Không biết “Sơn Đông” ở nơi nào lại gắn liền với từ “mãi võ” trở thành cách gọi các nhóm lưu động bán thuốc gia truyền cao đơn hoàn tán, rượu thuốc đả trật xương khớp thậm chí nhổ răng bằng tay không cần thuốc tê. Để gây ấn tượng, hầu hết các gánh Sơn Đông đều có biểu diễn những màn võ thuật, múa đao, chặt gạch, ảo thuật hoặc làm xiếc. Có đoàn mang theo con khỉ mặc bộ đồ màu đỏ đạp xe vòng quanh, tay cầm cái nón chìa ra mời cô bác đứng xem ủng hộ trong tiếng trống và tiếng phèng la tùng tùng xèng chen lẫn tiếng chủ gánh hô to bán cho cô này gói thuốc xổ, bán cho bác trai đứng đằng kia gói thuốc cao trị đau lưng.
Hồi hai mươi tuổi ra đời đi làm kiếm sống, tôi quen một anh bạn từng là môn sinh phái Thiếu Lâm Sơn Ðông từ miền Bắc vào Sài Gòn sinh sống. Thấy tên môn phái là lạ trong giới võ thuật hỏi ra mới biết đó là môn võ Bắc Thiếu Lâm ở tỉnh Sơn Ðông bên Trung Quốc. Anh bảo môn phái này do sư tổ Nguyễn Văn Thơ sáng lập khi theo học võ với sư phụ Trần Vi Sìn, người Sơn Ðông trôi dạt sang Việt Nam mưu sinh bằng nghề bán thuốc dạo. Anh có cú móc tay rất điêu luyện khác xa với chiêu Cầm nã thủ mà anh bảo là Ðường Lang quyền một trong những tuyệt chiêu của môn phái Bắc Thiếu Lâm Sơn Ðông. Môn võ này bắt chước hình thái chuyển động của con bọ ngựa như móc, nhấc, bổ, trượt, dùng nhu chế cương kết hợp nội công và ngoại công rất linh hoạt.
Anh không khẳng định Sơn Ðông là cái nôi của nghề bán thuốc dạo kiêm biểu diễn nội công như các vị sư tổ của anh trong môn phái Bắc Thiếu Lâm từng làm. Ðó là chuyện bình thường kiếm sống ngoài đời của một võ sư mà không mở võ đường thu nạp đệ tử. Anh cho rằng các gánh Sơn Ðông mãi võ có mặt ở khắp Trung Quốc từ xa xưa, không nhất thiết nó phải xuất phát từ tỉnh Sơn Ðông. Người biết võ công thâm hậu thường am hiểu cấu tạo xương cốt thể chất con người nên không lạ gì chuyện chữa trị vết thương, đả trật xương khớp. Họ tự chế ra thuốc từ các loài thảo dược và làm công việc đó như một cách giúp người giúp đời. Tất nhiên có khi họ nhận một chút thù lao để mưu sinh.
Tình cờ tôi đọc được bài tản văn “Một thời để mãi võ” của nhà báo Phan Tấn Hải, tôi rất đồng tình khi ông ví chuyện làm báo như chuyện mãi võ. “Vài năm nay, trên nước Mỹ, tôi mưu sinh bằng một nghề tương tự như Sơn Ðông mãi võ. Từ thuở nhỏ, tôi cứ nhớ mãi hình ảnh các chàng võ sĩ Sơn Ðông đứng giữa chợ, nơi các ngã tư trong Chợ Lớn, vung cước đi quyền, nghĩa là “bán võ” để kiếm sống. Không biết cách so sánh nghề làm báo như kiểu mãi võ có làm ai tổn thương không, tôi chỉ thấy bình thường thôi – tập lạnh nhạt là điều cũng nên quen, bởi vì cảm xúc không nên để dư hoặc thiếu”.
