Các giải thưởng văn học thiếu nhi thời gian qua đã trở thành sân chơi, kích thích sự sáng tạo với nhiều tác giả trong nước. Tuy nhiên, có một thực tế là các giải thưởng hiện vẫn tập trung vào văn học mà bỏ quên các thể loại khác.

Các tác giả nhận giải Dế Mèn năm 2022
Các tác giả nhận giải Dế Mèn năm 2022

Khuyến khích sự sáng tạo

Thời gian gần đây, có nhiều giải thưởng tôn vinh tác giả và tác phẩm viết cho thiếu nhi như giải Dế Mèn, giải Sách Quốc gia, giải Sách hay, giải thưởng thường niên của Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhà văn TPHCM hay của một số Hội Văn học nghệ thuật địa phương. Ngoài ra, Hội Nhà văn Việt Nam cũng đang tổ chức cuộc vận động Sáng tác văn học viết về đề tài thiếu nhi, kéo dài đến tháng 5-2025. Nhiều năm về trước, Nhà xuất bản (NXB) Trẻ và NXB Kim Đồng từng nhiều lần tổ chức các cuộc vận động sáng tác cho thiếu nhi.

Chính từ những sân chơi này đã góp phần tạo điều kiện cho nhiều tác giả thành danh với mảng sách thiếu nhi, như Nguyễn Ngọc Thuần, Nguyễn Thị Thanh Bình, Nguyễn Thị Châu Giang, Nguyễn Thị Kim Hòa, Trương Huỳnh Như Trân, Ngọc Linh, Lục Mạnh Cường…

Mới đây, tại lễ công bố Giải thưởng Văn học Kim Đồng (định kỳ 2 năm/lần), bà Vũ Thị Quỳnh Liên, Phó Giám đốc, Tổng Biên tập NXB Kim Đồng, cho biết: “Bên cạnh mục tiêu phát hiện các tác giả trẻ, những cây bút tài năng viết cho thiếu nhi giải thưởng còn thu hút nhiều bản thảo văn học chất lượng để có thể khai thác hàng năm. Xa hơn, Giải thưởng Văn học Kim Đồng hướng đến là một giải thưởng uy tín, chất lượng về văn học thiếu nhi, là giải thưởng có sức sống, đi vào đời sống văn học; góp phần định hướng, dẫn dắt người yêu văn học và thúc đẩy, cổ vũ các tác giả sáng tác cho thiếu nhi”.

Là một trong những cây bút nổi bật của văn học thiếu nhi hiện nay, từng nhận giải nhất cuộc vận động Sáng tác văn học thiếu nhi 2013-2015 do NXB Kim Đồng phối hợp với Hội Nhà văn Đan Mạch tổ chức, nhà văn Nguyễn Thị Kim Hòa cho rằng, giải thưởng cũng là một phần khích lệ quan trọng trong sáng tác, nhất là ở giai đoạn bắt đầu viết. Đặc biệt, với người viết trẻ, giải thưởng thường là cách để khẳng định bản thân và xác định vị thế trên văn đàn.

“Dẫu biết nhà văn và tác phẩm sống được trong lòng người đọc không phải chỉ bằng giải thưởng, nhưng các cuộc thi và giải thưởng sách cũng đã tạo ra được nhiều động lực để người viết sáng tác và giới thiệu đến người đọc nhiều tác phẩm chất lượng”, nhà văn Nguyễn Thị Kim Hòa chia sẻ.

Hướng đến sự đa dạng

Cùng thời điểm công bố Giải thưởng Văn học Kim Đồng là Giải thưởng Sách thiếu nhi TPHCM do Sở TT-TT TPHCM phối hợp với các đơn vị: Thành đoàn TPHCM, Sở GD-ĐT, Hội Xuất bản Việt Nam và Hội Nhà văn TPHCM tổ chức. Mục đích của giải là tạo động lực, khuyến khích các tác giả viết sách cho thiếu nhi, đồng thời là điểm tựa giúp các bậc phụ huynh và các em thiếu nhi có cơ sở tuyển chọn những cuốn sách hay.

Là người chấp bút cho đề án Giải thưởng Sách thiếu nhi TPHCM từ 3 năm trước, theo TS Quách Thu Nguyệt, nguyên Giám đốc NXB Trẻ, văn học vẫn là một dấu ấn rất sâu đậm đối với tâm hồn con trẻ, nhưng trong bối cảnh chung của thị trường thế giới và của Việt Nam hiện nay cần có sự cân nhắc. “Chúng ta đang có cơ hội để tổ chức một giải thưởng xứng tầm, tại sao chúng ta không mở rộng bằng việc trao giải thưởng chung cho sách thiếu nhi, hướng đến sự đa dạng thể loại thay vì chỉ khu biệt trong văn học”, TS Quách Thu Nguyệt đề xuất.

Bà Vũ Thị Quỳnh Liên thì cho rằng, thị trường sách hiện nay rất phong phú, đa dạng, và nhu cầu đọc của các em nhỏ cũng khác trước nhiều. “Chúng tôi cũng thấy rõ như vậy, và đã có kế hoạch cho giải thưởng và cuộc vận động sáng tác gắn liền với các thể loại sách khác nữa”, bà Quỳnh Liên cho biết.

“Hiện nay, theo phân loại sách của thế giới, người ta đã định danh sách thiếu nhi với hai thể loại chính là fiction và non fiction (tạm dịch: hư cấu và phi hư cấu). Sách hư cấu phần lớn là tác phẩm văn học. Còn phi hư cấu là những công trình nghiên cứu về thiếu nhi hoặc những cuốn sách kiến thức viết cho thiếu nhi. Mục đích cuối cùng của giải thưởng là động viên, khích lệ tác giả viết sách cũng như động viên các em đọc sách. Chúng ta không có những động lực để kích thích người viết lẫn người đọc thì rất uổng”, TS Quách Thu Nguyệt bày tỏ.

Theo Sài Gòn Giải Phóng