Shakespeare and Company là tên của một hiệu sách nhỏ nằm bên bờ sông Seine, Paris (Pháp). Nơi đây là một trong những địa điểm ưa thích của các văn hào nổi tiếng như Ernest Hemingway, James Joyce, Ezra Pound và Ford Madox Ford. Nó cũng đã từng đi vào bộ phim bom tấn Midnight in Paris của đạo diễn lừng danh Woody Allen…
Ngày 17 /11/1919, tại số 8 phố Dupuytren, Shakespeare and Company chính thức ra đời. Bà chủ đầu tiên của hiệu sách là Syvia Beach, một người Mỹ tới từ New Jersey. Tiệm sách hoạt động như một thư viện “kiêm nhiệm” cửa hàng bán sách.
Hình ảnh của cửa hàng sách vào năm 1919. |
Chỉ hai năm sau, tiệm sách chuyển về số 12 phố L’Odéon trong một không gian rộng lớn hơn. Trong khoảng thời gian đó, nó gần như trở thành một khu văn hóa riêng biệt cho người Anglo-American do tại đây, chỉ bán cũng như cho mượn sách tiếng Anh.
Không gian, cách bày trí sách trang nhã tại tiệm sách này biến nó trở thành một thiên đường cho các nghệ sĩ thuộc “Thế hệ Mất mát” (Lost Generation).
Từ Ernest Hemingway (tác giả “Ông già và biển cả”, “Giã từ vũ khí”, “Chuông nguyện hồn ai”…), Ezra Pound cho tới F.Scott Fitzgerald (tác giả “Đại gia Gatsby”, “Phía bên ni địa đàng”), Gertrude Stein… đều đã từng tới đây đọc sách, viết văn hay vẽ tranh.
Nhà văn Ireland James Joyce còn sử dụng Shakespeare and Company như văn phòng làm việc riêng của mình. Ông đặt cho nó biệt danh “Stratford-on-Odéon”.
Sách ở Shakespeare and Company luôn được giữ ở chất lượng tốt nhất và lựa chọn bày bán theo phong cách đặc biệt.
Có một điều đặc biệt là ở đây, người đọc có thể tìm mượn hoặc mua lại những cuốn sách thậm chí bị cấm lưu hành, xuất bản ở Anh và Mỹ, chẳng hạn D.H Lawrence’s controversial Lady Chatterley’s Lover, Ulysses…
Tuy nhiên, tiệm Shakespeare and Company đã đóng cửa ngày 14/06/1940 do sự xâm lược của người Đức tại Pháp trong cuộc Chiến tranh Thế giới thứ II.
Nguyên nhân chính là việc Syvia Beach đã từ chối giao cho một sĩ quan Đức bản thảo cuối cùng của nhà văn James Joyce – Finnegans Wake.
Tiệm sách nguyên gốc Shakespeare and Company đã không bao giờ được mở lại như xưa. Năm 1951, Geogre Whitman – một người Mỹ khác đã mở ra một tiệm sách gần giống phong cách hoạt động của Shakespeare and Company.
Tới năm 1964, sau sự ra đi của Syvia Beach, George Whitman đã đổi tên tiệm sách của mình, mở ra một trang mới cho Shakespreare and Company phiên bản 2.0.
Dường như tiệm sách mới vẫn giữ được cái duyên vốn có từ trước chiến tranh. Shakespeare and Company mới trở thành một điểm hẹn văn hóa của rất nhiều nhà văn nổi danh trong thời kì này như Allen Ginsberg, Gregory Corso, William S.Buroughs… Hiệu sách còn được vinh danh trên hàng loạt tờ báo với những danh hiệu “Một trong những tiệm sách đẹp nhất thế giới”, “Hiệu sách được chụp ảnh nhiều nhất thế giới”…
Một điều cải tiến độc đáo tại tiệm sách này đó là các giường ngủ. Tổng cộng có 13 chiếc giường ngủ đi kèm các giá sách, cho phép người đọc có thể nằm thoải mái. Geogre Whitman đã khẳng định rằng, ít nhất đã có khoảng 40.000 người say giấc tại Shakespeare and Company.
Bên cạnh đó, trong tiệm sách còn có một chiếc hố nhỏ với dòng chữ “Feed the starving writers”, có nghĩa là “Hãy nuôi sống những cây viết sắp chết đói”.
Geogre Whitman làm ra nó nhằm kêu gọi lòng hảo tâm của bạn đọc cũng như khách mua sách tới đây, giúp đỡ phần nào cho những cây viết tiềm năng song thiếu thốn về điều kiện vật chất.
Cuối năm 2011, người chủ đầy tâm huyết Geogre Whitman đã ra đi. Tiệm sách vẫn tiếp tục hoạt động, dưới sự điều hành của cô con gái Syvia Beach Whitman.
Người chủ mới vẫn cho phép các nhà văn trẻ ở lại đọc sách, sáng tác, thậm chí ngủ luôn tại Shakespeare and Company. Cô còn cùng các nhà văn như Paul Auster, Siri Hustvedt… tổ chức một ngày hội mượn sách có tên là FestivalandCo.
Có thể bạn muốn xem
Đừng nổi giận để rồi hối hận
Đời Kinh Doanh
Chánh niệm ứng dụng 50 trò chơi cho đời thảnh thơi
“Tê giác trong ngàn xanh” – Thế giới của muôn loài
Cái ngày cô ấy đậu Harvard
Sách điện tử chưa tìm được hướng đi
Tiếng kèn thiên nga
Leonardo Da Vinci
Xem xét lại nguồn gốc Mân – Đài của “Ngữ tộc Nam Đảo”