Với chủ đề về tình yêu chân thật và có hơi hướng sex, tác phẩm của nữ nhà văn NA nhận được rất nhiều sự quan tâm cũng như khá nhiều sự tranh cãi trong giới trẻ.
Tuy nhiên, điều đọng lại sau cùng của tác phẩm, có lẽ là giá trị sống mạnh mẽ của những người phụ nữ hiện đại, dám yêu, dám hết mình trong tình yêu.
Hãy yêu đi đừng sợ… Ngoài viết lách, nữ nhà văn NA còn là một kiến trúc sư. Tác phẩm văn chương đầu tay của chị Dù sợ vẫn cứ yêu đang gây chú ý với lối viết riêng khá riêng. Với đam mê dành cho con chữ và cá tính mạnh, NA luôn khao khát được viết, được trải lòng bằng thứ ngôn ngữ của văn chương ở những đề tài về tình yêu và cuộc sống người phụ nữ. Bản thân chị cũng là một người mẹ, một người vợ, chị hiểu rõ giá trị của gia đình và những gì mà một người phụ nữ trải qua trong cuộc đời. Với NA, viết cho phụ nữ cũng chính là viết cho cuộc đời. Vì bản năng của một người phụ nữ không cho phép họ được quyền yếu đuối, như cách nữ nhà văn của Dù sợ vẫn cứ yêu luôn vươn lên và không ngừng khao khát trong việc viết nên một cuốn sách để đời.
Dù sợ vẫn cứ yêu là câu chuyện kể về cuộc đời của một cô gái quê tên là Uyển My trong vòng xoáy của những cơ hội, bon chen và xô ngã. Trong cuộc đời của nhân vật chính của cuốn tiểu thuyết, chúng ta sẽ thấy được rất nhiều những vòng tròn. Mỗi một vòng tròn đại diện cho một nhân vật và đan xen vào cuộc sống của chính Uyển My. Đó có thể là những gã đàn ông lừa lọc, dối trá, cũng có thể là những người đàn ông tử tế, biết cách nâng niu và trân trọng người đàn bà thuộc về mình và gia đình của mình. Hoặc có thể đó là sự đan xen của cả 2 khía cạnh tốt – xấu trong cùng một con người. Cuộc đời là như vậy, vốn dĩ rất công bằng. Nó cho phép chúng ta gặp người này, đến với người nọ mà bản chất của họ chỉ được bộc lộ khi đạt đến một giới hạn nào đó cuộc đời cho phép. Yêu đôi khi là chiếm hữu, đôi khi là che chở, đôi khi là cả hai, như cái cách Hữu Khôi, nam nhân vật chính trong truyện đã nói với Uyển My: “Tôi đã nói là sẽ chăm sóc em mà. Chỉ cần em ngoan ngoãn nghe lời tôi, thứ gì tôi cũng có thể cho em.”
Không né tránh đề tài nhạy cảm
Phụ nữ thường né tránh chủ đề tình dục, thường ngại ngùng và cho rằng đó là chuyện thầm kín không nên bàn nhiều. Với Dù sợ vẫn cứ yêu, nhà văn NA sẽ đưa lại chúng ta một cái nhìn khác hoàn toàn so với những gì chúng ta vẫn nghĩ về tình dục là sự thầm kín. Đó là bản năng có kiểm soát, là thứ nhục cảm được nâng niu và trân trọng bởi chính những con người đứng trong vòng xoáy của những cơ hội mà cuộc đời mang đến. Cái nhìn về phụ nữ trong tác phẩm là một góc nhìn không mới, nhưng lại được miêu tả sống động và đặc quánh dư vị cuộc đời từ một người phụ nữ. Nhà văn NA không chỉ cho chúng ta cái nhìn khách quan và sắc nét, mà còn là một cái nhìn cảm thông và đầy những trăn trở. Như cách mà nữ nhà văn đã từng nói: “Tình dục với NA nó rất đẹp, không cớ gì nó lại trở nên thô thiển trong tác phẩm của NA. Vì thế, xin độc giả đừng vội xét đoán, hãy đọc và cảm nhận để thấy tình dục trong tác phẩm của NA rất thanh thoát và thăng hoa”. Với tác phẩm của mình, nữ nhà văn đã làm được một điều đó là gieo vào người đọc những trăn trở, những day dứt, những câu hỏi giữa những lề lối cũ đã thành giáo lý và những điều mới mẻ, có vẻ như là ngông cuồng, nhưng lại có sức khích lệ mạnh mẽ. Để rồi từ đó, tình yêu hay tình dục đều được nhìn nhận đúng với những giá trị thực của nó.
theo Thu Trang/Zing.vn
Có thể bạn muốn xem
Để tồn tại trong thế giới đầy khó khăn.
Xuất bản cuốn sách “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”
Tận cùng nơi lối đi này
Cẩm Nang Du Lịch – Top 10 Berlin
Điều quý nhất trong thiên hạ là sự thành tín
Văn hóa đọc lan tỏa từ trạm đọc sách 0 đồng
3 câu chuyện bản quyền
Bước vào cửa hiệu nhiệm màu
Bộ sách Làm bạn với cơn giận