Nhà văn Nguyễn Thị Thanh Bình không phải là một cái tên xa lạ của văn chương. Dù khiêm tốn nói rằng mình không phải là nhà văn, nhưng với 16 cuốn sách đã xuất bản, trong đó có 12 tác phẩm dành cho thiếu nhi, chị xứng đáng có một vị trí trong giới, đặc biệt là trong “địa hạt” văn học thiếu nhi.
Nguyễn Thị Thanh Bình từng có thời gian im ắng, khiến những người biết và quan tâm đến chị không khỏi tiếc nuối. Rất may, sau đó Nguyễn Thị Thanh Bình đã trở lại, không những vậy, chị còn “lợi hại hơn xưa”.
Chị từng nổi tiếng trên các ấn phẩm văn chương dành cho học trò với bút danh Gai Xương Rồng. Xuất hiện với những truyện ngắn hóm hỉnh dành cho học trò nhưng cuốn sách trình làng đầu tiên của chị lại là một tác phẩm dành cho thiếu nhi, đó là tập truyện ngắn Bạn thành phố, đoạt luôn giải ba trong cuộc Vận động sáng tác cho thiếu nhi “Vì tương lai đất nước” lần II do NXB Trẻ và Hội Nhà văn TPHCM tổ chức vào năm 1997. Cũng tại cuộc thi này lần III năm 2002, Nguyễn Thị Thanh Bình giành tiếp giải nhì với truyện dài Quê ngoại. Không chỉ có duyên với giải thưởng văn học thiếu nhi, chị cũng từng ghi danh với giải tư cuộc thi “Văn học tuổi hai mươi” lần II năm 2000 với truyện dài Hành trình về phía mặt trời.
Trong số những tác giả 7X thành danh hiện nay, có không ít người đi ra từ “cái nôi” của tập san Áo Trắng mà người trực tiếp đỡ đầu là nhà văn Đoàn Thạch Biền. Nguyễn Thị Thanh Bình cũng là một trong số đó. Chính nhà văn Đoàn Thạch Biền đã động viên chị chuyển sang viết cho thiếu nhi sau thời gian ghi tên mình với những truyện ngắn về lứa tuổi học trò.
“Quả thực, tôi luôn biết ơn nhà văn Đoàn Thạch Biền về điều này. Không riêng gì tôi mà có rất nhiều bạn viết trẻ, mỗi lần tìm đến chú, chú cũng đều trao cho những lời động viên, khuyến khích. Với những người mới tập viết, những lời động viên của chú cho họ thêm niềm tin để đi tiếp”, Nguyễn Thị Thanh Bình trải lòng.
Sau các tác phẩm đã xuất bản, ít nhiều được bảo chứng bằng những giải thưởng uy tín, bên cạnh những tác phẩm dành cho người lớn, Nguyễn Thị Thanh Bình tiếp tục trở thành người bạn của thiếu nhi bằng những sáng tác lần lượt được ra mắt như: Quà sinh nhật, Quê ngoại, Từng đôi mắt sáng, Mưa đầu mùa, Ngày khai trường đặc biệt, Hoa nắng xôn xao – Rim chạy, Mèo con xa mẹ… Chỉ riêng năm ngoái, Nguyễn Thị Thanh Bình cùng lúc giới thiệu 2 tác phẩm dành cho thiếu nhi, gồm: Hành trình mùa thu (NXB Trẻ) và Chú chó bảo mẫu (NXB Tổng hợp). Riêng Chú chó bảo mẫu sau một năm ra mắt đã được tái bản và sẽ tái ngộ độc giả nhí trong mùa hè năm nay.
Tôi đọc tương đối đầy đủ các tác phẩm của Nguyễn Thị Thanh Bình, từ người lớn cho đến thiếu nhi. Và phải thành thật là tôi thích truyện thiếu nhi của chị hơn, nhất là thể loại truyện đồng thoại, một thể loại tưởng dễ mà khó viết vô cùng. Đọc những tác phẩm viết về loài vật của chị, đôi lần khiến tôi bật cười thích thú, rồi đôi lần rưng rưng vì thương những nhân vật bé nhỏ. Đó là những tác phẩm thực sự sinh động và có hồn.
