Trong dân gian Nguyễn Văn Trư được gọi là Trạng Lợn và có nhiều câu chuyện về ông, như chuyện ông lấy vợ, đi sứ nhà Minh và tiếp sứ. Những giai thoại này vẫn được lưu truyền đến nay, thể hiện lòng kính trọng của người dân đối với vị Trạng nguyên nghèo khó xuất thân từ chăn lợn mà thành tài.
Vào cuối thời nhà Trần ở xã Phù Lương, huyện Võ Giàng, trấn Kinh Bắc (nay là xã Phù Lương, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh) có cậu bé Nguyễn Văn Trư sinh ra trong một gia đình nghèo khó.
Cha mất sớm, Văn Trư phải đi ở cho một nhà giàu ở Đông Sơn, huyện Đông Ngàn, trấn Kinh Bắc (nay là làng Đông Sơn, xã Việt Đoàn, Thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) để kiếm sống. Công việc của Văn Trư là chăn lợn. Gần nơi cậu bé Văn Trư chăn lợn có nhà của thầy đồ Vũ Mộng Nguyên.
Thầy hay gặp trò sáng dạ
Vũ Mộng Nguyên làm thầy đồ dạy trẻ ở quê nhà, nhưng ông lại là người hay chữ và tài giỏi. Ông đỗ Thái học sinh (tiến sĩ) vào khoa thi đầu tiên thời nhà Hồ năm 1400, cùng đỗ Thái học sinh khoa thi này có Nguyễn Trãi.
Dù thi đỗ, nhưng Vũ Mộng Nguyên không chọn con đường làm quan, bởi nhà Hồ mới cướp ngôi của nhà Trần và không được lòng dân khi đó. Ông chọn về quê nhà ở ẩn và dạy học.
Hàng ngày đám trẻ đến nhà thầy đồ học chữ. Văn Trư dù không được học, chỉ loanh quanh chăn lợn bên ngoài, nhưng những lời thầy giảng cậu bé đều lắng nghe, hiểu và ghi nhớ những điều thầy giảng.
Ngày qua ngày, Văn Trư thuộc lòng nhiều bài thầy giảng, từ đó mà tinh thông kinh sử. Một lần thầy đồ Mộng Nguyên ra một bài khó, thấy chúng bạn ngồi học trong lớp không ai giải được, Văn Trư đứng ngoài cố mách cho chúng bạn, thầy đồ thấy vậy thì gọi Văn Trư vào ứng đáp.
Văn Trư vào lớp trả lời trôi chảy, thầy liền hỏi những câu khác khó dần hơn, nào ngờ Văn Trư đều ứng đối lưu loát.
Phát hiện ra tài năng của cậu bé chăn lợn, thầy đồ Mộng Nguyên mừng lắm, ông thi đỗ nhưng không làm quan mà về quê dạy học chỉ mong gặp được trò giỏi. Mộng Nguyên liền xin phú ông cho Văn Trư được ở lại nhà mình để có thời gian kèm cặp học hành. Nhờ đó tài học của Văn Trư ngày một nâng cao, dần cũng đã tinh thông kinh sử.
Vũ Mộng Nguyên làm quan
Năm 1427, cuộc khởi nghĩa Lam Sơn thắng lợi, 10 vạn đại quân nhà Minh bị vây khốn trong thành phải đầu hàng xin tha chết. Năm 1428, Lê Lợi lên ngôi Vua và mời Vũ Mộng Nguyên về Triều giúp mình xây dựng đất nước.
Vũ Mộng Nguyên được phong làm Tư nghiệp Quốc Tử Giám, tước Thái Trung đại phu, sau thăng Tế tửu.
Trạng nguyên
Bấy giờ tới kỳ thi, Văn Trư tham gia và thi Hương, thi Hội lần nào cũng đỗ cao, lọt vào thi Đình.
