Theo Publishers Weekly, với những lo ngại về tính độc quyền, nhiều khả năng không đối tác nào có thể mua lại Simon & Schuster với mức giá 2,175 tỷ USD nữa.

Phía Paramount vẫn muốn bán Simon & Schuster. Ảnh: CNBC.

Ngày 21/11, Paramount Global – công ty mẹ của Simon & Schuster – quyết định không gia hạn thỏa thuận 2,175 tỷ USD với Peunguin Random House.

Gần 3 năm sau khi được công ty mẹ rao bán, thương vụ sáp nhập sụp đổ đưa Simon & Schuster về vạch xuất phát. Một lần nữa, Simon & Schuster lại tự hỏi rồi đây ai sẽ “nhận nuôi” mình.

Điều này cũng khiến Peunguin Random House không thể kháng cáo phán quyết của thẩm phán liên bang Florence Pan hồi tháng 10. Theo hợp đồng, Peunguin Random House chỉ có thể kháng cáo với sự đồng ý của Paramount. Giờ đây, thỏa thuận bất thành, Paramount sẽ nhận được khoản phí bồi thường 200 triệu đôla.

Trong một tuyên bố với báo chí gần đây, phía Peunguin Random House cho biết họ tin rằng họ có thể đưa ra “lập luận thuyết phục để đảo ngược phán quyết của tòa án nếu được kháng cáo”, nhưng “phải chấp nhận quyết định dừng bước theo yêu cầu của Paramount”.

Trong bức thư gửi cho nhân viên của Simon & Schuster, Giám đốc điều hành Jonathan Karp đã viết: “Tại thời điểm này, tôi không có thông tin cụ thể nào để đưa ra về những gì sẽ xảy ra trong thời gian tới”.

Paramount, vốn chẳng giấu giếm quan điểm cho rằng Simon & Schuster không phù hợp với tầm nhìn dài hạn của mình, cho biết họ vẫn có ý định bán nhà xuất bản này. Trong hồ sơ 8-K với SEC (Ủy ban Chứng khoán và Sàn giao dịch Mỹ), phía Paramount cho biết Simon & Schuster vẫn là một “tài sản không cốt lõi”. Mặc dù nhà xuất bản này vẫn là “một doanh nghiệp có giá trị cao”, nó không phù hợp về mặt chiến lược trong danh mục đầu tư của Paramount, nhất là khi công ty này hướng đến loại hình sản phẩm nghe nhìn.

Hiệp hội Tác giả, vốn kiên quyết phản đối thương vụ sáp nhập, rất vui khi hay tin thỏa thuận đã chấm dứt hẳn và hy vọng rằng quyết định này sẽ chấm dứt tình trạng hợp nhất tràn lan trong ngành. Giám đốc điều hành Mary Rasenberger đã nhấn mạnh trong một tuyên bố. “Chúng tôi sẽ phản đối bất kỳ sự hợp nhất nào giữa các Big 5 trong tương lai. Như phân tích của tòa án đã chỉ rõ: thị trường dành cho những cuốn sách bán chạy được mong đợi vốn đã quá tập trung và năm nhà xuất bản ‘lớn’ vốn đã là con số quá nhỏ”.

Hiện nay, Peunguin Random House đang nắm 37% hợp đồng bản quyền của những cuốn sách bán chạy được mong đợi – những cuốn sách được mua bản quyền và ứng trước ít nhất 250.000 USD, trong khi Simon & Schuster nắm 12%. Nếu vụ sáp nhập thành công, hai công ty Peunguin Random House và Simon & Schuster sẽ chiếm lĩnh khoảng 49% số hợp đồng ấy.

Nhận thấy điều này, thẩm phán Pan đã quyết định ngăn chặn thỏa thuận sáp nhập. Cũng góc nhìn này, Hiệp hội Tác giả cho rằng nếu bất kỳ công ty nào trong Big Five muốn mua lại Simon & Schuster cũng cần được giám sát chặt chẽ để chống độc quyền.

Trong thời điểm phiên tòa diễn ra, các giám đốc điều hành tại HarperCollins và Hachette Book Group cho biết họ có quan tâm đến việc mua Simon & Schuster nếu thương vụ với Penguin Random House không được thông qua. Nhưng với phán quyết của thẩm phán Pan, chắc chắn Bộ Tư Pháp Mỹ sẽ theo dõi sát sao nếu hai công ty trên có tiến hành thương lượng – nhất là HarperCollins, đơn vị chiếm 25% thị phần của thị trường sách bán chạy nhất được mong đợi. Bên cạnh đó, Hachette Book Group, đơn vị nắm 11% thị phần, có lẽ có cơ hội được chính phủ chấp thuận hơn nếu công ty này quyết định mua lại.

Tuy nhiên, với những lo ngại về tính độc quyền, nhiều khả năng không đối tác nào có thể mua lại Simon & Schuster với mức giá 2,175 tỷ USD nữa. Sự thật là không có nhà xuất bản thương mại nào tại Mỹ ngoài HarperCollins đủ tiền mua Simon & Schuster với mức giá cao. Công ty này chỉ còn có thể trông chờ vào các nhà xuất bản quốc tế, công ty cổ phần tư nhân và các tỷ phú thừa tiền.

Một trong những lý do khiến Penguin Random House có thể đưa ra mức giá thầu cao như vậy là vì Penguin Random House có khả năng tiết kiệm chi phí rất lớn từ việc sáp nhập (dự trù tiết kiệm được 81 triệu USD). Trong khi các nhà thầu khác có lẽ không có lợi thế này.

Ngoài ra, tình hình thị trường xuất bản thương mại hiện nay cũng không quá tích cực. Sau 2 năm tăng trưởng mạnh mẽ, doanh số bán hàng năm nay giảm so với 2021. Thêm vào đó là mức chi phí cao hơn, lợi nhuận của ngành đang chịu áp lực lớn.

Về mặt tích cực đối với Paramount, Simon & Schuster đang có một năm thành công. Tính trong 9 tháng đầu năm, doanh thu nhà xuất bản này tăng 19% so với năm 2021, tăng 863 triệu USD.

Tương lai của Simon & Schuster vẫn còn mù mờ. Trong khi đó, Hiệp hội Tác giả và nhiều đoàn thể trong ngành xuất bản gay gắt phản đối những nhà thầu tiềm năng nhất của Simon & Schuster. “Một hệ sinh thái xuất bản lành mạnh là một hệ sinh thái có nhiều nhà xuất bản với đa dạng tầm nhìn, đa dạng sở trường. Một đơn vị trong Big 5 lớn hơn đồng nghĩa là các nhà xuất bản nhỏ và non trẻ hơn càng khó cạnh tranh”, bà Rasenberger kết luận.

nguồn: https://zingnews.vn/huong-di-nao-cho-nha-xuat-ban-simon-schuster-post1379539.html