Nhưng điều làm tôi suy nghĩ trong bài viết khi ông nhắc đến các nhóm Sơn Ðông mãi võ thường tập trung ở Chợ Lớn. Họ là những võ sư thực thụ. “Các tay trong những gánh võ, tôi tin và bây giờ vẫn tin, phải là võ sư thật. Họ dùng cổ uốn cong mũi giáo. Họ nhào lộn, múa quyền, đá liên hoàn cước hay hơn xi nê”. Và nghề bán thuốc mãi võ không phải là nghề dễ kiếm sống. “Họ kiếm sống gian nan lắm, ai cũng biết điều này. Ðồng tiền họ nhặt được nơi góc phố, ngoài mồ hôi của lòng bàn tay sau giờ múa võ, có thể có cả lòng thương hại của những người không còn thật tâm tin vào loại thuốc trật gân đả xương của họ… Một lần tôi hỏi một ông cụ người Hoa, thuộc phái Ðường Lang, người tôi thường gặp dưới góc phố. Ông cụ không ở trong các gánh múa võ Sơn Ðông, nhưng hẳn là quen nhiều sinh hoạt của họ, bởi vì nhiều chuyện ông cụ kể lại y hệt như tiểu thuyết Kim Dung”.
Nhà báo Phan Tấn Hải nhắc đến phái Ðường Lang, cũng như tôi nhắc đến anh bạn võ sinh Ðường Lang thuộc Thiếu Lâm Bắc phái. Một sự trùng lặp ý tưởng về môn võ xuất phát từ Sơn Ðông. Tôi đem chuyện này hỏi người bạn già am hiểu nhiều chuyện Ðông – Tây, có phải cụm từ Sơn Ðông mãi võ đúng thật xuất phát từ tỉnh Sơn Ðông bên Trung Quốc. Nhưng ông không dám võ đoán là xác thực. Ông bạn nói, chuyện bên Tàu xa xôi quá, chuyện đời Sơn Ðông mãi võ Sài Gòn mới gần gũi hơn, hơi đâu mà tìm ra gốc gác cũng như ở Sài Gòn thuở đó treo đầy bảng quảng cáo thuốc tây trị sán lãi giun kim, đau lưng nhức mỏi mà người dùng đâu cần biết thuốc tây nhập cảng bên Tây hay bên Tàu hoặc bào chế tại Sài Gòn.
Ông bạn già kể hồi đầu thuở thập niên 1950, vùng Chợ Lớn có một gánh Sơn Ðông nổi tiếng và thường biểu diễn bán thuốc Nam, thuốc cao đơn hoàn tán thu hút dân chúng bao quanh đứng xem chật cứng. Ðó là gánh thuốc lưu động Lê Văn Quý. Nói là gánh Sơn Ðông mãi võ nhưng thực ra ông Lê Văn Quý không phải múa võ mà là làm xiếc ảo thuật, mặc dầu dưới đất cũng bày ra mấy cục gạch thẻ để chặt tay không nhưng không bao giờ thấy võ sĩ nào trong đoàn ra biểu diễn. Cứ mỗi lần gánh Lê Văn Quý xuất hiện ở Chợ Lớn là ông phải đến xem cho bằng được. Vui, tiếng cười khoái trá của đám con nít, thanh niên, ông già bà cả thu hút người xem chứ không phải những màn đập đầu vào trái dừa hay dao chém vào bụng không hề hấn. Những màn biểu diễn võ thuật của một vài gánh Sơn Ðông hay thì hay thật nhưng các tay bầu gánh thường dùng võ thuật bạo lực trình diễn nên dễ khiến người xem nhàm chán hơn là thoả mãn tính giải trí vui chơi của gánh Sơn Ðông ảo thuật của ông Lê Văn Quý.
Vui nhất là câu mở màn chào bà con đứng xem chung quanh: “Tôi là Lê Văn Quý, mắt hí hí, đầu có chí, ăn mứt bí, nhổ răng thí, vợ cao như cây đèn quý”. Sau màn giới thiệu gây tiếng cười, ông cho con khỉ mặc quần xà lỏn màu đỏ chạy xe đạp vòng vòng, lại biết cầm gói thuốc tễ đi mời khách. Màn chính ảo thuật của ông Lê Văn Quý là tráo bài Tây, và màn trái banh bong biến hoá. Biết là trò bịp nên ông bạn già của tôi quan sát rất kỹ nhưng chẳng bao giờ phát hiện ra sơ hở, thủ thuật khéo tay biểu diễn ảo thuật đường phố của ông ở thời đó như vậy là thượng thừa. Ông bạn tôi kể thêm, hay nhất là không biết ông Lê Văn Quý dùng thuốc gì mà dùng miếng bông gòn chậm vào cái răng cấm, lấy ra lúc nào mà người cho ông nhổ răng chẳng hề hay biết.
