Nhà báo, nhà nhiếp ảnh Trần Việt Văn vừa ra mắt cuốn sách “Mẹ
tôi” tại NXB Hội Nhà văn. Mỗi câu chuyện của anh như người đời vừa ngồi trò
chuyện, vừa kể về người mẹ của mình. Không chỉ bằng những câu chuyện “chữ” dung
dị, thân thiết, gắn bó, mà quyển sách còn có nhiều kỷ niệm được kể bằng ảnh. Ở
một góc nhìn của người con trai yêu mẹ, thật khác biệt so với con gái yêu mẹ.
Tác giả cuốn sách yêu mẹ theo một cách của riêng Trần Việt Văn, yêu từ mỗi chi
tiết cụ thể, mang hơi thở đời sống thường nhật của người Việt từ thời bao cấp
cho đến ngày hôm nay đã cách xa nhau đằng đẵng hàng thập kỷ…
Một số hình ảnh trong sách
Mỗi tấm ảnh trong sách, như một cách ký họa bằng mầu sắc đời
sống ký ức và hiện tại. Mỗi tấm ảnh cũng như ký họa nhiều góc khác về chân dung
người mẹ tác giả. Đó là PGS, TS văn học Lê Thị Đức Hạnh; một người đàn bà quê gốc
Hà Nội hiển diện đi qua năm tháng bao cấp, xếp hàng tem phiếu và mẫn cán với những
công trình nghiên cứu, với lo toan thường nhật, cuối cùng là đoạn kết của tuổi
già ốm đau. Trần Việt Văn không khó khăn lắm để chụp về người mẹ mình. Nhưng ở
những chi tiết nhỏ nhặt nhất, từ góc nhìn ánh sáng và bóng tối để diễn đạt biểu
cảm tâm trạng về mẹ mình, đi chợ nấu ăn, ra sân để phơi phóng áo dài, đến chuyện
trồng cây, ốm đau, chuyện ngâm chân trong những tấm ảnh cũng đáng nghĩ ngợi.
Góc khuất nào cũng nhìn thấy tình yêu mẹ của người con trai. Với bất cứ một
trái tim từng làm mẹ nào, bạn đọc sẽ rất thích và cảm thấy tự hào về một người
con trai cúi xuống yêu mẹ, biểu cảm bằng độ sáng tối của nhiếp ảnh, thứ ngôn ngữ
không cần lời. Trần tình bằng ánh sáng và những khoảng tối khác, bất kể ảnh đen
trắng hay ảnh mầu, sách cũng cho thấy cách con yêu mẹ, làm tư liệu bằng ảnh
hình như cũng chỉ có ở nhà báo Trần Việt Văn. Tấm ảnh bìa sách chỉ có bàn chân
của người mẹ trên nền gạch đỏ, đã hắt lên một câu hỏi, một đời người đi được
bao nhiêu chặng, đã vượt lên bao đường gập ghềnh, và rồi cũng giậm chân tại chỗ
những bao lâu? Ảnh người mẹ ốm ngâm chân là rất bình thường, người xem người đọc
lại nghĩ ngợi thấm thía về sự hiếu đễ của con trai đối với bậc sinh thành. Bà
Lê Thị Đức Hạnh tâm sự: “Nếu sáng mai cháu nó đi công tác, thì tối đến vẫn mang
nước ngâm chân cho mẹ, cháu nó chả nề hà điều gì”.
 Thứ ánh sáng và tối của
nhiếp ảnh, nói lên được nhiều ý nghĩa khác của đời sống con người với ngày thường.
Có thể như là Trần Việt Văn ghi chép ảnh về mẹ, nhưng cả tập sách lại nói về một
người phụ nữ làm công việc nghiên cứu những tác phẩm văn học và bà vẫn hướng dẫn,
đào tạo những thạc sĩ, tiến sĩ trong ngành văn học. Những mẩu chuyện bình dị của
một gia đình trí thức, đi qua bao thiếu thốn, đi qua nỗi dằn vặt, những ẩn dấu
thời gian khổ phía sau bức ảnh chân dung mẹ. Với góc nhìn về mẹ của người con
trai yêu mẹ theo cách Trần Việt Văn, ta thấy vừa chi tiết, vừa cụ thể, ấm áp, lại
có cả sự đơn độc trong hành trình nghiên cứu sáng tạo.
Cuốn sách “Mẹ tôi” nói như, tác giả rất khiêm nhường:
“… nó mang tính riêng tư, nhưng tôi hy vọng sẽ có nhiều người
chia sẻ với nó, vì trên đời ai cũng có một người mẹ”.
Và hiện một số ảnh trong sách “Mẹ tôi” đang được trình bày tại
triển lãm cá nhân của tác giả tại Liên hoan nhiếp ảnh quốc tế Photometria (Hy Lạp).

Nguồn Báo Thời Nay ĐT