tác giả giới thiệu vắn tắt lịch sử Việt Nam theo trình tự thời gian, bắt đầu từ Kinh Dương Vương và 18 đời Hùng Vương đến thời kỳ vua Minh Mạng. Tác giả còn liệt kê đầy đủ các quốc hiệu của nước Việt từ Xích Quỷ, Văn Lang đến Đại Việt, Đại Nam. Chỉ lướt qua tên nước không thôi, người học có thể cảm nhận lịch sử hào hùng của cha ông và ngậm ngùi, luyến tiếc, nghĩ đến ngày phải khôi phục nền độc lập!
Kế đến, tác giả có hẳn một chương giới thiệu lịch sử mở mang đất Nam kỳ. Điều này thể hiện một quan điểm rất cách tân rằng người học sử không chỉ biết lịch sử nhân loại, lịch sử quốc gia mà còn phải hiểu lịch sử địa phương. Than ôi, ngay cả nhà trường Việt Nam hiện tại cũng chưa chú trọng phần lịch sử quan trọng này. Trong khi ấy, Petrus Ký đã viết rất kỹ lưỡng về sự ra đời và biến đổi của các đơn vị hành chính từ trấn đến phủ và tỉnh của Nam kỳ – từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XIX. Kèm theo đó là hệ thống các chức vụ quan lại. Các thông tin này cho thấy người Việt Nam đã dày công xây đắp và quản trị hiệu quả miền đất mới như thế nào, trước khi Pháp xâm chiếm.
Khi qua phần “Tân trào” (chính quyền thực dân), Petrus lại tiếp tục ghi chép chi tiết bộ máy hành chính mới bao gồm các sở nha ở các tỉnh thành (trong đó, có Soái phủ Lại Bộ Thượng Thơ – cái tên giải thích vì sao tòa nhà 59 – 61 Lý Tự Trọng – quận 1, TP.HCM bao đời nay được người dân gọi là “Dinh Thượng Thơ”). Cả hai đều là phần tư liệu quý báu để người đời sau hiểu về sự ra đời của Sài Gòn và miền đất phương Nam.
Mặt khác, càng quý báu hơn nữa, Petrus đã ghi lại tỉ mỉ các tên sông núi, cửa biển, cù lao, thổ sản, thảo mộc, cầm thú… từ Đồng Nai đến Cà Mau. Trong chương cuối của sách, Petrus đưa người học đi tiếp từ Bình Thuận, Nha Trang ra đến Lạng Sơn, Cao Bằng. Đến đâu người học cũng được tác giả chỉ cho sự biến đổi tên gọi địa phương và kiến thức về địa thế, dân số, ruộng đất, tài nguyên của từng tỉnh thành. Xem đến đây, tôi tự hỏi, vì sao trong lúc đất nước bị thực dân Pháp chia ba, mỗi miền có một thể chế khác nhau nhưng Petrus Ký vẫn dạy học sinh về một nước Việt Nam liền lạc và thống nhất từ trong địa lý đến lịch sử? Phải chăng ngay trong sách giáo khoa, Petrus Ký đã thể hiện lòng yêu nước thầm lặng và tìm cách lan tỏa khôn khéo vào đông đảo người dân, nhất là thế hệ trẻ?
Từ 1865 – 1898, phần lớn cuộc đời Petrus Ký dành cho dạy học và biên khảo. Ông dạy ở trường Thông ngôn, sau đó là trường Sư phạm rồi trường Hậu bổ (trường dạy làm quan). Ông nghiên cứu và viết giáo trình, viết sách về nhiều lĩnh vực như văn hóa, ngôn ngữ, phong tục, thi ca, nông nghiệp. Đặc biệt, các tác phẩm sử học của Petrus rất đa dạng, thể hiện qua nhiều hình thức như giáo trình ghi chép và diễn giải các sách sử xưa, sưu tầm các truyện tích xưa, bài ca dân gian, khảo sát cây trái, tài nguyên đất nước, bằng cả tiếng Việt và tiếng Pháp. Các giáo trình của Petrus về lịch sử Việt Nam, lịch sử Sài Gòn được biên soạn bằng tiếng Pháp nhưng qua lời tựa bằng tiếng Việt, người đời sau có thể hiểu đối tượng đọc sách chính là người Việt – các nhà giáo hay quan chức sau này.
