Văn hào Honoré de Balzac (1799-1850) từng nói: “Nhà văn phải là thư ký trung thành của thời đại”. Nước nào, thời nào cũng đã có những thư ký trung thành như vậy.
Đại dịch Covid-19 đang tác động, thay đổi thế giới không chỉ về nhân sinh, mà còn thay đổi cả tâm thế, tư tưởng của thời đại. Hiển nhiên chủ đề này sẽ đi vào văn chương nhiều nước, nhưng nhà văn nào tiếp cận và viết thành công hơn thì vẫn còn là bí ẩn.Văn chương thường có độ lùi về thời gian so với thời sự một chút. Báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) thử đặt vấn đề này với các tiểu thuyết gia của Việt Nam hiện nay, xem họ tiếp cận với Covid-19 như thế nào trên trang viết.
Nhà văn Uông Triều: “Chất xúc tác cho những tiểu thuyết lớn”
“Tôi nghĩ với những biến cố lớn như dịch bệnh, chiến tranh có thể là tai họa cho loài người, nhưng lại là chất xúc tác cho những tiểu thuyết lớn. Nói thì có vẻ mâu thuẫn và tàn nhẫn, nhưng sự thực thì đúng như vậy. Sự tàn khốc, máu và nước mắt, chết chóc đau thương luôn là bối cảnh cho rất nhiều tác phẩm lớn, điều này đã được chứng minh rất nhiều trong lịch sử loài người và lịch sử văn học.
Có lẽ lâu lắm rồi loài người mới trải qua một đại dịch ở quy mô rộng lớn và khủng khiếp như thế này, đã có hàng triệu người chết, hàng triệu người bị ốm đau, thất nghiệp và rất nhiều người khác sống trong nỗi sợ hãi lo âu.Thời kỳ này khiến tôi nhớ đến cuốn tiểu thuyết Mù lòa của José Saramago, viết về một căn bệnh có bối cảnh gần như tương tự. Một căn bệnh quái ác và tốc độ lây nhiễm kinh khủng của nó đã gần như thay đổi toàn bộ thế giới. Có bao nhiêu đau thương mất mát trong một thế giới bệnh dịch, ở đó người ta sẽ thấy được sự sợ hãi, nỗi thất vọng, thủy chung và phản bội, nhân tính và thú tính, thương yêu và độc ác… Đó chính mảnh đất màu mỡ để nhà tiểu thuyết khai thác.
Nhà văn không thể dửng dưng với những sự kiện xảy ra xung quanh, đây rõ ràng là một nỗi đau quá lớn, một thảm kịch, một tai họa, nhưng cũng là một động lực lớn cho việc cầm bút. Không ai muốn đối mặt với đại dịch Covid-19, nhưng rồi phải chấp nhận nó, sống chung với nó.
Cái khó của tiểu thuyết gia là phải viết thế nào cho hấp dẫn, có sức nặng. Dễ dãi quá sẽ trở thành một vở kịch tuyên truyền sống sượng, khóc lóc bi quan quá thì gieo nỗi lo lắng cho người đọc. Đây là một gánh nặng, một thách thức với những người cầm viết. Tôi tin rằng rồi sẽ có những tác phẩm lớn viết về giai đoạn gian khó này của loài người, vấn đề là người viết có đủ sâu sắc, đủ thương cảm, đủ tài năng và tâm huyết để cảm nhận và chuyển tải hay không”.
Nhà văn Trần Nhã Thụy: “Tôi muốn kể lại câu chuyện này bằng phim trước”
“Covid-19 là đại dịch mang tính thảm họa toàn cầu, chứ không riêng một quốc gia nào. Bối cảnh, câu chuyện của nó trải dài từ Đông sang Tây, bất kỳ một người nào cũng dính vào nó theo một cách thức nào đó.
Nếu quan niệm rằng tiểu thuyết là tác phẩm lớn, phản ánh những điều lớn lao, mang tư tưởng thời đại, thì Covid-19 thừa sức “đáp ứng” điều đó. Còn nếu quan niệm tiểu thuyết là những chuyện nhỏ nhặt, vụn vặt (sau trung thuyết, đại thuyết) thì Covid-19 càng là nguồn đề tài bất tận. Từ chuyện một cơn ho, một cái hắt xì hơi, đến chuyện khẩu trang, chuyện một con chó nhỏ, chuyện bó rau muống giữa thành phố… cũng sẽ thành tiểu thuyết.
