Sau 4 năm ròng rã thực hiện, qua 14 nhà xuất bản, cuốn sách “Gạc Ma vòng tròn bất tử” vừa được cấp giấy phép phát hành.
Gạc Ma vòng tròn bất tử được thực hiện từ năm 2014, khi Trung Quốc kéo dàn khoan HD981 vào vùng biển Việt Nam. Cuốn sách kể câu chuyện bi tráng về 64 chiến sĩ Hải quân Việt Nam đã anh dũng hy sinh vì biển đảo Tổ quốc trong sự kiện tại Gạc Ma ngày 14/3/1988.
Mới đây, NXB Văn Học quyết định phát hành cuốn sách. Giấy phép phát hành ra ngày 25/6. Trước đó, sách nhận quyết định xuất bản số 746/QĐ-VH ngày 24/4, nộp lưu chiểu ngày 15/6.
Nếu như trước đây, các cựu binh Gạc Ma vẫn đau đáu: “Tôi muốn đồng đội Gạc Ma được nhắc tên trong sách giáo khoa”, thì tới nay, sau ba thập kỷ, ít nhất đã có một cuốn sách không chỉ “nhắc tên”, mà còn khắc sâu sự kiện bi hùng, tinh thần quả cảm bảo vệ Tổ quốc ấy.

Gạc Ma Vòng tròn bất tử do nhiều tác giả viết, Thiếu tướng Lê Mã Lương chủ biên. Sách dày 328 trang khổ 16x24cm, với số lượng phát hành lần đầu là 10.000 bản. Sách do công ty Văn hóa Sáng tạo Trí Việt – First News và NXB Văn Học liên kết xuất bản.
Ông Nguyễn Văn Phước – Giám đốc công ty First News – cho biết cuốn sách đã trải qua một hành trình thực hiện, biên tập xuất bản dài.
“Cuốn sách đã được chỉnh sửa hàng trăm lần, với 48 lần biên tập, cập nhật, qua 14 nhà xuất bản, 18 lần làm bìa… độ dày bản thảo in ra chỉnh sửa cao hơn 3 mét”, ông Phước nói.
68 người tham gia thực hiện cuốn sách, gồm các nhà nghiên cứu lịch sử, nhà báo, cựu chiến binh còn sống và gia đình các liệt sĩ Gạc Ma. Để Gạc Ma Vòng tròn bất tử phát hành một cách trọn vẹn, một hội đồng thẩm định sách cấp Nhà nước đã được thành lập để thẩm định tác phẩm này.

Tranh Gạc Ma – Vòng tròn bất tử của Bùi Lệ Trang bán đấu giá năm 2015 để ủng hộ gia đình liệt sĩ Gạc ma.

“Hàng trăm câu chuyện xúc động và nước mắt đằng sau hành trình thực hiện cuốn sách này” – ông Nguyễn Văn Phước chia sẻ trên trang cá nhân.
Mỗi cuốn sách có giá 198.800 đồng (nhắc nhớ tới sự kiện năm 1988), và mỗi cuốn bán ra sẽ góp vào quỹ gia đình liệt sĩ và cựu binh Mạc Ma 14.388 đồng (nhắc nhớ sự kiện ngày 14/3/1988).

Trong các tài liệu của Hải Quân Việt Nam, sự kiện Gạc Ma được biết đến với tên gọi CQ-88 (Chủ quyền-88). Theo đó, trong 2 tháng đầu năm 1988, sau khi chiếm giữ trái phép các đảo Chữ Thập, Châu Viên, Huy Gơ, Ga Ven, Trung Quốc tiếp tục chuẩn bị thực hiện ý đồ thôn tính 3 đảo Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao.
Ngày 4/3/1988, Hải quân ta xác định: Trung Quốc có thể chiếm thêm một số bãi cạn xung quanh cụm đảo Sinh Tồn, Nam Yết và khu vực Đông kinh tuyến 1150, trong đó, Gạc Ma giữ vị trí quan trọng.
6h, ngày 14/3/1988, tàu Trung Quốc thả 3 thuyền nhôm và 40 quân đổ bộ lên đảo. Lính Trung Quốc nổ súng bắn vào bộ đội ta. Trận đánh diễn ra mỗi lúc thêm ác liệt. Tàu Trung Quốc tiếp tục nã pháo dồn dập làm tàu ta bị thủng nhiều lỗ và chìm dần xuống biển.
Các chiến sĩ Hải quân Việt Nam hiên ngang đứng thành vòng tròn bảo vệ Quốc kỳ trên đá Gạc Ma trước quân xâm lược, tạo thành “Vòng tròn bất tử”.

Thu Hiền/zing.vn