Nghe ông kể chuyện về gánh Sơn Ðông ảo thuật của ông Lê Văn Quý vang danh vùng Chợ Lớn làm tôi bùi ngùi nhớ đến anh Mạc Can, con trai của nhà ảo thuật thuộc thế hệ đầu tiên ở Việt Nam từ những năm 1930, tuy rằng ngày nay mấy nhà ảo thuật trẻ tuổi có nhiều ngón nghề điêu luyện hơn ông nhiều. Tôi quen nghệ sĩ Mạc Can khi anh đến Mỹ định cư sau khi cha anh, ông Lê Văn Quý qua đời ở tuổi 94. Vài lần chúng tôi cùng ăn cơm, đi uống cà phê nhưng Mạc Can không bao giờ kể về chuyện cha mình từng lập gánh Sơn Ðông mãi võ. Có một lần, anh chỉ nhắc đến cha mình như một nhà ảo thuật kiếm sống ngoài đường phố mà Mạc Can đã hư cấu câu chuyện nghề nghiệp của gia đình thành một tác phẩm tiểu thuyết “Tấm ván phóng dao”.
Mạc Can sung sướng lắm, cái nghề ảo thuật lặt vặt của anh nối nghiệp cha mình ở tuổi xuống dốc cuộc đời lại nổi danh thành một nhà văn ngang hông và sau đó là nhà xuất bản ở Việt Nam đặt hàng thêm vài ba tác phẩm. Mạc Can kể chuyện anh thành nhà văn mà ánh mắt long lanh như thể hồi lúc chạy xe honda đi làm tiết mục ảo thuật cho những gánh xiếc rong, được tin báo qua phôn “Tấm ván phóng dao” được bình chọn xếp hạng. Anh kể, tôi dừng xe bên đường, lặng người mà nước mắt trào ra.
Có những lúc chúng tôi ngồi lặng lẽ bên ly cà phê, ánh mắt tinh nghịch hề hề của Mạc Can tràn đầy vẻ ưu tư. Anh suy nghĩ chuyện nên ở hay nên về vì cái nghề viết lách ở xứ này chẳng khác nào làm nghề Sơn Ðông mãi võ. Nhà báo Phan Tấn Hải nói đúng quá: “Bán văn giữa chợ để sống càng làm tôi hiểu nhiều hơn, xúc chạm nhiều hơn, thọc tay vào sâu hơn cái mạng lưới cuộc sống… Có nhiều người cầm bút, khi gửi bài cho báo, ưa nghĩ rằng điều anh hoặc chị ta viết phải là giá trị muôn đời… Nhưng đó hẳn là chuyện của các tạp chí văn chương, không dính gì tới cái ngã tư Bolsa mà các môn phái Sơn Ðông đang bán văn mưu sinh”.
Chuyện viết lách mưu sinh là một lẽ, chuyện nghề nghiệp và cách biệt văn hóa ở một đất nước xa lạ mới là chuyện chính của Mạc Can sống trên nước Mỹ. Anh dứt khoát quyết định “về”. Một thời gian ngắn làm gã “Sơn Ðông mãi võ” đối với anh ở xứ người là quá đủ, cũng như trước đây nhiều văn sĩ nghệ sĩ đã từng có một thời lận đận theo gánh Sơn Ðông bán thuốc kiếm sống như nhà văn Duyên Anh hay cô đào Ngọc Giàu hồi trẻ trước khi trở thành những người được công chúng biết đến.
Trang Nguyên
Đăng lại từ báo Trẻ Online
Có thể bạn muốn xem
Tám vị vua triều Lý
Nhà văn trẻ và khát vọng vươn xa
Dân chơi vào trường
100+ Chỉ Số Xây Dựng KPI Cho Doanh Nghiệp
Lược Sử Vật Lý Lượng Tử – Chúa Có Gieo Xúc Xắc Cho Bạn
Hồi sinh Tủ sách học làm người
Nhiệt đới buồn
Tiệm sách Việt cho người xa quê
Trương Phi thật trong lịch sử là một nghệ thuật gia có tài