Để phát triển tư duy, độc giả trẻ nên đọc văn học kinh điển, khoa học thường thức. Thỉnh thoảng, người đọc có thể “đổi món” với các ấn phẩm mang tính giải trí.
Hành trình phát triển bản thân đòi hỏi mỗi người trong chúng ta sự kiên trì, không ngừng nỗ lực học hỏi, trau dồi tri thức. Trên hành trình ấy, sách là công cụ hữu hiệu không thể thiếu để ta khám phá, thoát ra khỏi vùng an toàn của bản thân. Từ đó phát triển toàn diện về công việc cũng như cuộc sống. Tuy nhiên không phải ai ngay từ đầu cũng lựa chọn được cho mình một hành trình đọc và học đúng đắn, hiệu quả.
Tại buổi chia sẻ “Đọc – Bổ dưỡng – Làm sao để có một chế độ đọc lành mạnh” diễn ra trong khuôn khổ Hội sách thiếu nhi TP.HCM (tại đường sách Nguyễn Văn Bình, TP.HCM), ThS Trương Kiều Trinh và ThS Lương Ngọc Trung Hạnh – giảng viên môn Giáo dục khai phóng, Đại học Hoa Sen – đã đưa ra gợi ý giúp các bạn trẻ khai phá “thực đơn” sách của mình. Từ đó nắm bắt phương pháp và xây dựng những “bữa tiệc” sách bổ dưỡng tinh thần, phát triển bản thân một cách toàn diện.
Nên đọc gì?
Theo ThS Trương Kiều Trinh, sách có ảnh hưởng lớn đến con người chúng ta. Việc đọc sách và đọc sách gì là rất quan trọng. ThS Trinh gợi ý 3 thể loại chính mà bạn trẻ nên đọc sớm gồm: văn học kinh điển, khoa học thường thức và sách cung cấp tri thức như khoa học, lịch sử, địa lý…
Sách khoa học thường thức là sách khai thác, cung cấp nền tảng cơ bản về một lĩnh vực, một phạm trù hay một chuyên ngành nào đó như: kinh tế, triết học, chính trị, tâm lý… Cần đọc dòng khoa học thường thức để hiểu tổng quát các khái niệm cơ bản, từ đó có cho mình định hướng để đào sâu hơn vào những mảng chúng ta quan tâm.
Thứ hai là dòng tiểu tiểu thuyết kinh điển như: Chiến tranh và hòa bình, Những người khốn khổ, Cuốn theo chiều gió, Thép đã tôi thế đấy… Đây là những quyển sách giúp nuôi dưỡng và nâng tầm tâm hồn. “Không phải tự nhiên mà những tác phẩm này ghi dấu lịch sử, được thời gian công nhận, dù trăm năm trôi qua vẫn được công chúng, bạn đọc đón nhận”, ThS Trinh nhấn mạnh.
Thứ ba là các dòng sách cung cấp kiến thức như sách về lịch sử, địa lý, sách về vĩ nhân, du lịch. Đó là dòng sách giúp chúng ta tiếp cận và hiểu hơn về thế giới xung quanh mình, những kiến thức thực tế sát sườn đời sống.
“Nhìn chung cả 3 thể loại sách trên đều khó đọc và khó hoàn thành. Nếu kiên trì, tới một thời điểm nào đó bạn sẽ phát hiện một sự đột phá về tư duy và tâm hồn”, giảng viên Trương Kiều Trinh nói.
Tuy nhiên, độc giả không nên tạo áp lực cho bản thân. Nếu cảm thấy chán nản, người đọc vẫn có thể xen lẫn các tiểu thuyết tình cảm, ngôn tình nhưng hãy nhớ đâu là “món ăn” chính trên thực đơn và đâu là các món phụ ăn kèm.
Đồng quan điểm với giảng viên Trương Kiều Trinh, ThS Lương Ngọc Trung Hạnh cho rằng bên cạnh sách khoa học cũng nên đọc thêm các tạp chí chuyên ngành bởi tạp chí chuyên ngành so với một cuốn sách sẽ cập nhật kiến thức nhanh và mới hơn.
