Ngày 19/8/1945, chính quyền ở Hà Nội về tay nhân dân. Thắng lợi ở Hà Nội mở ra phương thức giành chính quyền không đổ máu cho các tỉnh, thành khác.
Thành ủy Hà Nội khẩn trương chạy đua nước rút tới tổng khởi nghĩa. Trong cuộc họp quyết định phát động khởi nghĩa (15/8/1945) Xứ ủy Bắc Kỳ đặc biệt quan tâm và cân nhắc kỹ việc khởi nghĩa ở địa bàn chiến lược bậc nhất này. Xứ ủy chủ trương lập ngay Ủy ban quân sự cách mạng Hà Nội để tích cực chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa.
Tối ngày 15/8, theo chỉ thị của Xứ ủy, Thành ủy Hà Nội triệu tập hội nghị bất thường tại chùa Hà để kiểm điểm lực lượng và bàn những công việc cấp bách cần làm để tiến hành khởi nghĩa.
Sáng ngày 16/8, tại số nhà 101 phố Gambetta (nay là Trần Hưng Đạo), đồng chí Nguyễn Khang, thường vụ Xứ ủy, thay mặt Xứ ủy triệu tập một cuộc họp với Thành ủy, lập Ủy ban quân sự cách mạng Hà Nội (tức Ủy ban khởi nghĩa), gồm 5 đồng chí: Nguyễn Khang ủy viên thường vụ Xứ ủy; Nguyễn Huy Khôi (tức Trần Quang Huy) cán bộ Xứ ủy; Lê Trọng Nghĩa, cán bộ Xứ ủy; Nguyễn Quyết, Bí thư Thành ủy; Nguyễn Duy Thân, Thành ủy viên.
Cuộc họp nhất trí phải tiến hành khởi nghĩa ở Hà Nội, song đây là địa bàn có tầm quan trọng đặc biệt, cần phải nắm chắc hơn nữa thái độ của Nhật và bù nhìn, đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động chính trị để động viên sâu rộng quần chúng, đẩy mạnh việc chuẩn bị vũ trang.
Đêm 16/8, ở các rạp hát Hiệp Thành, Quảng Lạc, Tố Như, các rạp chiếu bóng Eden, Majestic, các đội tuyên truyền xung phong Việt Minh đã đứng lên diễn thuyết. Cờ đỏ sao vàng xuất hiện trên đường phố Hà Nội.
Cũng trong ngày 16/8/1945, các báo ở Hà Nội đăng hiệu triệu của Tổng hội công chức kêu gọi “toàn thể quốc dân” tham gia “cuộc biểu tình vĩ đại” tổ chức vào lúc 14 giờ, để “ủng hộ nền độc lập”, “bài trừ chính sách thực dân”. Ủy ban quân sự cách mạng Hà Nội nhận định động thái này “nằm trong quỹ đạo âm mưu mới” của Chính phủ lâm thời Trần Trọng Kim nhằm “sơn phết lại chính quyền bù nhìn”, “đánh lạc hướng quần chúng”. Trên cơ sở phân tích đó, Ủy ban quân sự cách mạng Hà Nội quyết định phá cuộc mít tinh, biểu tình do Tổng hội viên chức tổ chức.
Chiều ngày 17/8/1945, đúng theo kế hoạch và chương trình đã đăng báo, cuộc mít tinh, biểu tình do Tổng hội công chức chủ trương diễn ra tại Nhà hát lớn. Các tổ chức cứu quốc ở nội, ngoại thành Hà Nội, ở Gia Lâm, Hà Đông cùng đông đảo 15 vạn nhân dân tràn ngập trước và xung quanh Nhà hát Lớn. Các đội viên tự vệ chiến đấu, tuyên truyền xung phong Việt Minh, tuyên truyền xung phong Dân chủ đảng đứng lẫn trong quần chúng.
Cuộc mít tinh vừa khai mạc thì cờ đỏ sao vàng xuất hiện trong đám đông; đồng thời, một lá cờ đỏ sao vàng kích thước lớn được buông xuống từ ban công tầng 2 Nhà hát Lớn trong tiếng hoan hô ủng hộ Việt Minh vang dậy của quần chúng. Hai đội viên tuyên truyền xung phong Việt Minh, tuyên truyền xung phong Dân chủ đảng thay nhau lên diễn đàn thông báo tin phát xít Nhật đã đầu hàng, bọn Pháp lăm le đặt lại quyền thống trị, chính phủ Trần Trọng Kim hoàn toàn bất lực; hô hào nhân dân nổi dậy khởi nghĩa theo lệnh của Việt Minh:
“Đồng bào Việt Nam ai còn hoang mang hãy mau tỉnh ngộ! Hàng ngũ Việt Minh sẵn sàng chờ đón các bạn! Hỡi toàn thể quốc dân, giờ này Tổng bộ Việt Minh hạ lệnh tổng khởi nghĩa. Giờ này dân quân khắp đất Việt Nam nổi dậy. Đồng bào Việt Nam hãy mau đoàn kết thành một khối duy nhất. nền độc lập của Tổ quốc chúng ta, quyền tự do của dân tộc ta chỉ có thể xây dựng trên xương máu chúng ta. Chúng ta phải hành động cấp tốc”.
