Eight – 8 cách làm chủ trí thông minh nhân tạo

Trong thế giới hiện đại, sự phát triển ngày càng nhanh của cách mạng công nghiệp 4.0, trí thông minh nhân tạo đã và đang chứng tỏ những ưu thế vượt trội. Cuốn sách chỉ ra những phương pháp làm chủ trí thông minh nhân tạo.

Những nghề nghiệp bị thay thế trong thời đại trí thông minh nhân tạo

Nhân viên kế toán, nhân viên thuế vụ và hải quan, người đại diện pháp lý, nhà phân tích tài chính… có thể bị trí thông minh nhân tạo thay thế.

Hãy cùng xem trường hợp của các công viên chức. Năm 2017, thành phố Chiba của Nhật Bản đã thử nghiệm đầu tư đưa công viên chức trí thông minh nhân tạo vào làm công việc hành chính liên quan đến lưu trữ. Kết quả như thế nào? Khối lượng công việc bình thường cần đến 30 công viên chức con người và hơn một tuần để xử lý đã được trí thông minh nhân tạo hoàn thành lâu nhất chỉ trong vài giây.

Các chính quyền địa phương của Nhật Bản không khỏi bất ngờ trước hiệu quả làm việc của công viên chức trí thông minh nhân tạo được chứng minh trong lần thí nghiệm của thành phố Chiba, và hiện nay họ đang tiến hành dự án bàn giao các công việc của công viên chức con người cho trí thông minh nhân tạo.

Ở Hàn Quốc cũng xúc tiến dự án công viên chức trí thông minh nhân tạo như “thư ký hành chính trí thông minh nhân tạo” và “tư vấn viên chính sách trí thông minh nhân tạo”, dự án bố trí công viên chức robot hình người ở các cơ quan hành chính nhà nước các cấp, các phòng tiếp dân, cục thuế, sở đăng ký…

Máy móc sẽ làm nhiều công việc thay thế cho con người trong thời đại trí thông minh nhân tạo. Ảnh: iStock.

Mới đây, Bộ Quản lý nhân sự của Hàn Quốc tuyên bố: “Đến năm 2030, chúng tôi sẽ thay thế hơn 50% công viên chức phụ trách tiếp dân, hơn 25% công viên chức làm việc ngoài hiện trường như cảnh sát, lính cứu hỏa, hơn 25% công viên chức phụ trách công việc chuyên môn bằng trí thông minh nhân tạo. Sau đó đến năm 2045, thay thế 70% công viên chức phụ trách tiếp dân, 50% công viên chức làm việc ngoài hiện trường, 50% công viên chức phụ trách công việc chuyên môn”.

Theo lời các chuyên gia trí thông minh nhân tạo mà tôi từng có cơ hội gặp riêng thì không có nghề nghiệp nào có thể dễ dàng thay thế bằng trí thông minh nhân tạo như công viên chức. Vì hầu hết công việc của họ có thể thực hiện được mà không cần đến khả năng đồng cảm và khả năng tưởng tượng sáng tạo.

Những nghề nghiệp như thế đâu chỉ có ở riêng công viên chức. Đại đa số nghề nghiệp ở Hàn Quốc đều giống như vậy. Dù sao, đây cũng được xem là một dẫn chứng rõ ràng nhất rằng: “Đa số công việc mà công viên chức đang phụ trách cuối cùng đều sẽ bị thay thế bởi trí thông minh nhân tạo”.

Thời kỳ đó sẽ đến nhanh hơn so với tưởng tượng, một số lượng lớn công viên chức sẽ bị sa thải.

Theo báo cáo của các cơ quan nghiên cứu trên thế giới, nhân viên kế toán, nhân viên thuế vụ và hải quan, người đại diện pháp lý, nhà giám định, chuyên gia tính toán, nhà phân tích tài chính… hầu như đều đã bị thay thế bởi trí thông minh nhân tạo từ mấy năm trước.

Thậm chí người ta còn đưa ra cảnh báo nguy cơ tự thân các nghề nghiệp đó có thể sẽ biến mất. Tiêu biểu là “Bản báo cáo các doanh nghiệp mới thời đại cách mạng 4.0” của Hội đồng Báo cáo chung Quốc tế (IIRC), “Bản báo cáo Cách mạng Công nghiệp 4.0” của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), “2045 Bản báo cáo tương lai” của UN.

Ở Hàn Quốc, Viện Thông tin Lao động Hàn Quốc và Viện Nghiên cứu Kinh tế LG cũng có báo cáo tương tự. Nói đơn giản, các nghề nghiệp được gắn chữ “sĩ” và được đánh giá cao sẽ đi đến hồi kết hoặc đi đến mức độ nào đó tương tự như hồi kết bởi trí thông minh nhân tạo, và sẽ không có ngoại lệ.

Viết tới đây, tôi nhận ra trong tương lai việc con người chăm chỉ học tập từ tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông cho đến suốt 4 năm đại học để có được một công việc tốt sẽ không còn ý nghĩa gì nữa.

Tại sao trí thông minh nhân tạo lại không ngừng thay thế các nghề nghiệp tốt mà người tốt nghiệp đại học có thể có được? Lý do đơn giản thôi. Trí thông minh nhân tạo ngay từ đầu được thiết kế và sản xuất ra với mục đích như thế.

Trí thông minh nhân tạo được sinh ra để thay thế, bỏ xa và chi phối những người học giỏi ở trường học. Để thực hiện được điều này, trí thông minh nhân tạo phải có được năng lực tự học, tự phán đoán, tự suy luận.