Có lần, tôi hỏi nhà văn Nguyễn Thị Thanh Bình quan niệm như thế nào về văn học thiếu nhi? Không hoa mỹ, không vòng vo, chị bảo, thiếu nhi cũng là một thế giới. Các em có suy nghĩ, có cá tính và những ý kiến của riêng mình. Nhất là ngày nay, các em được tiếp xúc với nhiều phương tiện truyền thông hiện đại, sức sáng tạo của các em đôi khi vượt cả người lớn, làm người lớn phải giật mình…
“Văn học cho thiếu nhi, không thể cứ mãi quẩn quanh cây đa, giếng nước, sân đình như thời của tôi, mà cần phải vươn tới công nghệ, cần nắm bắt được suy nghĩ, tình cảm của các em. Phải “lớn” cùng các em”, chị bộc bạch.
Là người viết song song cho cả người lớn và thiếu nhi, nên Nguyễn Thị Thanh Bình dễ dàng có sự đối sánh trong việc sáng tác cho hai đối tượng. Theo chị, viết cho lứa tuổi nào cũng có cái khó riêng. Để viết cho hay, người viết phải tìm tòi, quan sát và phải hòa mình vào lứa tuổi đó. Nhưng viết cho thiếu nhi dễ mang đến niềm vui hơn, vì lứa tuổi đó luôn hồn nhiên, trong trẻo.
Nhắc lại thời điểm im ắng, Nguyễn Thị Thanh Bình kể, lúc đó chị đang làm kế toán tại các khu công nghiệp và công việc vô cùng bận bịu, chưa kể còn chuyện gia đình rồi chăm lo cho hai cậu con trai nhỏ. Suốt 10 năm đó, Nguyễn Thị Thanh Bình không xuất hiện, không xuất bản bất cứ tác phẩm nào thêm.
“Một ngày tình cờ, một biên tập viên ở NXB Trẻ gọi cho tôi để thông báo, sách in trước đó của tôi được tái bản. Anh ấy còn hỏi tôi: “Sao bỏ viết uổng vậy?”. Thế là tôi tập viết lại và tập đến giờ. Nên với văn chương, tôi nghĩ là tôi có chút duyên xíu thôi. Cái duyên không bỏ được!”, Nguyễn Thị Thanh Bình nhớ lại.
Cuộc trở lại với văn chương của Nguyễn Thị Thanh Bình diễn ra vào năm 2013 với tập truyện ngắn Quà sinh nhật. “Thực ra, tập truyện ấy đã được bắt đầu từ 2005, nhưng những năm đó, truyện tranh của Nhật Bản đang “chiếm lĩnh” thị trường và tâm trí các em. Bản thân các NXB cũng không mặn mà lắm với mảng văn học thiếu nhi. Trong khi đó, “đất” dành cho mảng này rất ít, phải nói là hiếm. May sao đến lúc này, tình hình có vẻ khá hơn và Quà sinh nhật đã được ra mắt.
Đến với văn học thiếu nhi từ những năm tháng còn là sinh viên, đến giờ cậu con trai đầu của chị cũng sắp sửa trở thành sinh viên. Đó thực sự là một chặng đường rất dài, nhưng dường như niềm vui được sáng tác cho các em của Nguyễn Thị Thanh Bình chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Tôi nghe bạn bè trong giới tiết lộ, chị còn vài bản thảo dành cho thiếu nhi vẫn còn nằm trong máy tính, chờ ngày được “hạ sinh”.
Chị bày tỏ: “Tôi không biết vì sao những bạn viết khác không tiếp tục với văn học thiếu nhi, có hay không thứ gọi là duyên? Riêng tôi, tôi nghĩ mình sẽ tiếp tục viết cho thiếu nhi. Tôi thích các bạn nhỏ, nên cũng thích quan sát và viết về các bạn ấy. “Ngôi nhà” thiếu nhi, hay tuổi thơ luôn rộng rãi, đủ cho tôi, cho bạn hay cho bất cứ ai yêu thích vẻ hồn nhiên, tự do và một chút mơ mộng”.
HỒ SƠN/SGGPO
Có thể bạn muốn xem
Về Nguyễn Huy Thiệp
Cùng khám phá công nghệ
Tục ‘Gửi Tết’ của người Việt
Xuất bản 15 truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp ở Hàn Quốc
Trong những lặng thinh
Con trai kẻ khủng bố
Mỹ Lai: Việt Nam, 1968
Hội sách kết nối 2022: Những góc nhìn khác nhau về sách cho thiếu nhi
Sức sống bền bỉ của dòng chảy văn học kỳ ảo Việt Nam