Sau khi mất việc vào mùa hè này, khi đang ở vị trí trưởng phòng kỹ thuật số của Bảo tàng nghệ thuật Metropolitan Museum of Art tại New York (Met), Sree Sreenivasan có một động thái mà nhiều người sẽ không làm: ông tuyên bố thông tin nghỉ việc của mình cho hàng ngàn bạn bè trên Facebook bằng một bài viết chi tiết.
LIA CHANG / WIKIPEDIA / CC BY SA 4.0 |
Sreenivasan cho cả thế giới biết chuyện gì xảy ra với công việc của ông (lý do là “tái cấu trúc tài chính” tại bảo tàng), ông mời mọi người đến uống cafe hoặc đi dạo cùng ông ở công viên Central Park (vì ông sẽ có nhiều thời gian rảnh hơn) và thậm chí ông nhờ mọi người điền vào một bảng câu hỏi mà ông đăng trên Google để xin ý kiến về việc ông nên làm gì tiếp theo.
Canh bạc công khai của Sreenivasan cuối cùng đã được đáp lại.
Hơn 1.200 người thích nội dung bài ông viết, và 1.300 người điền vào bảng câu hỏi. Vài người thậm chí giới thiệu cho ông vị trí công việc mới.
Và sau đó vài tháng ông được đề cử vào vị trí trưởng phòng kỹ thuật số của Thành phố New York. Vị trí này đến với ông “trực tiếp từ Hội đồng Thành phố đọc thấy tôi đang tìm việc”, Sreenivasan nói.
Chào mừng bạn đến năm 2016 và cách tiếp cận mới để tìm liên hệ với công việc mới.
Tất nhiên, một phần vì Sreenivasan đã có một mạng lưới hàng ngàn người quen biết và bản thân ông cũng là một người chuyên về mạng xã hội.
Vậy còn chúng ta thì sao? Đây có phải là cách tiếp cận thông minh với tình huống bị mất việc và tìm được việc mới nếu bạn chỉ có 500 người bạn trên Facebook thay vì 5.000 người bạn như Sreenivasan?
Đăng Facebook, có ngay việc làm?
Đúng thế, Sreenivasan nói. Chỉ cần làm việc đó theo cách nào phù hợp với bạn.
“Bạn không cần phải đăng một bài viết công khai trên Facebook,” ông nói. “Bạn có thể viết cho 15 người bạn thân thiết nhất và nói cho họ biết. Không phải là bạn cần phải nói cho một triệu người biết, mà là nói với những người có thể giúp bạn.”
Và đừng chỉ nói với họ bạn đang cần giúp đỡ. “Hãy thật chi tiết những việc bạn biết làm và bạn đang tìm kiếm gì vì thậm chí người bạn thân nhất cũng không biết chính xác công việc của bạn là gì hay những kỹ năng gì bạn có, hoặc bạn muốn làm gì,” ông nói.
Sau khi mất việc, Sree Sreenivasan đã đăng tin chi tiết lên cho hàng ngàn bạn Facebook biết |
Bài học cẩn trọng từ mạng xã hội
Đừng đợi cho đến khi bạn cần mới kết nối với mọi người.
“Hãy tiếp cận mọi người ngay cả khi bạn không cần họ. Hãy xây dựng mạng lưới của bạn khi bạn không cần họ. Kết nối với mọi người khi bạn không cần họ,” ông Sreenivasan nói.
Điều đó có thể đơn giản như việc cho ai đó biết bạn đang nghĩ gì về họ bằng vài dòng tin nhỏ, một cuộc gọi ngắn hoặc thậm chí chỉ là một bình luận hay vài cái “thích” trên Facebook.
“Đó là tất cả những gì bạn phải làm, và điều đó sẽ đem lại nhiều hệ quả tốt cho bạn,” ông nói. Sau đó, khi bạn cần họ trong một tháng hay một năm sau đó, sẽ dễ dàng hơn vì bạn đã có liên hệ với họ, nhưng không phải vì bạn muốn xin xỏ điều gì. “Đó là thứ mà mạng xã hội cho phép bạn làm,” ông nói.
Việc làm này cũng có thể giúp bạn bước vào những kết nối rộng hơn, đó là nơi bạn có khả năng tìm thấy việc làm nào đó, theo Claudia Jonczyk, phó giáo sư tại trường kinh doanh ESCP Châu Âu chi nhánh tại London nói.
Mọi người thường nhầm lẫn là các đầu mối dẫn đến công việc và lời giới thiệu chỉ đến từ các quan hệ thân cận của họ. Nhưng những người quen lại “có xu hướng chỉ có cùng loại và mức độ thông tin như bạn mà thôi,” Jonczyk nói.
Thay vào đó, vẫn còn “nhiều nơi có thông tin ở xa hơn”, những người họ biết hoặc có thể biết ai đó hay thứ gì đó có thể giúp bạn trong quá trình tìm kiếm.