“Nếu có ngoại ngữ tốt, các bạn nên đọc thêm sách tiếng anh bởi khi đọc sách tiếng anh, thứ bạn nhận lại không chỉ là kiến thức mà bạn còn là văn hóa, cảm nhận sự biến chuyển của giai đoạn lịch sử trong bối cảnh câu chuyện”, cô Hạnh chia sẻ
Chọn sách như thế nào?
ThS Trương Kiều Trinh nhấn mạnh bên cạnh chọn sách qua bìa, mục lục, nội dung, nên dựa vào tác giả để chọn sách; nhìn vào kiến thức của tác giả để quyết định cách tiếp cận cuốn sách ra sao.
ThS Trinh cho biết bà đang quan tâm về so sánh giữa văn hóa Đông – Tây, lĩnh vực này có hai đầu sách là Tại sao các nước Phương Tây vượt trội? và Hành trình về Phương Đông. Cuốn Tại sao các nước Phương Tây vượt trội? được viết bởi một giáo sư, một người chuyên nghiên cứu về lịch sử thì họ sẽ có xu hướng tiếp cận vấn đề một cách khoa học, đưa ra số liệu, dẫn chứng.
Còn tác giả của cuốn Hành trình về Phương Đông lại là một nhà văn, nhà văn sẽ có xu hướng viết dễ đọc, dễ cảm, truyền cảm hứng. Nếu muốn đọc để có thêm kiến thức thì nên đọc cuốn thứ nhất, nhưng nếu chỉ cần thưởng thức, thư giãn thì nên chọn cuốn thứ hai. “Biết tác giả sẽ giúp bạn lựa chọn cách tiếp cận đúng, hiệu quả hơn”, giảng viên Kiều Trinh nói.
Bên cạnh đó, cả hai vị thạc sĩ đều cho rằng đọc review có vai trò quan trọng để chọn ra được một cuốn sách chất lượng. Tuy nhiên để có được góc nhìn chuẩn xác và tổng quát nhất thì hãy đọc review bằng tiếng Anh.
“Nếu chỉ đọc review bằng tiếng Việt ta sẽ dễ bị bó hẹp trong góc nhìn riêng của người Việt, đọc thật nhiều review tiếng Anh trên các sàn thương mại điện tử lớn, trang đánh giá sách nổi tiếng để có góc nhìn rộng hơn. Khi đọc review cần chú ý xem cách lập luận của cuốn sách như thế nào, tiếp cận vấn đề ra sao, cuối cùng mới là đọc thử nội dung bên trong để quyết định thêm mình có thích nó hay không”, ThS Trương Kiều Trinh chia sẻ kinh nghiệm.
Liên quan tới việc xây dựng “bữa ăn tinh thần” cho trẻ em, ThS Trương Kiều Trinh cho rằng nên tôn trọng sở thích của con trẻ tuy nhiên vai trò định hướng của cha mẹ rất quan trọng. Nên định hướng cho con hai dòng sách là văn học kinh điển và khoa học thường thức từ sớm.
“Tôi rất thích câu châm ngôn ‘You are what you eat’ (Bạn là hiện thân của những gì bạn ăn!). Tâm hồn cũng giống vậy, sách được ví như món ăn cho trí tuệ chính vì vậy việc đọc sách như thế nào, xây dựng thực đơn đọc ra sao sẽ quyết định bạn là ai”, ThS Trương Kiều Trinh nói.
nguồn: https://zingnews.vn/mon-an-chinh-va-mon-an-phu-trong-thuc-don-cua-nguoi-doc-sach-post1337690.html
Có thể bạn muốn xem
Cà phê sách hấp dẫn giới trẻ Hà Nội
Tiktok Master – Từ cá nhân đến doanh nghiệp
GS-TS Tạ Ngọc Tấn viết sách giới thiệu chân dung một số nhà báo cách mạng tiêu biểu
58 cách thức giao tiếp nơi công sở
Sử thi La Mã: Việt Nam có thể tiếp nhận ?
Case Study kinh điển về quảng cáo hiệu quả (Performance Based Marketing)
Hóa chất trong các sản phẩm tiêu dùng nhựa nguy hiểm như thế nào?
Nam Phương Hoàng hậu
Búp bê nhỏ xíu và chàng khổng lồ