“Chuyện dài thành chuyện ngắn”, đúng như tên gọi của cuốn sách, chuyện dài đến mấy thì qua tay họa sĩ Lisa Brown cũng thành chuyện ngắn.

“Chuyện” vì tác phẩm của người ta đã “bị” biến thành tranh theo lối kể chuyện. “100 tác phẩm kinh điển và nổi tiếng trong ba khung tranh”, đặt gọn trong nửa trang sách khổ 20 x 19 cm.

Họa sĩ đọc các tác phẩm kinh điển rồi tư duy bằng hình ảnh, cuối cùng chuyển hóa nó thành tranh. Tiểu thuyết trường thiên như Don Quixote, Moby Dick cá voi trắng, dài cả nghìn trang cũng lọt thỏm vào trong ba bức tranh nhỏ. Chí tôn ca (Bhagvad Gita) trong sử thi Ấn Độ đồ sộ, cũng chỉ thành ba bức tranh.

Sách Chuyện dài thành chuyện ngắn, Lisa Brown, Anh Thư dịch.

Bi kịch và hài kịch của Shakespeare… cũng chỉ là mấy bức tiểu họa. Chỉ mấy bức tiểu họa ấy, họa sĩ tóm tắt Anna Karenina, Tội ác và hình phạt, Đồi gió hú, Phía tây không có gì lạ, Giã từ vũ khí, Bắt trẻ đồng xanh, Của chuột và người, Đời nhẹ khôn kham

Họa sĩ biến tiểu thuyết thành tranh thì bây giờ tôi làm ngược lại: kể lại những bức tranh ấy cho những người chưa xem cuốn sách này.

Tiểu thuyết Don Quixote – nhà quý tộc tài ba xứ Mantra được tóm gọn trong ba bức tranh:

Bức thứ nhất – Tình nương: vẽ nàng Dulcinea mà Don Quixote đang tơ tưởng.

Bức thứ hai – Cộng sự: tất nhiên là vẽ anh bạn Sancho Panza cưỡi lừa.

Bức thứ ba – Kẻ thù: cái cối xay gió mà Don Quixote đang đối mặt.

Thế là xong, ta đã đọc hết cuốn tiểu thuyết hơn 1.000 trang trong ba bức vẽ. Dí dỏm và thú vị là ở chỗ đó.

*

Cũng hóm hỉnh như thế, họa sĩ vẽ lại bản Chí tôn ca (Bhagvad Gita). Krishna đánh xe cho cung thủ Arjuna ra chiến trường. Nhìn thấy bên phía đối phương là toàn bộ anh em họ của mình, Arjuna ngập ngừng không muốn chiến đấu.

Bức thứ nhất:

Arjuna: – Này Krishna, em không muốn gây chiến.

Krishna: – Em thực sự nên chiến đấu.

Bức thứ hai:

Krishna: – Để anh nói với em tất cả về sinh tử, khai ngộ, đấng thầy, nghiệp, linh hồn, thiền định, tiết dục, thực tại, năng lượng và vũ trụ.

Arjuna: – Vẫn không thuyết phục.

Bức thứ ba:

Krishna: – Thế anh biến thành một VỊ THẦN thì sao?

Arjuna: – Được rồi, nếu như vậy thì em sẽ theo ý anh.

Tất thảy giáo lý và triết lý của Krishna chưa hẳn đã thuyết phục được Arjuna, mà phải là uy lực thần thánh của Krishna mới khiến cho Arjuna chiến đấu. Bức tranh thứ ba, họa sĩ vẽ Krishna biến hình ngay trước mắt Arjuna, thành vị thần có chín gương mặt, tượng trưng cho chín hiện thân. Bởi vì Krishna chính là một trong chín kiếp của thần Bảo Vệ Vishnu.

Họa sĩ rất hiểu Chí Tôn ca, và đã tóm tắt lại trong ba bức tranh vui tươi. Chỗ này người dịch nhầm một tí: Krishna là anh họ của Arjuna, không phải là “em”.

*

Tiểu thuyết Jane Eyre của Charlotte Bronte:

Bức thứ nhất – xuất hiện hai nhân vật: cô giáo nhút nhát + người hùng cục cằn u ám.

Bức thứ hai – Ái tình bùng cháy: chàng và nàng ôm lấy nhau.

Bức thứ ba – Nhà cũng cháy luôn: thì đúng là dinh thự đang bị đốt, lửa bốc lên trời.

Ở đây người dịch cũng nhầm một chút: chữ “hero” có nghĩa là anh hùng, nhưng cũng có nghĩa là nhân vật nam chính trong một tác phẩm nào đó. Ông chủ dinh thự là “nhân vật nam cục cằn u ám”, mà chẳng “người hùng” như đã dịch đâu.

*

Động đến các tác phẩm kinh điển, họa sĩ cũng “không tha” cả Shakespeare. Ba vở bi kịch tiêu biểu của ông bị biến thành ba bức tranh, mỗi vở chỉ một bức:

Vua Lear: ông vua già bế xác con gái lên và than: Con gái ta CHẾT rồi.

Romeo và Juliet: chàng Romeo nâng xác người yêu lên: Bạn gái ta CHẾT rồi. (Hài hước, họa sĩ để cho nàng Juliet đang nhắm mắt thiêm thiếp mà vẫn thầm nhắc: Không phải đâu. Vì thực ra nàng chỉ uống loại thuốc để giả vờ chết).

Hamlet: chàng ngã xuống, buông rơi thanh kiếm máu me, tay ôm ngực than lên lần cuối: Ta CHẾT rồi.

Tóm lại, các vở bi kịch của Shakespeare chỉ là… chết hết.

Người ta đọc sách, rồi kể lại cho nhau nghe bằng nhiều cách: viết sách tóm tắt, viết sách bình luận, chuyển thành nhạc, thành kịch, thành phim. Thậm chí để nói về một quyển sách dày, người ta có thể khủng khỉnh buông một câu ngắn gọn.

Họa sĩ Lisa Brown thì tóm tắt sách bằng cách vẽ tranh. Không dùng đến những bức tranh lớn, không dùng những chất liệu chúa trùm, chỉ đơn giản là… hí họa, lại chỉ là ba khung tranh bé nhỏ. Sự độc đáo ấy đã thu hút được người đọc, đồng thời là người xem.

nguồn: https://zingnews.vn/tom-gon-tac-pham-kinh-dien-trong-ba-buc-tranh-post1356536.html