James George Frazer (01/01/1854 – 07/05/1941) là nhà nhân học người Scotland. Ông là một trong những người sáng lập nền nhân học hiện đại, đặc biệt là nhân học xã hội theo trường phái tiến hóa luận ở Anh, và tôn giáo học so sánh cũng như huyền thoại học.

……

Lửa là một phát minh quan trọng và vĩ đại nhất của con người. Đó chính là khởi nguyên của huyền thoại. Nghiên cứu các huyền thoại về nguồn gốc của lửa, cũng chính là lĩnh hội được cách ứng xử, cách nghĩ của người cổ sơ để giải quyết một vấn đề trước mắt, hay rộng hơn, trí tuệ con người đặt trong mối quan hệ với những hiện tượng thiên nhiên hay với hiện tượng tinh thần. Trong công trình này. Frazer đã tổng hợp và phân tích tất cả các giai/huyền thoại về nguồn gốc của lửa rộng khắp trên các khu vực của thế giới, như châu Phi, châu Úc, châu Á, châu Mỹ, khu vực Melanesia, Polynesia và Micronesia ở Thái Bình Dương, ở Hy Lạp và Ấn Độ cổ đại. Dựa trên các kết quả nghiên cứu của mình, Frazer đã khái quát thành ba thời đại theo chuỗi tiến hóa -thời đại chưa/ không có lửa, thời đại dùng lửa, thời đại làm ra lửa. Bên cạnh đó, ông chỉ ra sự tương đồng đáng kể giữa các mô típ huyền thoại (về thần giữ lửa, đối tượng đánh cắp lửa, phương thức lấy lửa, dụng cụ tạo lửa, các loại gỗ giữ lửa) ở những khu vực hoàn toàn khác nhau. Những cứ liệu này được ông trình bày theo ý nghĩa tâm lý học và tiến hóa luận thay vì dựa trên bối cảnh địa lý và văn hóa của nó.

Có thể nói J.G. Frazer là nhà nhân học phòng giấy vĩ đại cuối cùng. Sau ông, ngoài tiến hóa luận thì nhân học đã có những lối đi khác như truyền bá luận, cấu trúc luận, thuyết tương đối văn hóa… Bởi vậy xuất hiện hàng loạt các nhà nhân học thực địa, nhất là ở Mỹ như F. Boas, M. Mead,  R.  Benedict…  Họ  đã  trình  hiện những tác phẩm khác với của Frazer. Nhưng cách tư duy, cách chọn vấn đề nghiên cứu, tinh thần làm việc,… của James Frazer, thì vẫn là những bài học quý báu với thế hệ sau. Và, cũng như vậy, Các huyền thoại về nguồn gốc của lửa, hay Cành vàng, cũng như những công trình khác của James Frazer tuy không còn giá trị chuẩn tắc trong lĩnh vực nhân học hay nhân học văn hóa nữa, nhưng giá trị tư liệu của chúng với tư cách là “bách khoa thư về văn hóa nguyên thủy” vẫn còn trường tồn, và có tầm quan trọng đặc biệt đối với ngày nay.

Bởi vậy, để góp phần cho sự phát triển ngành nghiên cứu văn hóa, nhân học văn hóa ở Việt Nam, tủ sách Văn hóa học trân trọng giới thiệu tới đông đảo bạn đọc Các huyền thoại về nguồn gốc của lửa qua bản dịch từ tiếng Pháp của dịch giả Ngô Bình Lâm với sự hiệu chỉnh theo nguyên bản tiếng Anh của Phạm Minh Quân. Bên cạnh những công trình khác đã được giới thiệu, chúng tôi hy vọng ở  trong tay bạn đọc, cuốn sách này sẽ trở thành một tư liệu quý phục vụ cho sự trích dẫn, tham khảo và những nghiên cứu liên hệ so sánh với văn hóa Việt Nam.

Hà Nội, tháng 5-2017

Đỗ Lai Thúy