Lạc An (31 tuổi, ảnh) được biết đến là một cô gái đa tài khi có thể vừa vẽ, vừa viết kịch bản lẫn viết văn. Sau tập truyện ngắn in chung dành cho tuổi teen, mới đây, cô vừa ra mắt truyện dài thiếu nhi Ông Ba Bị và những đứa trẻ trong mơ (NXB Kim Đồng).
Hiện tại, những công việc của Lạc An chủ yếu thiên về nghệ thuật, nhưng trước đó, cô tốt nghiệp ngành tài chính (Trường ĐH Kinh tế TPHCM). Lạc An kể, lúc còn là sinh viên, cô chỉ biết làm sao để học thật tốt và xin được học bổng. Vậy nên, sau khi tốt nghiệp, cô bị rơi vào trạng thái hoang mang, vì lúc đó không còn bất kỳ kỳ thi và học bổng nào nữa.
“Tôi phải trả lời rất nhiều câu hỏi về bản thân, và lúc đó tôi nghĩ về giấc mơ hồi còn bé. Điều đó giúp tôi nhận ra, khi được sáng tạo những câu chuyện là lúc mình được sống cuộc đời của chính mình”, Lạc An nhớ lại.
Bước ngoặt đến khi Lạc An tham gia một lớp học biên kịch miễn phí của Viện Truyện tranh và hoạt hình Việt Nam (CMA). Nhận thấy đam mê và tiềm năng ở Lạc An, viện trưởng đã trao cho cô học bổng ngành Họa sĩ kể chuyện hệ 3 năm. Kết thúc khóa học, cô được giữ lại viện và bắt đầu tham gia giảng dạy biên kịch. Thêm vào đó, năm 2017, Lạc An tham dự cuộc thi Nhà Biên kịch tài năng và gặp được nhiều bạn có cùng sở thích viết lách. “Việc tìm ra cộng đồng viết giúp tôi có nhiều cơ hội giao lưu, học hỏi và nuôi dưỡng đam mê hơn”, Lạc An chia sẻ.
Ông Ba Bị và những đứa trẻ trong mơ kể về những đứa trẻ gồm: Bi, Bo, Bun, Ken cùng một nhân vật xuyên suốt là ông Ba Bị. Tác phẩm giống như một chuyến du hành vào thế giới giấc mơ trẻ thơ, đồng thời cũng giống như một lời “minh oan” cho ông Ba Bị, được kể khéo léo và hấp dẫn giữa giấc mơ và thực tại. Khai thác yếu tố văn hóa dân gian, về một nhân vật dường như đã quen thuộc với đa phần trẻ nhỏ, là yếu tố ghi điểm ở tác phẩm này.
Lạc An bày tỏ: “Trên thị trường có không ít tác phẩm dành cho thiếu nhi, vì vậy tôi nghĩ việc khai thác yếu tố văn hóa dân gian của Việt Nam là một cách để tác phẩm của mình trở nên khác biệt, đặc biệt là so với các tác phẩm của nước ngoài”.
Trong dân gian, ông Ba Bị là một nhân vật mà hầu như đứa trẻ nào khi nhắc đến cũng sợ. Tuy nhiên, theo Lạc An, ở một khía cạnh khác, ông Ba Bị cũng là người mà bất kỳ đứa trẻ nào cũng biết, và đây là một lợi thế.
“Thật ra đây là phương pháp sáng tạo, lấy một nhân vật đã cũ để kể một câu chuyện mới. Tôi chỉ đơn thuần áp dụng phương pháp này. Ông Ba Bị là một phần ký ức tuổi thơ. Và vì vậy khi chọn viết về một nhân vật quen thuộc với trẻ con thì ông Ba Bị là nhân vật đầu tiên hiện ra trong đầu tôi”, Lạc An cho biết.
Khi viết truyện cho thiếu nhi, thách thức lớn nhất mà Lạc An gặp phải là làm sao phải viết như thể một đứa trẻ đang kể lại câu chuyện của mình. Để vượt qua thử thách này, Lạc An đã dành thời gian nói chuyện với trẻ con, lắng nghe, ghi chép và không ngừng nuôi dưỡng đứa trẻ bên trong tâm hồn của mình.
QUỲNH YÊN/SGGPO
Có thể bạn muốn xem
OSHO – Suy Ngẫm Đầu Tiên Vào Buổi Sáng
Tiêu dùng tối giản – Đẹp, bền và bớt rác
Chủ đất – Tiếng hú vang trên cao nguyên đá
ZERO WASTE HOME: NHÀ KHÔNG RÁC
Hòn đảo ‘đội mây’ nằm giữa đại dương như trong chuyện cổ tích
Yêu Hà Nội thích Sài Gòn
Bế mạc Liên hoan “Bác Hồ – Niềm tin yêu qua từng trang sách” năm 2023
Người Thầy Của Tỉnh Thức Và Thương Yêu
Nhà Lãnh Đạo Tương Lai