Bất kể chúng ta là ai – ngôi sao nhạc pop, y tá, giáo viên, ông trùm bất động sản, người làm vườn, người theo chủ nghĩa vô thần, CEO, thư ký, người quét đường, người theo thuyết bất khả tri, nhà phê bình phim ảnh, Phật tử, thợ xây dựng – mỗi một người trong chúng ta rồi sẽ chết.
Chúng ta không có quyền lựa chọn, không có phương án thay thế nào, không thể tự do thay đổi được.
Cái chết là không thể tránh khỏi.
Vậy thì tại sao thậm chí rất ít người trong chúng ta suy nghĩ về cái chết, chưa cần tính đến số người đang nỗ lực để tự chuẩn bị cái chết cho chính mình?
Trong quyển sách “Hành trình sinh tử”, Dzongsar Khyentse Rinpoche đưa ra những lời khuyên phổ quát về việc làm thế nào để chuẩn bị cho lúc cận tử, chết và sau khi chết cho một người, bất kể người đó là ai.
Lấy cảm hứng từ gần một trăm câu hỏi được những người bạn và học trò của Rinpoche đặt ra cho Ngài, Rinpoche đã mô tả cách thức: chuẩn bị cho cái chết của chính mình; trợ giúp, an ủi và hướng dẫn cho một người bạn hoặc người thân yêu đang sắp lìa đời; tiếp cận khoảnh khắc lâm chung; định hướng trong các giai đoạn Bardo (các giai đoạn thân trung ấm); hướng dẫn những người đã chết hướng dẫn cho người thân yêu vừa mới qua đời.
“Những chỉ dẫn dành cho Phật tử sẽ là giống nhau trong suốt quá trình hấp hối, tại thời điểm chết và sau khi chết, cho dù đó là một người cao tuổi ra đi bình an trong giấc ngủ hay một người đột tử vì những nguyên nhân và điều kiện đưa đến cái chết đã chín muồi.
Thông tin đối với quá trình hấp hối, chết và những gì xảy ra sau khi chết được đề cập trong quyển sách này là sự trình bày rất đơn giản về một truyền thống cụ thể và cổ xưa trong số những giáo lý của đạo Phật, đã được truyền giữ qua một mạng mạch lâu dài bởi những nhà tư tưởng Phật giáo lỗi lạc, mà mỗi vị trong số họ đã dành những chặng đường khá lâu để nghiên cứu về cái chết và tiến trình chết chi tiết đến từng phút, và ở mọi góc độ. Những lời khuyên của họ có thể đặc biệt hữu dụng đối với Phật tử hoặc những ai được thu hút bởi giáo lý của Đức Phật, nhưng cũng phù hợp ở mức độ tương đương đối với bất kỳ ai – bởi vì cuối cùng, ai rồi cũng sẽ chết. Như vậy, dù cho có là Phật tử hay không, nếu bạn là người có tâm trí rộng mở và tò mò, hoặc thường suy tư về cái chết của chính mình hay của một người thân yêu nào đó, thì có thể bạn sẽ tìm thấy được điều hữu ích tương tự trong những trang sách này.
Mọi việc xảy ra trong khi chúng ta còn sống hay chết hoàn toàn phụ thuộc vào những nguyên nhân và điều kiện mà chúng ta đã tích tập. Vì mỗi người sẽ kinh nghiệm cái chết vật lý và sự tan rã của thân tứ đại vô cùng khác nhau, nên hành trình của mỗi người khi xuyên qua những giai đoạn Bardo cũng khác biệt. Như vậy, bất kỳ một mô tả nào hay tất cả sự mô tả về quá trình hấp hối, chết và trạng thái Bardo chỉ là những nội dung được khái quát hóa. Tuy nhiên, khi tiến trình chết bắt đầu xảy ra, việc có những ý tưởng phỏng đoán về những gì đang diễn biến không chỉ góp phần lớn vào việc xua tan những nỗi lo lắng tồi tệ nhất, mà còn giúp chúng ta đối mặt với cái chết bằng tâm thái nhẹ nhàng và thanh thản.
Mặc dù những truyền thống Phật giáo xác tín nhất cũng đưa ra các lời khuyên tương tự về mặt bản chất, nhưng mỗi truyền thống đã phát triển dựa trên loại ngôn ngữ và thuật ngữ riêng nên một số chi tiết có thể được diễn đạt khác nhau; xin đừng hiểu lầm và cho rằng những điểm khác biệt này là mâu thuẫn.” – Dzongsar Khyentse Rinpoche.
MỤC LỤC
Lời tựa
Tôi sẽ chết sao?
