Nhà báo Đỗ Đình Tấn cho rằng vấn nạn “fake news” đang đánh đồng giữa tin thật và giả, làm cho ranh giới của chúng lẫn lộn. Giá trị thông tin theo đó cũng dần bị xóa bỏ.
Hôm 18/6 tại TP.HCM, Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM và Trung tâm Báo chí TP.HCM phối hợp tổ chức buổi giao lưu cùng tác giả – nhà báo Đỗ Đình Tấn, nhà báo Phạm Thục xoay quanh cuốn sách Fake news và chống Fake news – Vì sao cái giả lại hấp dẫn hơn cái thật?. Tác phẩm ra mắt bạn đọc nhân kỷ niệm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6.
Tác động của “fake news”
Fake news và chống Fake news – Vì sao cái giả lại hấp dẫn hơn cái thật? là thành quả lao động của nhà báo Đỗ Đình Tấn – người có kinh nghiệm làm báo, viết và dịch nhiều cuốn sách có liên quan đến báo chí, truyền thông – trong vòng 2 năm. Trong sách, tác giả tập trung vào vấn nạn thời sự: Tin giả – “fake news”.
Sách dẫn chứng trong khảo sát 126.000 tin đồn được khoảng 3 triệu người chia sẻ trên mạng xã hội, các nhà nghiên cứu Viện công nghệ Massachusetts đã chứng minh rằng để lan truyền đến 1.500 người, tin thật phải mất thời gian gấp 6 lần so với tin giả.
Hiện nay, với sự phát triển của công nghệ mạng, ai ai cũng có thể đưa tin. Trong khi đó, “mạng xã hội lại không phải quan tòa ngồi phán xét độ chính xác của thông tin”, nhà báo Đỗ Đình Tấn nói.
Cầm bút nhiều năm, ông Tấn luôn xác định phải viết những gì mình cho là mới, thú vị và cảm thấy tâm đắc. Vấn nạn tin giả đã xuất hiện từ lâu trên toàn cầu, nhưng trong thời điểm dịch bệnh, con người bất an, đó cũng là lúc nhiều tin đồn, tin giả được lan truyền, đặc biệt là trên mạng xã hội.
Theo ông, “fake news” ảnh hưởng không chỉ trong lĩnh vực báo chí mà còn lan rộng ra cả kinh tế, văn hóa, chính trị, y tế, giáo dục… Nó đánh đồng cái thật và cái giả, làm cho ranh giới của chúng lẫn lộn. Đáng lưu ý nhất là với vấn nạn tin giả tràn lan như hiện nay, giá trị của thông tin sẽ dần bị xóa bỏ.
“Giá trị thông tin được xây dựng dựa trên chất lượng, tầm quan trọng của thông tin và tác động mà thông tin đó đem lại cho người đọc. Tin giả sẽ làm xói mòn niềm tin của công chúng vào truyền thông”, ông Tấn nêu quan điểm.
Theo biên tập viên Đình Ba (Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM), “fake news” là vấn nạn không chỉ người làm báo mà cả người dân, bạn đọc cũng rất quan tâm.
“Thường ngày, mỗi khi lên mạng, chúng ta sẽ bắt gặp nhiều thông tin, không rõ đâu là tin thật, tin giả. Tôi tin tác phẩm này sẽ là chỉ dấu giúp chúng ta tham khảo để định lượng được độ chính xác của thông tin”, biên tập viên Đình Ba nói.
Tin giả có giá trị cao hơn tin thật?
Là nhà báo chính luận dày dạn kinh nghiệm, nhà báo Phạm Thục nói trước khi đưa tin, sau khâu nhận thông tin, phóng viên phải xác minh và kiểm chứng độ chính xác của thông tin đó.
Với cuốn sách dày hơn 200 trang của tác giả Đỗ Đình Tấn, nhà báo Phạm Thục thú nhận rằng bản thân bà phải đọc 2 lần để “thẩm thấu” hết được nội dung sách.
“Số trang sách không quá nhiều nhưng lại chứa ngồn ngộn thông tin. Tác giả đã phải nén chặt khối lượng chữ nghĩa để độc giả khi đọc phải tự tìm hiểu trong khối lượng chữ đó, tác giả muốn nói điều gì”, nhà báo Phạm Thục nói.
Cuốn sách đề cập đến cuộc chiến chống tin giả trên thế giới với nhiều giải pháp được nêu ra, từ những tư liệu cập nhật và tham luận của các nhà nghiên cứu được trình bày tại một cuộc hội thảo quốc tế ở Canada vào năm 2018.
Cũng theo nhà báo Phạm Thục, mùa dịch là thời điểm “sinh sôi, nảy nở” nhiều tin giả. Khi tâm lý bất an, con người thường không biết tin vào đâu. Lệnh giãn cách xã hội khiến chúng ta không thể ra đường, chỉ biết sống quanh quẩn với tin tức trên mạng.
“Trên mạng, nhiều tin giả có lượt tương tác (like, share và comment) không đếm xuể. Đó là biểu hiện của độc giả khi bị dắt mũi. Tin giả lan nhanh và dần trở thành loại tin tức có giá trị cao hơn tin thật”, nhà báo Phạm Thục nêu thực trạng.
Hàng loạt “fake news” được đưa lên các trang mạng là thông tin hoàn toàn giả hoặc bịa đặt, phóng đại hay bóp méo, xuyên tạc sự thật. Chúng xuất hiện nhằm đánh lừa công chúng để đạt được một mục đích, lợi ích nào đó.
Trong thời đại 4.0 hiện nay, người dùng mạng cần đọc, xử lý thông tin một cách thông minh và trang bị cho mình kiến thức, cách phân biệt “fake news”.
Khi đọc cuốn sách này, nhà báo Phạm Thục hy vọng mỗi độc giả sẽ nhớ ít nhất cho mình 1-2 câu chuyện, quy tắc để không bị tin giả dẫn dắt.
nguồn: https://zingnews.vn/tin-gia-lam-xoi-mon-niem-tin-cua-ban-doc-post1327625.html
Có thể bạn muốn xem
Ngôi đền ‘giàu nhất Ấn Độ’
“Kể xong rồi đi” tiểu thuyết mong đợi của Nguyễn Bình Phương
‘Thiên tài tập thể’ – Khác biệt để bứt phá
Tình yêu qua những trang sách viết cho con
‘Khen học sinh trước đây thường chỉ là tiền nay có kèm theo sách’
Nàng công chúa cô đơn nhất thế giới
Big data cho nhà quản lý
Quảng Trị tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2023
Việt Nam trong mắt nhà văn Đức Juli Zeh