“Nước vẫn chảy dưới chân cầu Mụ Kề” – tập hồi ký của kiến trúc sư Hoàng Hữu Phê được NXB Phụ nữ trình làng cuối tháng 5-2021.
Cuốn sách là những dòng hồi ức sinh động về hành trình mà tác giả đã đi qua kể từ khi là một cậu bé tỉnh lẻ sống qua chiến tranh phá hoại khốc liệt ở khu Bốn, cho đến những năm tháng học trò gắn bó với Thủ đô Hà Nội, rồi trở thành du học sinh, nghiên cứu sinh được khám phá kiến thức và trải nghiệm cuộc sống ở những miền đất mới.
Hoàng Hữu Phê sinh năm 1954 ở vùng đất lửa Quảng Bình.
Ký ức tuổi thơ của ông không chỉ có những buổi sớm bình minh đỏ rợp trời dâng lên trên biển hay những trưa nắng chang chang nghịch cát bên cửa sông Nhật Lệ, dầm nước dưới chân cầu Mụ Kề, mà còn là những ngày tháng phấp phỏng lo âu khi chứng kiến những chiếc máy bay ném bom quần thảo trên bầu trời hay khi băng qua những hố bom nổ chậm; xót xa, đau đớn trước cái chết của những người mà vừa mới đây thôi còn kề cận bên mình.
Ký ức ấy còn là đằng đẵng những ngày phải ngủ trong hầm trú ẩn, học dưới ánh đèn dầu leo lét, và trải qua cái đói đến mờ mắt, run người…
Từ một cậu bé sớm phải đối mặt với những biến cố cuộc đời, Hoàng Hữu Phê bắt đầu hành trình mới khi tạm biệt vùng đất Đồng Hới (Quảng Bình).
Những ngày tháng cùng bà ngoại và các em theo cha đi sơ tán ở Hưng Yên; những năm tháng tuổi hoa niên gắn bó với Hà Nội và đặc biệt là quãng thời gian học tập ở Trường Đại học Xây dựng Kiev, sau đó là những trải nghiệm học tập ở Học viện Công nghệ châu Á (AIT) và Đại học Tổng hợp London (UCL) đã được Hoàng Hữu Phê tái hiện sinh động trong những trang viết.
Người đọc hẳn sẽ khó quên nỗi lo lắng, hốt hoảng của một cậu học trò tỉnh lẻ khi không thể đọc lại hay làm những bài tiếng Nga đơn giản nhất, cuối cùng đã vượt qua hàng rào ngôn ngữ để theo học ngành Kiến trúc Trường Đại học Xây dựng Kiev với một kết quả xuất sắc, thậm chí sau khi về nước còn có thể dịch tiểu thuyết và truyện ngắn…
Đáng khâm phục hơn khi một người từ chỗ không biết tiếng Anh, chỉ với chiếc đài bán dẫn và năng lực tự học đã chinh phục giới học thuật với giải thưởng uy tín The Donald Robertson Memorial Prize 2000 của tạp chí hàng đầu thế giới về nghiên cứu đô thị – Urban Studies, cùng với Giáo sư Patrick Wakely.
Cũng sẽ nhớ một Hoàng Hữu Phê với bao đam mê trăn trở trước những công trình mà ông từng tham gia thiết kế, quy hoạch như Rạp xiếc Trung ương, Khu khách sạn nghỉ dưỡng Non Nước (Đà Nẵng), Khu đô thị Trung Hòa – Nhân Chính… hay những công trình nghiên cứu về Hà Nội 36 phố phường cùng với giáo sư Nhật Bản Nishimura. Một Hoàng Hữu Phê đầy lãng mạn trong những bài thơ hay những áng văn lấp lánh.
“Nước vẫn chảy dưới chân cầu Mụ Kề” của Hoàng Hữu Phê như những trang sử vô cùng sống động của đất nước trong nửa thế kỷ đầy biến động. Người đọc có thể cắt nghĩa được số phận con người trong dòng chảy của lịch sử dân tộc, thấy được một thế hệ đầy nghị lực, quyết tâm, khát vọng vươn lên và cống hiến.
Có thể bạn muốn xem
TÌNH DỤC THUỞ HỒNG HOANG
Triết gia Hy Lạp cổ đại: Cách chúng ta nên sống cuộc đời mình
MỤC ĐÍCH SỐNG CỦA MỘT CHÚ CHÓ
Bể trăng côi – Những suy tư về thân phận con người
Những mùa xuân con không về
Vượt bẫy cảm xúc
Đừng tin các bài trắc nghiệm tính cách
Sau “Ngàn năm áo mũ”, nhà nghiên cứu Trần Quang Đức tái xuất kể chuyện trà
Truyền thông nội bộ – Từ chiến lược đến thực thi