Chuẩn bị cho cái chết và sau chết
Những thực hành đơn giản để chuẩn bị cho cái chết
Người Phật tử chuẩn bị cho cái chết như thế nào?
Thực hành nguyện ước
Bardo đau đớn lúc cận tử
Câu hỏi về cái chết
Làm gì khi ở cạnh người sắp chết?
Nói điều gì với người sắp chết?
Những chỉ dẫn về Bardo Trung Ấm
Câu hỏi về việc chăm sóc người sắp chết và người đã chết
Làm gì sau khi chết?
Câu hỏi về những thực hành cho người đã chết
Câu hỏi về những phương diện khác của cái chết
Hành giả Kim Cương thừa chuẩn bị cho cái chết
Những bài nguyện và thực hành
Trích đoạn sách:
Sám hối
Hãy gợi nhắc trong tâm mình những điều đáng xấu hổ, tính ích kỷ, những suy nghĩ và hành động tiêu cực, và hãy thú nhận tất cả. Nếu bạn là hành giả Kim Cương thừa, hãy nhớ lại và thú nhận tất cả những thệ nguyện, giới luật và những cam kết đã bị phá vỡ. Nếu có thể, hãy tiến hành sám hối trực tiếp, với một vị Lạt-ma hay một người anh chị em Pháp hữu. Nếu không thể tiến hành được với hai đối tượng vừa nêu, hãy sám hối tội lỗi trong tâm thức. Sau đó tiến hành quy y và nhận lại giới nguyện Bồ Tát. Lý tưởng nhất, hành giả Kim Cương thừa nên hỏi huynh đệ Kim Cương, người có cùng vị Đạo Sư với mình, để nhờ họ làm chứng nhân cho việc thiết lập lại giới nguyện Bồ Tát và giới nguyện Kim Cương thừa.
Tự nhắc nhở bản thân về những gì sắp xảy đến
Hãy bắt đầu nhắc mình về những gì xảy ra trong “trạng thái trung gian đau đớn lúc cận tử”. Những giai đoạn tan rã được mô tả ở mục “Bardo Đau Đớn Lúc Cận Tử”. Hãy tự nhắc nhở bản thân rằng các giai đoạn này có thể xảy ra cùng lúc, hoặc kế tiếp nhau, hoặc theo một trật tự khác, dựa vào hoàn cảnh riêng biệt của mỗi cá nhân. Như vậy, điều cần thiết là bạn làm cho mình trở nên quen thuộc với tất cả những chi tiết này trước khi bạn chết. Nếu biết rằng cái chết sẽ xảy đến sớm với mình – ví dụ, bạn bị chẩn đoán mắc một căn bệnh nan y biến chứng rất nhanh trong giai đoạn cuối – thì bạn nên ngay lập tức tìm hiểu thật nhiều lần những lời giảng này để đến khi chết, bạn biết điều gì đang diễn ra.
Quy y và phát khởi Bồ Đề Tâm
Đối với Phật giáo, câu trả lời đơn giản nhất cho câu hỏi “Tôi nên chuẩn bị cho cái chết như thế nào?” chính là quy y và phát khởi Bồ Đề Tâm.
Quy y là nền tảng trong sự chuẩn bị cho cái chết, việc này sẽ dẫn dắt bạn đến nhiều thứ bạn cần biết và thực hiện. Bằng cách phát khởi Bồ Đề Tâm và nghĩ lớn, bạn sẽ tìm thấy can đảm và quyết tâm để tiếp tục hành động hướng về mục tiêu giúp cho tất cả chúng sinh đạt giác ngộ, kể cả bạn, dù cho bất kỳ điều gì xảy ra. Tinh thần sẵn sàng chết và tái sinh hàng tỷ lần để tiếp tục giúp đỡ những chúng sinh đang chịu đau khổ sẽ đặt cái chết vào đúng khía cạnh của nó. Khi đó, thay vì bạn phải đối mặt cái chết như một chướng ngại khổng lồ, thì nay nó chỉ còn hơi to hơn một chướng ngại nho nhỏ mà thôi.
Trong khi càng tiến gần hơn đến cái chết, bạn hãy suy nghĩ và chiêm nghiệm về Bồ Đề Tâm thường xuyên hơn, vào những lúc có thể. Ban đầu, bạn có thể cảm thấy giả tạo, nhưng đó chỉ là do bạn không tin mình có khả năng phát khởi tâm bồ đề chân thật.