Tiếng hô “Hoan hô Việt Minh”, “Ủng hộ Việt Minh”, “Đả đảo chính phủ bù nhìn” vang dội quảng trường Nhà hát Lớn. Sau đó cuộc mít tinh chuyển thành cuộc tuần hành ủng hộ Việt Minh.
Cuộc mít tinh tuần hành do Tổng hội công chức chủ trương đã biến thành cuộc biểu dương sức mạnh của Việt Minh là một minh chứng trên thực tế rằng quần chúng cách mạng đã sẵn sàng bước vào cuộc đấu tranh quyết liệt với kẻ thù; tin tưởng và sẵn sàng ủng hộ Việt Minh; chính quyền bù nhìn không dám chống lại.
Cuộc mít tinh diễn ra chỉ cách Tổng hành dinh Quân đoàn 38 Nhật chưa đầy 200 m, nhưng chúng không can thiệp. Chính điều này giải đáp một vấn đề cực kỳ quan trọng mà Xứ ủy Bắc Kỳ, Ủy ban quân sự cách mạng Hà Nội đang cân nhắc về thái độ của quân đội Nhật. Nhật sẽ không can thiệp vào cuộc khởi nghĩa của ta trong thành phố, ý chí xâm lược của chúng đã không còn, khả năng vô hiệu hóa quân đội Nhật là hoàn toàn có thể thực hiện được.
Cuộc mít tinh, tuần hành diễn ra thắng lợi đã gợi mở một phương thức khởi nghĩa ở Hà Nội mà trước đó Xứ ủy Bắc Kỳ, Ủy ban quân sự cách mạng Hà Nội chưa hình dung được, đó là: “tổ chức mít tinh hiệu triệu quần chúng đánh đổ chính quyền, rồi biến thành tuần hành vũ trang, dùng áp lực của quần chúng có lực lượng vũ trang làm nòng cốt chiếm đóng các cơ quan trọng yếu của địch trong thành phố, giành chính quyền”.
Ngay tối 17/8, Ủy ban quân sự cách mạng họp mở rộng tại Dịch Vọng. Ủy ban đã phân tích thái độ của Nhật, tinh thần của quần chúng, uy thế của Việt Minh thông qua cuộc mít tinh biểu tình tuần hành buổi chiều và quyết định khởi nghĩa giành chính quyền vào ngày 19/8.
Hội nghị đã vạch ra kế hoạch khởi nghĩa là: huy động 10 vạn quần chúng ở nội, ngoại thành, Gia Lâm; các đội vũ trang sẽ làm nòng cốt đưa quần chúng vào những nơi trọng yếu như: phủ Khâm sai, tòa Thị chính, trại bảo an, sở Liêm phóng. Ủy ban quân sự cách mạng cũng bàn chủ trương cô lập Nhật, cân nhắc khẩu hiệu đấu tranh và chủ trương cần phải làm “cho chúng tiếp tục giữ thái độ ấy (tức thái độ không can thiệp) là một thuận lợi rất lớn cho việc tiến hành khởi nghĩa”.
Ủy ban quyết định đưa ra khẩu hiệu: “Chống mọi hành động của đế quốc can thiệp vào công cuộc độc lập của dân tộc Việt Nam”; đồng thời cho rải truyền đơn quanh trại lính Nhật kêu gọi chúng đừng can thiệp vào công việc của Việt Nam.
Ngày 18/8/1945, cờ đỏ sao vàng đã phấp phới trên nhiều đường phố Hà Nội và vùng ven đô, từ Bưởi qua Dịch Vọng xuống Tương Mai, Mai Động… Trong lúc cuộc khởi nghĩa ở vùng ngoại thành nổ ra thắng lợi thì 300 công nhân biểu tình trước phủ Khâm sai hô vang các khẩu hiệu đả đảo bù nhìn, ủng hộ Việt Minh. Tại nhà tù Hỏa Lò, tất cả tù chính trị đấu tranh đòi trả tự do.