Dấu vết vĩnh viễn
Khi quyết định sẽ viết gì trong thông điệp đăng tải, một điều rất quan trọng là “luôn nhớ trong kỷ nguyên kỹ thuật số của chúng ta, mọi thứ ta làm đều sẽ để lại dấu vết vĩnh viễn,” Adam Lloyd, chủ tịch của công ty Webber Kerr Associates có trụ sở ở Florida chuyên về tìm kiếm nhân sự cao cấp trên toàn cầu, nói.
Vì thế hãy tỏ ra chuyên nghiệp trong các nội dung đăng tải trên mạng xã hội của bạn.
“Nếu thông điệp của bạn không chắc chắn, đừng đăng tải nó.” Luôn tự hỏi chính mình, “Tôi cần phải đạt được gì từ điều này?” Lloyd gợi ý, và “Tôi sẽ mất gì?”
Khi viết một nội dung thù hằn về chủ lao động cũ, bạn có thể thấy dễ chịu vào lúc đó, nhưng đăng tải những nội dung như vậy là nên tránh, kể cả khi bạn cảm thấy có nhu cầu cần cảnh báo cho thiên hạ biết về một người sếp không thành thật hoặc một nét văn hoá công ty không tốt.
Loại nội dung này có thể khiến bạn được chú ý trên mạng xã hội, nhưng “những chủ lao động tiềm năng trong tương lai của bạn có thể xem hành động này của bạn là không hay và có thểnghĩ về bạn với với nguy cơ cao và vì thế bạn đã tự chặn đường của mình,” Lloyd nói.
Lloyd đề nghị hãy dừng lại một chút trước khi bấm nút đăng tải. “Nếu bạn quyết định công khai, tôi đề nghị bạn tránh những phản ứng tức thời, cảm tính, không bao giờ tấn công cá nhân, không tiết lộ thông tin độc quyền, hãy để sự thật thể hiện và hãy tỏ ra tích cực,” ông nói.
Thêm vào đó, hãy chú ý bạn đang đăng tải nội dung đó ở đâu. “Linkedin có thể không phải là nơi phù hợp để đăng tải một nội dung mà bạn định đăng trên Facebook,” ông nói.
Việc đăng gì còn phụ thuộc vào việc bạn ở đâu, Jonczyk cho biết. “Bị cắt giảm công việc là đề tài cấm kỵ ở Pháp, Đức hơn so với nhiều quốc gia có thị trường việc làm dồi dào hơn với ít rào cản hơn,” bà nói.
Vì thế, có nhiều yếu tố cần cân nhắc khi quyết định bạn nên đăng tải hay không đăng tải gì.
Loại việc làm bạn đang tìm kiếm có thể giúp bạn quyết định liệu bạn có muốn chia sẻ tin tức công khai hay không, theo Lisa Rangel, giám đốc quản lý của công ty ChameleonResumes.com có trụ sở ở New York cho biết.
“Nếu mạng xã hội và truyền thông kỹ thuật số là một phần của công việc mà bạn muốn tìm kiếm, thì việc thể hiện các hoạt động trên mạng xã hội là cách thông minh để chứng tỏ kỹ năng,” bà nói. Nhưng, “nếu công việc bạn đang tìm kiếm là công việc cần bảo mật hay nhạy cảm, công khai tìm kiếm có thể không phải cách làm tốt nhất và bạn cần có quyết định tuỳ theo từng trường hợp.”
Dù bạn đang tìm kiếm điều gì, hãy tránh nói bất cứ gì nhằm hạ bệ sếp cũ hay chủ lao động cũ, dù là trên mạng hay nói ngoài đời, Rangel cho biết. “Đó là chiến thuật chẳng bao giờ có hiệu quả.” Thay vào đó, “hãy coi việc ra đi như một lần để học hỏi, có thêm trải nghiệm.”
Và ta cũng có thể xem cách tiếp cận của Sreenivasan. “Trong thời đại mà sự xác thực và tính khiêm tốn là thứ xa xỉ, [ông ấy] đã hành động nhân bản hơn và khiến chính ông dễ bị tổn thương,” Lloyd từ công ty Webber Kerr nói.
“Không phải là bất cẩn, nhưng hãy minh bạch và thành thật. Thêm vào việc thể hiện một tình huống không mong muốn, [ông ấy] đã đi xa hơn bằng cách nâng tình huống đó thành cơ hội học hỏi và kết nối.”
Nguồn: http://www.bbc.com/vietnamese/vert-cap-38017427
Có thể bạn muốn xem
Bệnh tật ư? Sao phải cam chịu
Phong cách quản lý và giữ chân nhân tài của người Nhật
Thao thức tiếng rao khuya
Cảm ơn vì đến trễ – Thomas L.Friedman
Lượng tử và Hoa sen
Văn chương trẻ trong dòng chảy đô thị sáng tạo
Chiến Tranh Tiền Tệ – Sự Thống Trị Của Quyền Lực Tài Chính
Cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên Mông thế kỷ XIII
Nếu bị đuổi việc, hãy chia sẻ trên Facebook