Nếu như phố cổ Hà Nội với 36 phố giăng mắc cửi đường quanh bàn cờ thì phố cổ Nam Định xưa kia có tới 40 phố, trong đó có 35 phố bắt đầu bằng chữ “Hàng” như: Hàng Sắt, Hàng Đồng, Hàng Kẹo, Hàng Giấy, Hàng Rượu, Hàng Hàn,…
Miền đất văn hiến
Nam Định là miền đất văn hiến với lịch sử hơn 750 năm Thiên Trường, mảnh đất nổi tiếng văn chương, khoa cử với nhiều tên tuổi lớn.
Phố cổ Nam Định là khu vực gồm những con phố nhỏ nằm sát ngôi thành cổ Nam Định xưa kia. Hơn 200 năm trước, Thành Nam Định xây dựng dưới triều Nguyễn vừa là một trung tâm hành chính của vùng, vừa là công trình kiến trúc quân sự kiên cố, nhưng giờ đây dấu tích còn lại chỉ là một đoạn tường thành Cửa Bắc dài khoảng 220m. Hai mặt tường thành phía Nam và phía Đông của thành cổ Nam Định gắn liền với gần 800 năm phát triển của Thành Nam cùng các triều đại Trần, Hồ, Lê, Mạc, Tây Sơn, Nguyễn, thời kỳ Pháp thuộc.
Phố cổ Nam Định là khu vực phố nằm sát chân thành cổ, nó trải dài theo ven bờ sông Vị Hoàng xưa. Nơi đây từ rất sớm đã trở thành trung tâm văn hoá, tôn giáo của Việt Nam từ thế kỷ XIII. Năm 1262, nhà Trần cho xây dựng phủ Thiên Trường, đặt dấu mốc đầu tiên cho thành phố Nam Định sau này. Vùng đất trù phú này đã nhiều lần được đổi tên từ Thiên Trường, Vị Hoàng, Sơn Nam, Thành Nam và đến ngày nay là Nam Định.
Khu phố cổ Thành Nam xưa buôn bán, sản xuất mặt hàng gì thì phố mang tên mặt hàng đó, vì vậy, trên cùng một đường dài, có thể có nhiều phố. Ở phía Đông trên bờ sông Vị, có phố Hàng Cót và Hàng Nâu do dân thôn Thi Thượng làng Vị Hoàng lập ra. Trên con phố Hàng Nâu này có ngôi nhà số 280 nổi tiếng của gia đình cụ Trần Tế Xương (1870 – 1907) – tức nhà thơ Tú Xương, cây bút trào phúng, hiện thực lớn của văn học Việt Nam. Hiện trong khuôn viên của công viên Vị Xuyên (Nam Định) ngày nay vẫn còn mộ cụ Tú Xương.
Khi người Bát Tràng ở Gia Lâm (Hà Nội) đưa hàng xuống Nam Định bán thì sinh cơ, lập ấp thì lập Hàng Bát, Hàng Mâm, Hàng Song. Từ chợ Rồng ra bờ sông Vị Hoàng là các phố Hàng Nón, Hàng Khay, Hàng Quỳ, Hàng Tiện, Hàng Cấp. Ra bờ sông Vị Hoàng là phố Hàng Đồng.
Lên phía Bắc có phố Hàng Mắm, Hàng Gà nay là phố Lý Thường Kiệt. Chạy song song với Hàng Đồng gồm: Hàng Thùng, Hàng Giấy, Hàng Mành, Hàng Cầm. Song song với bờ sông Đào là phố Hàng Sũ, Hàng Ghế nay là phố Phan Đình Phùng và phố Hàng Thao.
Từ chợ Rồng xuống sông Đào gồm: Hàng Màn, Hàng Rượu, Hàng Thiếc, Hàng Đàn và Hàng Cau. Song song với dãy phố này còn một dãy phố nữa gồm: Hàng Mã, Hàng Mũ, Hàng Giấy, Phố Khách, Hàng Lọng, Hàng Dầu nay thuộc phố Hoàng Văn Thụ.
