Tỷ dụ là Hồ Xuân Hương có và tất cả các tác phẩm năm cha và ba mẹ người ta gán cho nàng đều của nàng thì, để bắt đầu, người ta có thể nói rằng mọi vật trong thơ nàng đều chảy nước. Quả mít chín cây cũng như những núi đá. Nước có thể nhiều. Khi thì nước tăn teo như sắp cạn. Ngần ấy nước tuy nhiên đều là nước ở trong ta. Có một dòng thông chảy giữa trong và ngoài sự vật. Lượng của nước tuỳ sự thông nhau ấy. Sự thông nhau càng lớn, nước càng to, cái vui của thi sĩ càng nhiều. Và giữa một vùng nước lộn trời thì cái vui ấy, tới cùng độ, được gọi là cực lạc:
Một vũng tang thương nước lộn trời.
Bể ải nghìn trùng khôn tát cạn,
Nguồn ân trăm trượng dễ khơi vơi.
Nào nào cực lạc là đâu tá?
Cực lạc là đây chín rõ mười!
Nước cực lạc ấy của nguồn ân và bể ái chứa chan, là nước rất nhiệm mầu. Khôn tát cạn và cũng như ái và ân nó ở lòng mọi vật trào ra. Hạnh phúc nó cho là của những tấm lòng son đầy và mở, khi, giữa ngoài và trong, ly gián không còn nữa, tất cả chiều sâu rào rạt lộ ra ngoài. Lẽ dĩ nhiên không phải nước nào cũng cho hạnh phúc. Có nước nhiệm mầu thì cũng có nước mỉa mai. Nó rơi lõm bõm. Nó vỗ tông tông. Ấy là nước hang nghĩa là nước rỗng của những hò đá rỗng. Khi thì nước chết. Trông nó như vẽ. Và nó trắng xoá và nó phẳng lặng tờ. Mặt phẳng kín ấy, tẻ nhạt và có mầu trắng bạc như vôi, là của một thế giới nghèo lòng đã như khoá trái. Nhưng nước nào thì nước và cả sự thiếu nước nữa cũng nhắc đến một chiều sâu. Và tất cả xảy ra như trong Hồ Xuân Hương mọi vật đều giữ một nguồn nước ẩn. Như tấm lòng son của cái bánh trôi là một kết-tinh-thể của đào nguyên.
Một tầng nước, một tầng thịt, và một tấm lòng son ở cuối. Thơ Hồ Xuân Hương mời người ta vào một thực-thể địa-tầng luận. Càng vào sâu thì thực thể càng đặc, càng chắc và càng nặng. Và tấm lòng son ấy chỉ là thực-thể ở mật độ tuyệt đối. Một khối nhỏ. Nhưng son của nó chẳng bao giờ thôi. Ở giữa lòng thực thể nó là cái nguồn không thể nào vơi của thực thể. Và nó có thì cái bánh trôi, rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn, mới vẫn còn là cái bánh trôi. Hay nói một cách khó nghe hơn thì căn bản của mọi vật ở lòng của chúng.
Mà đã có lòng thì chúng có vỏ. Sự phân biệt ấy có lạ gì! Thói thường coi vỏ là thứ bỏ đi và người ta vẫn nghĩ rằng chỉ những cái ở trong mới thật đáng kể. Chẳng hạn một tâm hồn đẹp có thể chuộc lại cả một đời khốn nạn, và người ta có thể làm như mọi người, xu thời, yên phận và gật đầu nhận tất cả những tàn bạo, những áp bức, những oan khổ của đời, miễn là ở trong người ta vẫn khác đời và, như người ta nói, mình lại biết mình là được. Có một cái lòng để sống như thế thật sướng biết mấy! Ấy là cách sống có lề, có lối, có gói và két ở băng của những người biết sống, một thì có gái để chơi, một thì vẫn giữ vợ ở nhà để trọng, để quý, để chiều và truyền cho đời sau gia tài và cái nòi biết sống của mình. Nhưng tiếc thay Hồ Xuân Hương không biết sống như thế! Lẽ dĩ nhiên thơ nàng cũng có sự đổi nhau giữa ngoài và trong. Ấy là thể và phần của tất cả những xuyên tạc. Sau những xuyên tạc ấy tuy nhiên, Hồ Xuân Hương tin là vẫn có, trường tồn, một cái nhân nguyên uỷ. Nhưng mộng của nàng là làm thế nào cho cái nhân ấy được giải phóng. Thơ nàng không là thơ của những cuộc đời đã tháo lui vào thế giới ở trong. Nàng không ca ngợi nội tâm, như người ta ca ngợi chữ trinh còn lại của Thuý Kiều, là cái két tự để dành của những tâm hồn chọn lọc. Mà nói đến nội tâm, trong thơ nàng, như một sự sống cũng không thể. Cái ở trong còn ở trong thì sống chỉ là sống tù, sống mượn, sống giả. Và Hồ Xuân Hương đòi người ta sống theo lòng mình nghĩa là sống tự do, sống mở và sống cho cũng như, để có cái biết thực trong thâm tình của mọi vật, nàng đòi người ta xé vỏ chúng. Thơ nàng không ngừng tố giác những xuyên tạc của ngoại thể và đạo lý của nàng không là cái đạo lý khôn ngoan của những người mượn cái tốt ở trong để minh oan cho cái xấu ở ngoài. Mà nàng cũng không so cái tốt ở ngoài và cái xấu ở trong để, một lần nữa, như tất cả mọi người, nguyền rủa những đồ rẻ cùi nhưng đẹp mã. Xấu và tốt, những thứ loại của cái đạo lý xã hội, đã mất nghĩa. Chỉ có một cái xấu. Là cái hoạ của những đời không thực, khi, trong và ngoài gián đoạn, người ta, chẳng biết lòng mình đâu và chỗ nào là lòng mọi vật, đành sống điêu trên một thế giới xa nguồn.
Tác giả: Đỗ Long Vân
Nhà xuất bản: NXB Đà Nẵng
Công ty phát hành: DominoBooks
Có thể bạn muốn xem
Nhập khẩu song song – Parallel Import
Mùa lúa chét quê tôi
Tài chính doanh nghiệp for dummies
Hai cây bút văn hóa Báo Nhân dân ra mắt sách về Hà Nội
Sài Gòn một thuở chưa xa
“Nắng từ quê mẹ” – món quà của “Người nhà quê”
Của cải của các quốc gia và lí thuyết về cảm nhận đạo đức rút gọn
Thuyết Khắc Kỷ – John Sellars
Nhật ký từ bệnh viện dã chiến: Niềm vui của các bệnh nhân Covid-19 ngày xuất viện