Trích trong: tập tản văn Người trên mây của Hà Minh Trang, Nhà xuất bản Hội nhà văn ra mắt độc giả quý 1 năm 2021.
Hà Minh Trang, là một cựu tiếp viên hàng không. “Người trên Mây” đánh dấu một bước quan trọng trong cuộc đời cô để trở thành một tác giả trẻ.
Một ngày kia, khi chúng ta không còn trẻ, tuổi mà đàn ông hay đàn bà tưởng rằng mình có trong tay điều gì đó, và đầy sự ham muốn rằng mình phải có trong tay một điều gì đó, khi sự sẻ chia và tình cảm trở nên ít đi thì trong sâu thẳm, chúng ta “chôn kín” khát khao gì?
Khi còn trẻ, người ta dễ tha thứ cho sai lầm của mình vì cho rằng còn quá nhiều thời gian để làm lại. Khi còn trẻ, chúng ta cũng dễ dàng buông một mối tình vì nghĩ rằng có nhiều cơ hội tốt hơn đang chờ ta phía trước. Để rồi trong quãng thời gian ấy đến khi ta bước vào tuổi trưởng thành, chín chắn bình lặng nhìn đời, ta đã mất mát quá nhiều, quên đi những kí ức tuổi trẻ nồng nhiệt nhất, và chai sạn.
Dù đã trưởng thành nhưng liệu ta có khao khát được lại một lần yêu khờ dại chẳng nghĩ suy, được gặp một người “đưa em về thanh xuân, về những dấu yêu ban đầu”, được nhung nhớ đến ngẩn ngơ.
Hành trình đã từng của tuổi trẻ, là hành trình đi tiêu hoang sự tự do. Khi trưởng thành rồi, cuộc sống phải gắn bó với trách nhiệm, thế nên những lời yêu thương chẳng thể cất lên từng ngày.
Trong những năm tháng tuổi trẻ, ta ước mơ được nắm tay người mình yêu đặt chân tới 63 tỉnh thành, được cùng người ấy mơ về một mái nhà hạnh phúc. Sau đó, chúng ta lao vào công việc, vượt qua tất cả thử thách, đánh đổi mọi thứ để đạt được ước mơ.
Nhưng rồi, trên cuộc hành trình ấy, cái giá chúng ta phải trả là đánh rơi sự “hoang dại” của mình ở đâu đó. Đi qua những ồn ào, sóng gió của tuổi trẻ, bước vào tuổi trưởng thành, ta phải đối diện với sự thật “nguy hiểm” là trái tim ta tĩnh lại, chấp nhận mọi điều kiện “ổn định” của cuộc sống và ngại yêu thương.
Phụ nữ trưởng thành, ôn hoà tình lặng, tâm thái thong dong, họ chỉ cần một sự thấu hiểu để chia sẻ những thăng trầm trong cuộc sống, không còn thoải mái thể hiện cá tính và chấp nhận yêu đại một người “cũng được” để làm chồng.
Đàn ông trưởng thành, mang nặng trên vai “cơm – áo – gạo – tiền”, sự trách nhiệm khiến họ chấp nhận người phụ nữ bên cạnh mình, để họ chăm sóc mình và thương lại họ chỉ vì: cô ấy hợp với vai trò là một người vợ, người mẹ của các con ta hơn là người yêu.
Nhưng rồi khi bước vào những mối quan hệ mang đầy lời bào chữa ấy, họ vẫn hoang mang liệu có nên kiếm tìm một cảm giác gọi là “Yêu”
Thật ra, tình yêu ở lứa tuổi nào cũng đáng được trân trọng và là một nhu cầu cần thiết như cơm ăn nước uống. Bởi vì, ngày nào người ta còn sống, ngày đó người ta còn khóc cười vì yêu. Thế nhưng, họ chỉ dám khao khát, bởi khi trưởng thành rồi, họ thường bị gói mình trong những khuôn khổ và suy nghĩ mang tính cục bộ, bó buộc lại cái tôi cá tính. Chỉ cần một chiếc áo hơi hầm hồ xì – teen chút là có thể bị xét nét hay đại loại là thế. Chỉ cần một màu son xí muội là sẽ bị soi và cho là lố. Chỉ cần đợi cô ấy để mong cô ấy đừng giận dỗi hoặc tạo cho anh ấy bất ngờ bằng một chiếc bánh kem vụng về, cũng sợ rằng ai đó đánh giá. Để rồi, chạy theo mãi những “lá phiếu” quyết liệt rằng: “phải sống đúng với lứa tuổi”, một ngày nào đó, chúng ta sẽ nhận ra mình đã nhầm.
Điều gì? Tiền bạc? Sự nghiệp? Tài sản? Khi có trong tay tất cả những thứ đó, chúng ta sẽ khao khát điều gì. Phải chăng, khi ta tự tin nhất, chúng ta lại thèm muốn trái tim mình bị “gục ngã” bởi ánh mắt một người phụ nữ, được “tan chảy” trong vòng tay ấm áp của một người đàn ông?
Có thể bạn muốn xem
Chủ nghĩa hiện sinh – Dẫn luận ngắn
Liên Bỉnh Phát: ‘Khi bế tắc, tôi tìm đến sách để thấy không cô đơn’
Hành lý hư vô
Osho – Zorba Phật
CÁI LƯỠI VÀNG VÀ GIỌNG NÓI KIM CƯƠNG
Trao thưởng cuộc thi giới thiệu sách về Chủ tịch Hồ Chí Minh
Paul Doumer – Toàn Quyền Đông Dương (1897-1902): Bàn Đạp Thuộc Địa
Cua ngoi lên bờ
Đừng chết bởi hóa chất