Mới đây, làng văn trong nước lại xôn xao khi phát hiện thêm một vụ đạo văn mà người đạo không phải ai xa lạ, là một người đã có chục đầu sách được xuất bản, từng nhận nhiều giải thưởng lớn nhỏ.
Nhân vật được đề cập đến là tác giả Kai Hoàng, theo giới thiệu từ trang Văn chương phương Nam (Hội Nhà văn TPHCM) là hội viên Hội Văn học nghệ thuật Bà Rịa – Vũng Tàu, hiện đang sống và làm việc tại Bà Rịa – Vũng Tàu.
Tác phẩm được nhắc đến là truyện ngắn Thư viện đăng trên website của Tạp chí Tiếp thị & Gia đình vào ngày 7-7-2019. Dù đã đăng từ năm ngoái, nhưng vụ việc vẫn bị độc giả phát hiện.
Cụ thể, truyện ngắn Thư viện đã đạo từ tình huống đến nhân vật, chi tiết… từ truyện ngắn Biến mất ở Thư Viên của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, từng được in trong tập truyện ngắn Đảo do NXB Trẻ phát hành vào năm 2014.
Điều đáng nói là trước thời điểm truyện ngắn Thư viện đăng trên Tạp chí Tiếp thị & Gia đình không lâu, tác giả Kai Hoàng cũng đã ngang nhiên đạo truyện ngắn Những biển của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, “chế tác” thành Biến mất gửi tham gia cuộc thi mà chính nhà văn Nguyễn Ngọc Tư làm giám khảo.
Chưa dừng ở đó, truyện dài Ngày hôm qua mắt biếc (NXB Phụ nữ) của Kai Hoàng ra mắt vào đầu năm 2018 cũng bị độc giả phát hiện ra “đạo” từ Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ của nhà văn Nguyễn Ngọc Thuần. Không cần đến một nhà phê bình chuyên nghiệp, với một độc giả bình thường, chỉ cần đọc 2 câu đầu tiên của Ngày hôm qua mắt biếc ít nhiều cũng có cảm giác na ná.
Năm ngoái, khi sự việc bị phát lộ, phóng viên đã liên hệ với tác giả Kai Hoàng thì được anh này lý giải rằng, do đọc nhiều truyện của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, nên nhìn vào đề tài đã không lường trước được hậu quả khi tình tiết do anh viết ra nó tự tuôn một cách không ý thức. Kai Hoàng cũng cho rằng đây là bài học lớn và sẽ nghiêm túc nhìn nhận lại bản thân.
Sau những vụ đạo văn liên tiếp, lời giải thích “tự tuôn một cách không ý thức” khó mà chấp nhận được. Có lẽ Kai Hoàng cần phải đọc lại câu chuyện Cậu bé chăn cừu, sẽ tốt hơn là những lời thề thốt. Nhà thơ Trần Hoàng Nhân không giấu được ngán ngẩm: “Văn thơ muốn viết có chi khó? Viết dở cũng có sao đâu! Ai lại đi chôm chỉa, tệ hơn bọn móc túi vì chén cơm manh áo”. Vậy nên, nếu còn có lòng tự trọng, có lẽ Kai Hoàng không nên cầm bút nữa!
QUỲNH YÊN/SGGPO
Có thể bạn muốn xem
Mắc kẹt
Kho báu Kinh thành Huế sau ngày Thất thủ Kinh đô
Uống cafe trên đường của Vũ
Thẩm bia thấu bia
“Con nhân mã ở trong vườn” trở lại với diện mạo và bản dịch mới
The Leadership Lab – Bí quyết lãnh đạo trong kỷ nguyên số
Tử tế với bản thân
“Kiến Phật” – Hành trình tìm chốn an bình cho tâm hồn
“Giải cứu” sách