Kiến trúc hiện đại miền Nam Việt Nam (Phương Nam Book và NXB Thế giới) tập hợp những tác phẩm nhiếp ảnh kiến trúc đẹp mắt ở miền Nam Việt Nam trong giai đoạn giữa thế kỷ 20.

Cuốn sách thể hiện cái nhìn độc đáo của hai người nước ngoài về kiến trúc hiện đại của miền Nam Việt Nam: Mel Schenck – kiến trúc sư người Mỹ, đảm nhận phần nội dung và Alexandre Garel – nhiếp ảnh gia người Pháp, đảm nhận phần hình ảnh.

Tác phẩm kiến trúc đầy ắp tư liệu, dễ tiếp cận với bạn đọc phổ thông
Tác phẩm kiến trúc đầy ắp tư liệu, dễ tiếp cận với bạn đọc phổ thông

Trong 3 thập niên từ sau Thế chiến II, các kiến trúc sư ở miền Nam đã phát triển một lối kiến trúc hiện đại phù hợp với khí hậu nhiệt đới đồng thời phản ánh bản sắc văn hóa của người Việt Nam.

Mong muốn kiến trúc hiện đại miền Nam Việt Nam sẽ được thế giới ghi nhận, hai tác giả Mel Schenck và Alexandre Garel đã dành rất nhiều công sức tìm kiếm, chọn lọc thông tin từ những nguồn tài liệu cũ, quý hiếm để đưa vào sách. Quá trình tìm kiếm thông tin hết sức khó khăn vì ngay cả trong thư viện trường đại học hay thư viện công cộng, cũng đều không có đủ tư liệu học thuật hàn lâm tối thiểu về các công trình được đề cập.

Tuy nhiên, chính việc thiếu hụt tư liệu đó đã trở thành động lực, thúc đẩy nhóm tác giả nghiên cứu sơ bộ để xây dựng cơ sở dữ liệu hơn 400 công trình kiến trúc. Từ cơ sở dữ liệu này, nhóm tác giả đã lựa chọn hơn 150 công trình kiến trúc hiện đại ở Việt Nam giữa thế kỷ 20 để trình bày trong sách. 150 công trình là số lượng khổng lồ mà đến nay, chưa có sách nghiên cứu nào về kiến trúc hiện đại miền Nam Việt Nam đạt đến con số này.

Tuy vậy, cuốn sách không phải là một tác phẩm học thuật khó tiếp cận. Để tác phẩm đến được với nhiều bạn đọc phổ thông, tác giả Mel Schenck đã cố gắng lược bỏ nhiều thuật ngữ kiến trúc chuyên dụng. Ông chỉ giữ lại một số ít biệt ngữ không thể thiếu trong việc mô tả kiến trúc và giải thích ý nghĩa rõ ràng ngay từ đầu sách. Cách các tác giả giải thích thuật ngữ cũng giúp người đọc dễ dàng nắm bắt được sự phong phú và trừu tượng của kiến trúc hiện đại Việt Nam.

nguồn: SGGPO