NXB Tổng hợp TPHCM vừa ra mắt trọn bộ 2 quyển sách Khảo cổ học Đồng bằng sông Mê Kông – Tập II: Văn minh vật chất Óc Eo của tác giả Louis Malleret do Nguyễn Hữu Giềng, Nguyễn Thị Hiệp, Olivier Tessier tổ chức, biên dịch và giới thiệu.
Tác giả Louis Malleret (1901 – 1970) là nhà khảo cổ học người Pháp, nguyên Giám đốc Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp – École française d’Extrême-Orient (EFEO). Trong vòng hai thập kỷ cộng tác, đồng hành rồi giữ vị trí lãnh đạo Viện (1950 – 1956), ông đã thực hiện nhiều chương trình khai quật khảo cổ học ở Đồng bằng sông Cửu Long, từ những năm 1937 – 1944, và là người đầu tiên nghiên cứu một cách có hệ thống và đầy đủ về các di chỉ văn hóa Óc Eo.
Mục đích của việc ra mắt bản tiếng Việt Khảo cổ học Đồng bằng sông Mê Kông – Tập II: Văn minh vật chất Óc Eo lần này trước hết là để độc giả trong nước nói chung và các nhà nghiên cứu nói riêng có cơ hội khám phá Óc Eo tường tận hơn qua những nghiên cứu khảo cổ học quan trọng của Louis Malleret.
Ngoài ra, mục đích thứ hai là thu thập, công bố tư liệu nhằm chuẩn bị hồ sơ xin công nhận di sản văn hóa vật thể thế giới cho Quần thể di tích Quốc gia đặc biệt: Óc Eo – Ba Thê.
Vì hai mục đích cấp thiết này, Ban Quản lý Di tích Văn hóa óc Eo tỉnh An Giang đã tiến hành hợp tác với EFEO và NXB Tổng hợp TPHCM tổ chức biên soạn, dịch và giới thiệu bộ sách Khảo cổ học Đồng bằng sông Mê Kông. Chính vì các lý do trên, tập II của bộ sách có nhan đề Văn minh vật chất Óc Eo được lựa chọn công bố trước tiên.
Đây là bản Việt ngữ chính thức ra mắt độc giả lần đầu tiên sau hơn 60 năm, kể từ thời điểm nguyên tác tiếng Pháp ra đời, do EFEO ấn hành vào năm 1959. Các tập còn lại của bộ sách sẽ lần lượt ra mắt độc giả Việt Nam trong thời gian tới.
Tập II Văn minh vật chất Óc Eo được chia làm hai quyển (chính văn và phụ bản), trong đó quyển 1 dành cho việc khảo sát, khai quật, miêu tả hiện vật và nghiên cứu khảo cổ. Nội dung quyển I gồm ba phần:
Phần 1 giới thiệu các hiện vật là công cụ lao động, sinh hoạt của cư dân thuộc văn hóa Óc Eo, chất liệu được làm bằng đá và xương răng của các loài động vật.
Phần 2 giới thiệu chi tiết các hiện vật bằng đất nung bao gồm các công cụ được sử dụng trong hoạt động thủ công nghiệp làm gốm, kim hoàn và các loại đồ gốm được sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày của cư dân văn hóa Óc Eo.
Phần 3 là những nghiên cứu về kỹ thuật luyện kim đồng và sắt của cư dân cổ cùng các hiện vật được làm bằng kim loại như tượng của các vị thần và Phật, nhạc khí, đồ trang sức và các hiện vật kim loại của nước ngoài được phát hiện ở các di chỉ Óc Eo.
Riêng quyển 2 là phần phụ bản bao gồm hình ảnh và chú thích về các dụng cụ, di vật thu thập được từ các cuộc khai quật quần thể di chỉ Óc Eo và Ba Thê cùng với một số ảnh chụp, ảnh dập từ nguồn ảnh liệu của EFEO. Nhiều hiện vật được chụp từ các góc độ khác nhau kèm với số đo, kích thước, đường kính rất chính xác, tỉ mỉ.
Tập II bộ sách này cho thấy Louis Malleret đã nghiên cứu một cách toàn diện và chi tiết nhiều phương diện văn hóa của miền Tây sông Hậu, giúp người đọc nhận diện được các loại hình cổ vật Óc Eo, phương thức sản xuất và ảnh hưởng kỹ thuật cũng như mối quan hệ giao thoa văn hóa của cư dân Óc Eo với các nền văn minh khác trong khu vực.
QUỲNH YÊN
nguồn: https://www.sggp.org.vn/kham-pha-nguon-tu-lieu-day-du-ve-cac-di-chi-van-hoa-oc-eo-747425.html
Có thể bạn muốn xem
Sách hay cho mùa Halloween
Những tỷ phú Mỹ lập nghiệp từ bàn tay trắng dạy con kiếm tiền thế nào?
Khai mạc Hội sách Thiếu nhi TPHCM lần III
Inbound Marketing – Thu hút thế giới về với bạn trong môi trường trực tuyến
ĐÊM VÔ TẬN
4 cuốn sách về LGBT bị đề xuất rút khỏi thư viện Mỹ
Hãy chuẩn bị bộ kit chăm sóc cá nhân để bạn vượt qua những sự cố bất ngờ
Nhiệt đới buồn
“Phiên chợ khuyến đọc” tại Đường sách TPHCM