Đối với học trò ABC và tiểu học cũng như người dân thường thì sách sử của Petrus đều viết bằng chữ quốc ngữ với nhiều dạng như sách tập đọc, sách tham khảo, lịch sử diễn ca, chuyện xưa tích cũ… Những người từng học chữ quốc ngữ và học sử địa Việt Nam qua các sách của Petrus Ký, ngay trong nhà trường thuộc địa, hẳn không thể quên quê hương và nòi giống. Chính họ là thế hệ vào thập niên đầu tiên của thế kỷ XX hưởng ứng phong trào Duy Tân và Đông Du – chấn hưng dân trí, xuất dương đi học làm cách mạng. Đó cũng là các thế hệ phấn khích với các cuộc khởi nghĩa vua Duy Tân, Thái Nguyên, Yên Bái và các đảng phái yêu nước trong các thập niên sau.
Rời thư viện EFEO, tôi như vẫn thấy nụ cười hiền từ và đôi mắt trầm mặc của ông phảng phất trong ánh nắng chiều thu Paris dịu ngọt. Người đời sau từng tôn vinh Petrus Ký là nhà văn, nhà báo, nhà ngôn ngữ – tiên phong quảng bá và phát huy giá trị văn hóa Việt. Nhưng giờ đây, tôi hiểu Petrus Ký trong hoàn cảnh vong quốc, còn là người dạy và chép sử – tiên phong khơi dậy lòng yêu nước. Hơn hai mươi năm sau khi Petrus mất (1898), đã có những sử gia hiện đại như Trần Trọng Kim, Đào Duy Anh, Hoa Bằng… nối tiếp con đường của ông. Chữ tài liền với chữ tai một vần – định mệnh hay là những suy nghĩ hẹp hòi, thiên kiến đã làm cho những người tài như Petrus vẫn còn lận đận với miệng lưỡi thế gian đến tận bây giờ?
Một số sách liên quan sử địa do Petrus Trương Vĩnh Ký viết hay biên dịch và hiệu đính đã xuất bản
1865: Ghi chép về dòng họ Nguyễn Phước
1866: Chuyện đời xưa
1875: Ghi chép về tàu thuyền An Nam, Tiểu giáo trình địa lý Nam Kỳ, Giáo trình lịch sử An Nam, Giáo trình địa lý tổng quát Đông Dương, Đại Nam Cuốc sử ký diễn ca
1875: Chuyến đi Bắc Kỳ năm Ất Hợi
1882: Cổ Gia Định phong cảnh vịnh, Gia Định thất thủ vịnh, Kim Gia Định phong cảnh vịnh
1883: Hịch con quạ, Phép lịch sự An Nam
1884: Sơ học vấn tân quốc ngữ diễn ca
1885: Ký ức lịch sử Sài Gòn và vùng phụ cận
1887: Ước lược truyện tích nước Nam, Dư đồ thuyết lược
1889: Đại Nam tam thập nhứt tĩnh địa đồ
Ngoài ra còn có Sử ký Đại Nam Việt Quốc triều in năm 1885, không ghi tên tác giả, có khả năng do ông biên soạn.
(Nguồn: thống kê của bà Phạm Lệ Hương, Việt Việt học, 2019)
Bài và ảnh: Phúc Tiến/Người Đô Thị
Paris – Sài Gòn, 9 – 10.2019
Có thể bạn muốn xem
23 thực phẩm giúp bạn có một giấc ngủ ngon
Món quà của linh hồn
Khi mọi thứ sụp đổ – Lời khuyên chân thành trong những thời điểm khó khăn
5 điểm chết trong teamwork
3 lý do vì sao bạn lôi cuốn hơn mình nghĩ
Cuộc cách mạng rau sạch
Marketing Trên Một Trang Giấy
Móng Vuốt Quạ Đen – bộ sách fantasy dành cho người trưởng thành
Chính thức ra mắt website của Hội Nhà văn TPHCM