Con đường nối các phố với nhau chạy theo hướng Bắc Nam từ chợ Rồng xuống sông Đào gồm: Hàng Màn (Vải Màn), Hàng Rượu, Hàng Thiếc, Hàng Đàn (nay thuộc Hai Bà Trưng) và Hàng Cau. Song song với dãy phố này còn một dãy phố nữa gồm: Hàng Mã, Hàng Mũ (năm 1921 Pháp đặt là phố Hà Nội), tiếp đến Hàng Giấy, Phố Khách, Hàng Lọng, Hàng Dầu.
Khi người Pháp cai trị đã gắn biển, đặt lại tên cho một loạt các phố cổ này bằng cái tên Tây nhưng người dân nơi đây vẫn quen gọi chúng bằng những cái tên bắt đầu bằng chữ Hàng thân thuộc.
Các phường buôn, phường nghề ở với nhau trong cùng một dãy lập đền thờ tổ nghề, hay đình thờ thành hoàng bản quán (quê gốc), đây còn là nơi hội họp của phường hội.
Phần lớn đền thờ tổ nghề nằm trong phố nghề. Các phố như: Hàng Bát, Hàng Tiện, Hàng Quỳ, Hàng Thiếc, Hàng Giấy, Hàng Đồng, Hàng Giầy, Hàng Nồi… đều có đền của phố nghề (phường nghề).
Nhưng cũng có những đền như đền Hàng Bạc, đền Hàng Thêu, thực ra lại không có phố Hàng Bạc, Hàng Thêu riêng, bởi người làm nghề kim hoàn, buôn bán vàng bạc ở chung trong phố Hàng Rượu nên đền Hàng Bạc dựng ở phố Hàng Rượu. Người làm nghề thêu tập trung ở đoạn đầu phố Hàng Thiếc và Cửa Đông nên đền Hàng Thêu được những người thợ thêu chung sức mua đất tại phố Cửa Đông dựng nên.
Hoài niệm nét xưa…
Trong dòng chảy cuộc sống, cùng với Thành cổ Nam Định, 40 phố cổ ở Nam Định đã không còn giữ lại được tên cổ và cũng không còn bán các mặt hàng truyền thống như xưa. Thậm chí, ở Nam Định cây cầu treo vắt qua sông Đào gợi thương gợi nhớ trong ký ức những người con của Nam Định các thế hệ 6X, 7X, 8X giờ đây cũng đã tháo bỏ, không còn nữa.
Cũng may Nam Định vẫn còn lưu giữ được một số dấu tích xưa như cây gạo cổ thụ ở phố Cửa Đông, cây đa cổ thụ phố Hàng Sắt, nhà thờ Khoái Đồng bên hồ Vị Hoàng thơ mộng hay Nhà thờ lớn Nam Định cổ kính bên cạnh các công trình kiến trúc hiện đại khác.
Nhưng dẫu vậy, đến khu phố cổ thành Nam, dẫu diện mạo đã khác, tên gọi giờ đây cũng khác nhưng nét dáng nhỏ xinh, hiền hòa nơi đây thì vẫn thế. Phố nhỏ, ngõ nhỏ, vỉa hè rất bé và nhà cửa thường xây không cao nên thần thái cổ kính xưa cũ vẫn còn.
Một sáng chớm thu se lạnh, chầm chậm dạo một vòng xích lô trên phố nhỏ, thấy tâm hồn mình thật thư thái, trong trẻo, tạm gác lại tất cả những lo âu, muộn phiền, giống như thả hồn vào một nốt trầm xao xuyến giữa bản nhạc của nhịp sống hiện đại, sôi động, hối hả…
Thành Nam
nguồn: https://baophapluat.vn/song-cham-o-pho-co-thanh-nam-post359281.html
Có thể bạn muốn xem
Giấc mơ Mỹ
KÍNH SỢ VÀ RUN RẨY
Bụi ở Sài Gòn
Nạn đói năm 1945 ở Việt Nam: Những chứng tích lịch sử.
Bếp ấm của mẹ
Bộ sách “Muốn học giỏi Lịch Sử không? Tớ cho cậu mượn vở.”
KẸO KÉO
Nhà văn Phan Hồn Nhiên và tác giả Yang Phan truyền cảm hứng cho những người yêu văn chương
5 nguy hại khi cho con chơi smartphone quá nhiều