Trong khuôn khổ này của tâm, bạn sẽ dễ cảm thấy thất vọng với bản thân – cảm giác như mình là một kẻ dối trá. Hãy ngưng việc suy nghĩ như vậy! Tất cả những gì bạn cần để phát khởi Bồ Đề Tâm chính là niềm ao ước làm cho người khác hạnh phúc, và bạn có khao khát này. Bạn là người rộng lượng và tử tế. Bạn đã từng rất nhiều lần làm nhiều người hạnh phúc trong suốt cuộc đời mình, và làm cho người khác hạnh phúc cũng đã giúp bạn cảm nhận được hạnh phúc. Hãy nhớ đến tất cả những điều đó, vì nó chứng minh rằng bạn có khả năng và năng lực để ước muốn rằng bản thân mình có thể làm cho tất cả chúng sinh hữu tình trở nên hạnh phúc. Hãy tin tưởng vào khả năng đó. Hãy phát khởi và làm mạnh mẽ mong ước được giúp đỡ người khác.
Sẽ có những khi, đương nhiên, bạn ao ước một lần cuối được lái chiếc BMW trên xa lộ nước Đức. Hoặc cảm thấy bắt mắt bởi một chiếc vali đáng yêu. Bạn có thể mong mỏi một chuyến thăm lại Ấn Độ trước khi chết. Hoặc bạn ước rằng có thể sống lâu hơn đủ để thấy cô cháu gái xinh đẹp, mũm mĩm hay cậu cháu trai cao lêu khêu của mình tổ chức lễ cưới. Những lúc như vậy, rất quan trọng để bạn suy ngẫm về Bồ Đề Tâm tuyệt đối.
Bồ Đề Tâm tuyệt đối
Sẽ khó khăn nếu bạn suy nghĩ về Bồ Đề Tâm tuyệt đối trong lúc bạn đang dần chết hoặc ở gần thời khắc lâm chung, như vậy, hãy suy nghĩ về điều này trong khi bạn đang còn sống.
Hãy nghĩ: Cuộc sống là một sự phóng chiếu, cuộc sống là một huyễn ảo;
Cái chết là một sự phóng chiếu, cái chết là một ảo tưởng;
Sinh ra là một sự phóng chiếu, sinh ra chỉ là một giấc mộng;
Sự hiện hữu này cũng chỉ là một sự phóng chiếu, sự hiện hữu này chỉ là một cơn mơ.
Ngay cả hương vị của tách cà phê cũng là một phóng chiếu, thậm chí cà phê chỉ là một ảo ảnh.
Dù bạn có cảm thấy những khái niệm này không chân thật hoặc giả tạo, hãy tiếp tục nhắc nhở bản thân về bản chất huyễn ảo của luân hồi. Những tư tưởng mới thường bị cảm thấy giả dối cho đến khi chúng ta quen thuộc với tư tưởng đó. Nhưng giả dối theo cách này là cách tốt nhất để chuẩn bị cho thời khắc lâm chung. Và khi chết, bạn khơi dậy hết tất cả sức can đảm của mình.
Hãy nhớ rằng cuộc đời là huyễn ảo tựa như giấc mơ, điều này sẽ giúp cho cuộc sống và cái chết trở nên chỉ lớn hơn cơn ác mộng một chút. Cuộc sống và cái chết đều là những ảo tưởng, tuy nhiên không có nghĩa là nó không tồn tại. Cà phê có mùi vị của cà phê, không phải của nước cam; vàng là vàng, không phải đồng thau. Chấp nhận cuộc sống và cái chết là những huyễn ảo nghĩa là nhận thức được rằng mọi thứ chúng ta đang thấy và cảm nhận chỉ là những phóng chiếu của loài người. Cà phê không phải là cà phê trong suy nghĩ của một con bọ cánh cứng; nước cam không phải là nước cam đối với một con lạc đà; vàng chẳng có chút giá trị nào đối với một con chó. Một vài phóng chiếu có vẻ có giá trị trong khi một số khác trở thành vô dụng, và bạn phải phân biệt được cả hai khía cạnh đó dựa trên những giá trị bạn học hỏi được thông qua những phóng chiếu của con người. Cuối cùng, khi bạn thức tỉnh và đạt giác ngộ, bạn sẽ nhận ra rằng mọi thứ bạn vừa trải qua trong suốt hàng tỷ tỷ kiếp sống chỉ là một giấc mơ – điều này giống như rót nước lạnh vào một nồi nước đang sôi. Suy ngẫm theo cách này sẽ hữu ích cho bạn.
Có thể bạn muốn xem
Tác giả Na Uy Jon Fosse thắng Nobel Văn học 2023
Mây trong đáy cốc
Hội sách trực tuyến Quốc gia năm 2021: Sách cho mọi nhà
7 câu hỏi thần kỳ của mọi sếp giỏi
Linh đinh tình phù sa
một ví dụ xoàng, một cõi đời xoàng
Phương pháp giáo dục Reggio Emilia
Cúc
Con đường thành Phật