Năm 1448 (thời vua Lê Nhân Tông) diễn ra kỳ thi Đình tại sân điện của nhà Vua, đích thân vua Lê Nhân Tông ra đề và đọc quyển. Nhận thấy Nguyễn Văn Trư tài năng xuất chúng, Vua chấm đỗ Trạng nguyên và đổi tên thành Nguyễn Nghiêu Tư.
Ngày vinh quy,Nghiêu Tư muốn trở về quê để bái tổ đường, hiềm nỗi cha mẹ đã mất, nhà cửa không có. Nhà Vua bèn cho xây nghè để họ hàng, dân làng đến đón tân Trạng Nguyên.
Ngày vinh quy bái tổ, dân làng đến đón đông đúc, nhiều người còn gọi Trạng nguyên Nghiêu Tư là Trạng Lợn để ôn lại những năm tháng chăn lợn nghèo khó vất vả của ông thủa thiếu thời. Nghiêu Tư trở thành thấm gương vượt khó thành tài của dân làng.
Tương truyền Trạng nguyên Nguyễn Nghiêu Tư lãnh trọng trách đi sứ sang nhà Minh. Khi đến ải Nam Quan thì viên quan coi ải không mở cửa, mà treo một chữ thập (+) ở ngoài và nói rằng chữ thập này có nghĩa là tung hoành vũ trụ, và thách sứ nước nam đối được mới chịu mở cửa.
Trạng nguyên Nguyễn Nghiêu Tư liền sai người đặt vòng tròn vào đó mang ý nghĩa vòng tròn bao quát cả càn khôn, lúc này quan quân nhà Minh mới mở cửa ải để sứ nước nam đi qua.
Khi Nghiêu Tư cùng đoàn sứ bộ đến Yên Kinh, Vua Minh muốn thử tài ngầm sai trang hoàng cung quán lịch sự, đề hai chữ “Kính Thiên” treo ở giữa, bày đôi sập thất bảo rất cao, xung quanh bày nghi vệ sang trọng, như chỗ giường ngự của thiên tử để xem trạng có dám ngồi đó không? Rồi mời Nghiêu Tư cùng phó sứ đến.
Nghiêu Tư liền bảo phó sứ cùng ngôi lên, lập tức một quan viên đến hạch tội dám ngồi lên nơi có hai chữ “Kính Thiên”.
Chữ thiên (天) là do chữ nhân (人) và chữ nhị (二) ghép thành, vậy nên Nguyễn Nghiêu Tư đáp rằng:
Dám thưa, ngài lấy tội gì mà cho sứ thần là ngạo? Tôi thấy biển đề ba chữ “kính nhị nhân”, thực hẳn là ý bản quốc muốn đem cái ngôi này mà hậu đãi sứ thần xa lại. Ngài dạy thế chúng tôi quyết không chịu. Vả nghe cổ nhân có nói: Đãi người phương xa cốt lấy bụng thực. Tôi nghe thánh triều lấy thành tín đãi người ngoại quốc. Thế mà người phương xa tới lại đem cái bụng trí truật làm oai. Tôi sợ người ta nghe tiếng, dẫu có lòng thực hướng mộ, cũng sinh nghi mà không lại nữa.
Theo văn bia đề danh tiến sĩ thì Nguyễn Nghiêu Tư làm quan đến chức Thượng Thư, sau làm Lại bộ thượng thư (chưởng lục bộ).
Khi ông về hưu, nhà Vua thấy ông có công lao với Xã Tắc liền phong làm “Thượng quốc công Trạng nguyên”.
Trần Hưng
Nguồn: trithucvn
Có thể bạn muốn xem
GIỚI CHUYÊN GIA NÓI GÌ VỀ VỤ JOHN HUGHES ĐẠO VĂN?
Sách được coi là phương thuốc cho những ngày tồi tệ
Như mây đầu núi
Phụ nữ lãnh đạo bằng yêu thương
Tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ phủ – Chốn thiêng nơi cõi thực
Phụ nữ thông minh: Làm chủ công việc
“Kiến Phật” – Hành trình tìm chốn an bình cho tâm hồn
Tự truyện của những HLV bóng đá hàng đầu thế giới
Bão giông mới là cuộc đời