Theo quan sát của tôi thì các tiểu thuyết gia sống ở các đô thị lớn có điều kiện thuận tiện hơn khi triển khai tiểu thuyết. Bởi dịch Covid-19 hầu hết tấn công vào đô thị, dồn con người vào tình cảnh tiến thoái lưỡng nan, cuối cùng là những cuộc tháo chạy ra khỏi thành phố… Nếu chịu khó quan sát, thêm một chút trải nghiệm, tôi nghĩ có hàng tỷ chuyện để viết, từ thân phận nhỏ bé tới chính sách và gương mặt quốc gia.
Dĩ nhiên, cuối cùng vẫn là tài năng, tiểu thuyết không phải là nhật ký phong thành. Cá nhân tôi nghĩ mình rồi cũng sẽ viết một cuốn tiểu thuyết về đại dịch này, nhưng trước mắt tôi đang xây dựng một kịch bản điện ảnh, bởi tôi muốn kể lại câu chuyện này bằng phim trước”.
Nhà văn Bùi Anh Tấn: “Tôi đã có rất nhiều ghi chép”
“Đây là cơn đại chấn kinh hoàng nhất của những năm đầu thế kỷ 21 với số người chết nhiều hơn vài cuộc chiến tranh cộng lại. Tôi xem đây là lời cảnh báo nghiêm khắc của bà mẹ thiên nhiên gửi đến chúng ta, bởi chúng ta đã xem thường thiên nhiên, tàn phá thiên nhiên vô tội vạ, sống quá vị kỷ, quá vật chất… Là một người chuyên viết tiểu thuyết về những thảm trạng đau thương diễn ra hàng ngày, đây quả là những “chất liệu” cho một cuốn tiểu thuyết trong tương lai.
Giữa ranh giới cái sống và cái chết, những bản chất sân si nhất, góc khuất nhất của con người đã bộc lộ ra ngoài. Phần con nhiều hơn phần người. Nhưng bên cạnh đó là những tấm gương hy sinh vì đồng loại của đội ngũ y bác sĩ, của những con người thầm lặng, đã và đang ngày đêm không ngừng nghỉ chiến đấu với Covid-19. Những tấm gương đẹp đáng đi vào trang sách để ca ngợi, để được tôn vinh mà tôi sợ ngòi bút của mình không thể miêu tả hết được. Có những vẻ đẹp, có những sự vĩ đại mà nhà văn bỗng thấy bất lực, nên chỉ biết cúi đầu cảm phục, chứ cố gắng trải hết lên trang sách thì chưa chắc đã hay.
Với Covid-19, tôi đã có rất nhiều ghi chép, nên sẽ viết khi cái tứ và cấu trúc hình thành”.
Nhà văn Tạ Duy Anh: “Tôi thì chưa dám viết”
“Cả thế giới thì chắc chắn có nhiều người viết và một số người trong đó sẽ viết rất hay, nhưng có lẽ các ngòi bút ở Việt Nam thì khó mà viết hay cho được. Tôi thì chưa dám viết. Bởi tôi nghĩ đề tài lớn này phải gắn với triết học, thậm chí gắn với Thiên Chúa, thì mới đáng giá, còn chỉ viết trên nền tảng hiện thực thì khó mà triển khai sâu sắc, rung động.
Với lại nhiều nhà văn Việt Nam họ sẽ sớm quên Covid-19 trên trang viết, khi đại dịch này đi qua. Có sự khác nhau rất lớn giữa việc xem hiện thực là cái cớ của trang viết, hoặc hiện thực là chất liệu của trang viết. Văn chương Việt Nam còn thường thiếu hiện thực ảo, tức hiện thực tưởng tượng, thứ chỉ được chắp cánh bởi triết học và tôn giáo, bởi những suy tư về vũ trụ, mà chỉ thường viết theo hiện thực đời sống, thì lúc tác phẩm chưa kịp hình thành thì dịch đã rã mất rồi”.
Văn Bảy (thực hiện)
nguồn: https://thethaovanhoa.vn/van-hoa/giua-dai-dich-nha-van-co-dang-la-thu-ky-trung-thanh-cua-thoi-dai-n20210809073012791.htm
Có thể bạn muốn xem
Hoa mùa xuân vẫn nở…
Cảm ơn vì đến trễ – Thomas L.Friedman
Con đường vô tận
TÌNH DỤC THUỞ HỒNG HOANG
Thật đơn giản – Phỏng vấn tuyển dụng
Elon Musk – Đặt Cả Thế Giới Lên Bốn Bánh Xe Điện
Thần Kỳ Kinh Tế Tây Đức (Giai Đoạn 1949-1969): Lịch Sử – Lý Thuyết – Chính Sách
Không bao giờ là thất bại, tất cả là thử thách
“No problem”, cẩm nang dùng tư duy logic để giải quyết vấn đề