Từ trước đến nay đã có nhiều sách vở viết về lịch sử văn học Việt Nam của các học giả nổi tiếng như Lê Văn Siêu, Dương Quảng Hàm, Thanh Lãng, Phạm Thế Ngũ, Bùi Văn Nguyên, Mai Cao Chương, Nguyễn Lộc…
Song đúng như GS Trần Đình Sử – chủ biên bộ Lược sử văn học Việt Nam – đã viết trong lời nói đầu của quyển sách này, phần lớn các công trình văn học sử trước đây thường nặng tính hàn lâm, chủ yếu phục vụ cho việc nghiên cứu, giảng dạy, không gần gũi lắm với đại chúng.
Hiểu được điều ấy, nhóm biên soạn sách Lược sử văn học Việt Nam – gồm có các tác giả Trần Đình Sử (chủ biên), Nguyễn Xuân Kính, Nguyễn Văn Long, Huỳnh Như Phương, Vũ Thanh, Lã Nhâm Thìn, Trần Văn Toàn – đã chọn một cách viết dung dị, hạn chế sử dụng các thuật ngữ chuyên ngành, song vẫn bao quát được toàn cảnh các cột mốc, các điểm sáng của lịch sử văn học dân tộc từ khởi thủy đến hiện đại.
Cuốn sách có bốn chương, trong đó chương đầu tiên đưa ra một cái nhìn khái quát về văn học dân gian của người Việt, còn ba chương sau lần lượt trình bày ba giai đoạn lớn của lịch sử văn học viết Việt Nam (từ thế kỷ X đến năm 1885, từ 1885 đến 1945, và từ sau 1945 đến đầu thế kỷ XXI) trong sự tương chiếu một cách khá linh hoạt giữa bối cảnh văn hóa – xã hội với tình hình văn học từng thời kỳ.
Không chỉ có đóng góp trong việc hệ thống hóa những tri thức nền tảng về lịch sử văn học Việt Nam một cách mạch lạc, khúc chiết, nhóm biên soạn còn khảo lọc kỹ lưỡng, cập nhật các kết quả nghiên cứu mới nhất, đồng thời tận dụng vị thế của một công trình mang tính “lược sử” dành cho đại chúng để phổ quát hóa những góc nhìn cởi mở, mới mẻ và đầy thiện chí về nhiều vấn đề văn học từng gây tranh cãi (như sự kiện Nhân văn – Giai phẩm, tính chất “chính thống” của văn học đô thị miền Nam giai đoạn 1954 – 1975…).
Viết về lịch sử văn học của một dân tộc đã trải qua quá nhiều thương chấn chiến tranh, các cuộc xâm lăng của ngoại bang và những hành trình thăm thẳm kiên cường lưu giữ bản dạng văn hóa, các tác giả của bộ sách Lược sử văn học Việt Nam cũng hết sức nhấn mạnh đến ý thức về dân tộc tính được thể hiện vừa mạnh mẽ, vừa sâu sắc trong suốt dòng chảy văn học Việt.
Chính ý thức dân tộc từ trong sâu thẳm ấy đã khiến văn chương Việt Nam, dù sinh trưởng trong một môi trường chịu tác động dữ dội của nhiều nền văn hóa bá quyền, vẫn được biết đến như một nền văn học độc lập và có bản sắc.
Nền văn học ấy, tuy có một thời gian dài phải dùng chữ Hán làm văn tự chính, hay có lúc phải Latin hóa chữ viết vì những yêu cầu thời đại, song cuối cùng vẫn lưu giữ được vốn ngôn ngữ dân tộc từ thuở sơ khai, vẫn rung lên một thứ tình tự Việt Nam riêng biệt mà khó ai có thể cụ thể hóa được một cách toàn diện và minh xác.
Công trình Lược sử văn học Việt Nam, vì vậy, có lẽ không chỉ là cuốn sách cần thiết cho bất kỳ người Việt nào có quan tâm đến văn hóa dân tộc mà còn là tài liệu nhập môn bổ ích cho những bạn bè nước ngoài muốn hiểu rõ hơn về văn chương Việt Nam, và hơn hết là cá tính và tiếng lòng của con người Việt Nam được thể hiện qua văn học.
Theo báo Tuổi trẻ
Có thể bạn muốn xem
Sự lên ngôi của các nền tảng đa chiều
Tư duy hội nhập: Chìa khóa Bình an, Hạnh phúc và Thành công
Đổi mới từ cốt lõi – Innovation to the core
Một buổi sáng khó quên và những bản tình ca dang dở
Noel, chọn sách làm quà
Chó trắng
Năm 2062 – Thời đại của trí thông minh nhân tạo
Tại sao 1 phút có 60 giây, 1 giờ có 60 phút và 1 ngày có 24 giờ?
Con đường giác ngộ – Trí huệ và đại bi