Cùng ngày, hàng nghìn công nhân và nhân dân Hà Nội biểu tình đòi quân đội Nhật thả 2 công nhân hãng Avia bị chúng bắt khi họ dùng xe ôtô của Nhật chở vũ khí từ Gia Lâm vào Hà Nội, buộc chúng phải nhượng bộ. Đêm 18/8/1945, một đội tuyên truyền xung phong đột nhập vào nhà in báo Tin Mới hướng dẫn công nhân in truyền đơn, áp phích kêu gọi nhân dân khởi nghĩa.
Ngay từ sáng sớm ngày 19/8/1845, Hà Nội đã đỏ rực màu cờ đỏ sao vàng. Hàng vạn nông dân, dân nghèo, với các vũ khí thô sơ từ Láng Mọc kéo ra chiếm đại lý Hoàn Long, tuyên bố thành lập chính quyền cách mạng khu vực Ngã Tư Sở, mở đầu cho cuộc khởi nghĩa ở nội thành.
Hàng vạn quần chúng nhân dân ngoại thành, từ các huyện Thanh Trì, Thường Tín, Phú Xuyên, Hoài Đức, Đan Phượng, Gia Lâm mang theo cờ đỏ sao vàng, gậy gộc, mã tấu, dao phát bờ, câu liêm tiến vào nội thành và hội tụ tại quảng trường Nhà hát Lớn. Cả thành phố Hà Nội như rung chuyển trong tiếng hô khẩu hiệu: “Ủng hộ Việt Minh”, “Chính quyền nhân dân cách mạng”, “Việt Nam hoàn toàn độc lập”, “Đả đảo các cuộc xâm lăng”…
Đúng 11 giờ, trước hơn 20 vạn người tập trung trước Nhà hát Lớn, Ủy ban khởi nghĩa đọc lời kêu gọi khởi nghĩa. Sau đó cuộc mít tinh biến thành cuộc biểu tình vũ trang giành chính quyền. Quần chúng cách mạng có các đơn vị võ trang, tự vệ dẫn đầu đã chia thành hai khối lớn đi chiếm các vị trí trọng yếu: phủ Khâm sai, sở bưu điện, sở cảnh sát…
Trước sức mạnh áp đảo của quần chúng và lực lượng tự vệ, hầu hết công sở chính quyền Bảo Đại – Trần Trọng Kim đều nhanh chóng về tay nhân dân. Riêng ở trại lính bảo an, quân Nhật cho xe tăng chặn đầu đoàn biểu tình, nhưng trước khí thế sôi sục của quần chúng, lại được các đồng chí ta thuyết phục, nói rõ chính sách của Đảng, Việt Minh, chúng phải rút lui.
Ngay khi chiếm được Phủ khâm sai, đồng chí Nguyễn Khang – ủy viên Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ có mặt tại đó đã gọi điện cho thị trưởng, tỉnh trưởng các tỉnh Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Ninh, Hà Nam, Nam Định báo tin cách mạng đã thành công ở Hà Nội, ra lệnh cho chúng phải nhanh chóng trao chính quyền cho Việt Minh địa phương. Tối ngày 19/8, cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội kết thúc thắng lợi.
Ngày 20/8, Ủy ban nhân dân cách mạng Hà Nội được thành lập. Ủy ban nhân dân Cách mạng lâm thời Bắc Bộ cũng được tổ chức. Thắng lợi của cuộc khởi nghĩa ở Hà Nội có ý nghĩa rất lớn lao.
theo: Cách mạng Tháng tám 1945.
Tác giả: Trịnh Nhu, Trần Trọng Thơ / NXB Tổng hợp TP.HCM
Qua 6 chương sách với những tư liệu sống động, độc giả được lần mở bức tranh tổng quan về Cách mạng Tháng tám 1945. Tác phẩm đã phục dựng lại mốc son lịch sử để giúp ta ghi nhớ, tự hào về sự kiện trọng đại của dân tộc.
nguồn: https://zingnews.vn/ha-noi-gianh-chinh-quyen-trong-cach-mang-thang-tam-post1346180.html
Có thể bạn muốn xem
“Becoming”, hồi ký của cựu Đệ nhất Phu nhân nước Mỹ Michelle Obama sẽ xuất bản tại Việt Nam
Uống dòng suối núi
Con thích nhất Bento mẹ làm
Mùa lúa chét quê tôi
Chiến tranh qua con mắt của một nữ xạ thủ bắn tỉa
Chuyến bay ‘phi thường’ của Olga Tokarczuk đạt giải Man Booker Quốc tế
23 thực phẩm giúp bạn có một giấc ngủ ngon
Thánh kinh marketing – Học cách bán hàng trong thời đại số
Lý Tiểu Long – Một cuộc đời phi thường