Trung tâm nghiên cứu Việt Nam và Đông Nam Á thu được sau khảo sát thực hiện năm 2015: có đến 26% dân số Việt Nam chẳng bao giờ đọc sách, 44% thi thoảng mới đọc và tỷ lệ có đọc thường xuyên chỉ đạt 30%.

Trong một công bố mới đây về 10 quốc gia mà người dân đọc sách nhiều nhất thế giới, báo cáo có chỉ ra 20 nước có tỷ lệ người dân đọc sách nhiều nhất, trong đó không có Việt Nam.

Một cuốn sách hay giá bằng 2-3 ly trà sữa, bạn trẻ chọn bên nào?

Cuốn Start-up Nation được dịch sang tiếng Việt và bán với giá 126.000 đồng. Đây là cuốn mà giới khởi nghiệp ưa chuộng.

Với 126.000 đồng, giới trẻ có thể mua được 2-3 ly trà sữa. Tuy nhiên, uống trà sữa thì dễ còn mua sách về đọc lại là chuyện khác.

Theo anh Nguyễn Tuấn Quỳnh, CEO Saigon Books thì câu chuyện chọn trà sữa hay mua sách liên quan đến văn hóa đọc.

Theo anh Quỳnh, người giàu Việt Nam phần đông đang nằm trong giới bất động sản.

Những người yêu sách đa số chỉ sống ở mức bình thường. Vậy nên, hình mẫu giới trẻ phấn đấu hướng tới không phải là những người yêu sách, thích đọc sách, mà là những người giàu. Đâu đó, điều này cũng ảnh hưởng đến thói quen đọc sách của giới trẻ.

Với những nhà sách nói chung, nếu một cuốn sách bán ra ở thị trường với 3.000 bản là hòa vốn. Nếu bán được 5.000 bản thì có lãi.

“Vậy nên cuốn sách nào mà bán được 5.000 bản là ổn lắm”, anh Quỳnh nói.

Đưa ra một phép tính, Việt Nam có 90 triệu dân. Nếu tính số người vẫn trong độ tuổi đọc sách thì khoảng 45 triệu dân.

Con số 5.000/45.000.000 dân là con số còn rất nhỏ. Vậy nên dư địa còn lớn cho các nhà xuất bản.

Anh Nguyễn Văn Quang ở Tân Bình, TP HCM cho rằng người lớn quá bận rộn chuyện kiếm tiền nên không có thời gian đọc sách. Như bản thân anh, cách đây vài năm, khi chưa vợ con, thỉnh thoảng anh còn đọc sách. Còn hiện tại, chuyện đọc một cuốn sách dày cộp là chuyện khó tưởng đối với anh.

Còn nhiều phụ huynh thì cho rằng con trẻ không còn thời gian để đọc sách vì không có thời gian do quỹ thời gian dành cho việc học trên trường đã quá nhiều. Rồi còn học thêm tiếng Anh, toán…

Chị Nguyễn Thị Tuyên ở quận 1 chia sẻ, hiện thông tin trên mạng Internet rất nhiều, các kênh truyền hình cũng đa dạng. Do đó, thời gian rảnh, các con của chị xem TV, xem các chương trình trên máy tính.

Thế Trần

Theo Trí Thức Trẻ