Tìm hiểu về cái chết, đối mặt trực diện với nó là cách vượt qua nỗi sợ, để thấy trân quý hơn từng giây phút của cuộc đời..
“Nhiều người không muốn nói tới cái chết, dường như hy vọng rằng không nhắc tới nó thì nó sẽ quên ta đi. Tôi muốn chọn một cách tiếp cận ngược lại”. Bằng cách ấy, Đặng Hoàng Giang mở ra những câu chuyện giản dị mà đong đầy triết lý sống trong tác phẩm mới ra mắt của mình. Đó là Điểm đến của cuộc đời.
Sách Điểm đến cuộc đời.
Đồng hành với người cận tử
“Trên con phố nhỏ trước Bệnh viện Việt Đức, người ta đi lại, ăn uống, mua bán, gõ, hàn, còn anh bỗng thấy thời gian co thắt lại, anh biết rõ những ngày tháng này chỉ là một cái chớp mắt trong lịch sử”.
“Cái thành phố nham nhở tuyệt đẹp kia cũng chỉ là một lát cắt trong sự tiếp nối vĩnh cửu của thịnh vượng và suy tàn, của xây cất và sụp đổ. Vì anh hiểu rằng không có gì mãi mãi, tất cả đều biến dạng, chuyển hóa, nối nhau không ngừng nghỉ”.
Suy nghĩ về cái hữu hạn của cuộc đời cứ trở đi trở lại trong Đặng Hoàng Giang kể từ khi anh bắt tay thực hiện cuốn sách thứ ba của mình. Trước đó, độc giả đã biết đến tác giả này qua hai cuốn sách thành công Bức xúc không làm ta vô can và Thiện, ác và smartphone.
Với Điểm đến của cuộc đời, Đặng Hoàng Giang chọn cách tiếp cận khác, không chỉ là những phân tích xã hội mà đi sâu vào các câu chuyện, vào số phận con người có thật.
Đó là một hành trình không thể nào quên cùng những người cận tử. Một cuộc dấn thân vào thế giới của những bi kịch và tổn thất khổng lồ, của phẩm giá và lòng tự trọng trong hoàn cảnh khắc nghiệt, của sự phản bội và sợ hãi, của tình yêu mãnh liệt và hi vọng khôn nguôi, ở mức dữ dội nhất.
Nhìn sâu vào số phận những con người có nhiều mất mát song tác giả không chỉ kể câu chuyện của cái chết mà tập trung về việc họ sống như thế nào, chọn cách giã từ cuộc sống ra sao. Qua đó, ông đi tìm câu trả lời cho thôi thúc nội tâm: “Ta nên ứng xử thế nào trước cái chết và sự chết có thể dạy ta điều gì cho cuộc sống?”
Những số phận được kể trong cuốn sách, dù đang ở tầng bậc tột cùng của nỗi đau đớn, lại cho thấy những điều đẹp đẽ đến nghẹn ngào. Những con người ấy như mẹ Hà và cậu con trai Nam bị mắc bệnh ung thư xương, như Liên, một kỹ sư công nghệ ở Đà Nẵng hay Vân, người phụ nữ nghèo có hai con nhỏ ở Thanh Hóa… cùng mắc bệnh ung thư quái ác.
Tác giả Đặng Hoàng Giang (trái) trong buổi chia sẻ về quá trình viết cuốn sách phi hư cấu Điểm đến cuộc đời.
Khi tác giả hoàn thành cuốn sách, các nhân vật ấy đều đã qua đời. Nhưng câu chuyện về họ không vì thế mà trở nên vô nghĩa. Bản lĩnh để đi qua bi kịch, thái độ bình tĩnh của con người trước cái chết, khao khát làm việc có ích, trỗi dậy vào những ngày tháng cuối cùng…
Đồng hành với họ, Đặng Hoàng Giang chia sẻ anh thấy biết ơn, hạnh phúc và giàu có. Tác phẩm này là sự lan tỏa thông điệp đó.
Trân trọng từng khoảnh khắc
“Tôi muốn lấy khỏi cái chết sự lạ lẫm của nó, muốn nhìn thẳng vào nó, để làm quen và cuối cùng, chấp nhận nó, sống với nó một cách bình thản. Đó là lý do tôi tìm tới những người cận tử, và xin phép họ cho tôi đi cùng trong những ngày tháng cuối cùng của cuộc đời họ”, Đặng Hoàng Giang tâm sự trong cuốn sách của mình.
Trong nhiều tháng vào bệnh viện, hàng trăm giờ gặp gỡ, trò chuyện với bệnh nhân, anh nhận thấy có một điểm chung tôi thấy từ nhiều người cận tử và người thân của họ. Những trải nghiệm khốc liệt đã khiến họ hiểu được giới hạn của con người, hiểu được quyền uy của tạo hóa.
Họ không phát ra những gào thét của cái tôi luôn đói khát, không có sự ngông nghênh, hợm hĩnh hay chua chát đặc trưng của con người hiện đại, cho rằng mình điều khiển được mọi thứ và mình có quyền đòi hỏi mọi thứ.
Họ hiểu rằng những gì họ có là mong manh, và sống không có nghĩa là đi qua các thử thách. Cái chết phá hủy sự kiêu ngạo, khiến người ta phải khiêm nhường.
Đồng hành với những người như vậy, chỉ đơn giản là biết cách lắng nghe. Những người cận tử luôn muốn được lắng nghe, được gói ghém cuộc đời bằng ngôn từ để thấy cuộc đời họ sống có ý nghĩa, có mục đích. Tuy nhiên, phần lớn điều này lại không được đáp ứng bởi người thân.
Vì người nhà thường không muốn đối mặt với cái chết, chỉ ép họ ăn, uống thuốc và điều trị… “Những cái ta hay gọi là đàm thoại cuối đời không được đưa ra, mà đó là những điều giúp cho người cận tử ra đi một cách thanh thản. Xã hội Việt Nam thiếu điều đó”, tác giả Đặng Hoàng Giang nói.
Bước vào cuộc đời nhân vật, tác giả đóng vai là người lắng nghe, không phán xét, không đưa ra lời khuyên, kỳ vọng hay an ủi… và anh đã được chấp nhận. Tiếp cận trực diện với những điều tưởng chừng sẽ kéo ghì tâm lý con người, khiến nhiều người muốn né tránh, Đặng Hoàng Giang lại cho thấy ta sẽ nhận được rất nhiều.
Ý thức về cái chết trước mặt khiến ta có ý thức nó rõ ràng hơn về thời gian mình còn trong tay, về những may mắn đang có được. Đối mặt và suy ngẫm về cái chết khiến ta trân trọng cuộc sống hơn, sống có chánh niệm hơn, loại bỏ dễ dàng hơn những điều phù phiếm, tầm phào và tập trung vào những điều quan trọng.
Tác giả hy vọng khi gấp cuốn sách lại và bước ra bên ngoài, mỗi người sẽ thấy mặt trời đang chiếu, dòng người qua lại, ánh nắng chạm lên làn da và thấy mình quá là may mắn.
Ngọc Hà/zing.vn
Có thể bạn muốn xem
Khai mạc Phố sách Xuân Kỷ Hợi 2019
5 thói quen sống khiến bạn “ngày càng xấu đi”
Hà Nội giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám
Sài Gòn – Tình Yêu Của Tôi
Sonata cello và câu chuyện cuộc đời Beethoven
Người có tầm nhìn, kẻ biết hành động
Quyền lực biểu tượng
”Tiếp sức” đọc sách những ngày cách ly
Tác phẩm “Mắt biếc” của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh tiếp tục được tái bản