Hai tác phẩm về nước Ý của Trương Anh Ngọc.

Yêu bóng đá Ý, rồi học tiếng Ý và không ít lần trải nghiệm những chặng đường nước Ý, trước khi dấn thân vào cuộc sống ba năm ở nơi này, với tác giả Trương Anh Ngọc, Ý là nơi đặt chân đến để trở lại.

Năm 2012, Trương Anh Ngọc viết “Nước Ý, câu chuyện tình của tôi” với tất cả sự say mê, háo hức và cảm xúc đầy ắp của một tình yêu mới khám phá, có đắm say, có hồi hộp, xen lẫn những bất ngờ và những điều mới mẻ… Sau năm năm, cũng là sau khi kết thúc nhiệm kỳ thứ hai làm Trưởng Cơ quan thường trú TTX Việt Nam ở Roma (2013-2016), Trương Anh Ngọc đã gom tất cả những gì mình có được về nước Ý đưa vào cuốn sách “Nghìn ngày nước Ý, nghìn ngày yêu”, ở một độ đằm và một chiều rộng khác hẳn. Sách do Nhã Nam ấn hành.

Ba năm, hơn một nghìn ngày, Trương Anh Ngọc đã tìm ra nhiều cách khác nhau để khám phá nước Ý. Một mặt, anh vẫn say mê chinh phục những điểm đến trên khắp nước Ý, “thưởng thức” những nơi đó cả về cảnh vật, văn hóa và con người với sự đam mê dường như không vơi cạn. Puglia – xứ sở ô liu, Etna – ngọn núi lửa huy hoàng, Cinque Terre – những ngôi nhà lô xô ra sát biển, Siena – thành phố cổ trầm mặc 2000 năm tuổi, thậm chí nơi anh đã từng đặt chân đến rồi như Toscana… đều đem lại cho anh những sắc màu cảm xúc phong phú.

Một trong những thứ của nước Ý khiến Trương Anh Ngọc say mê chính là cà phê. Món đồ uống phổ biến trên toàn thế giới lại lại mang những màu sắc riêng, hương vị riêng, theo cách chế biến của người Ý. Nhưng, điều quan trọng hơn mà tác giả phát hiện ra, là không phải người Ý thích cà phê đơn thuần, mà họ thích cái hồn của cà phê, cách mà họ có thể cùng nhau quây quần bên tách cà phê buổi sáng, “buôn chuyện” về đủ đề tài trên trời dưới biển, cách mà họ tạo ra một “mạng xã hội” thú vị, hấp dẫn và có trước cả Facebook, cách họ sống chậm thông qua cà phê… Trên hết, đó là cả một nghệ thuật đã thấm đẫm tinh thần của người Ý qua hàng trăm năm, không có gì thay thế được. Đến mức, khi một quán cà phê của Ý đổi chủ qua người Trung Quốc, vẫn những món đồ uống đó, người chủ mới luôn cố gắng cởi mở, chiều khách, cùng với việc giữ nguyên những bài trí của quán, nhưng sự thực là “cà phê bây giờ tôithấy không ngon nữa’, bởi vì những người chủ mới: “họ không xuất thân từ nơi này, không thuộc về nền văn hóa ở đây và có lẽ không hiểu gì nhiều về văn hóa bản địa”. Và với Trương Anh Ngọc, anh đã thấm được rằng “Một quán cà phê Ý luôn là một không gian Ý, không phải chỉ đơn thuần nói đến những tách cà phê, về vị của nó ngọt hay nhạt, pha nhiều hay ít sữa. Cà phê là văn hóa, không chủ là uống, mà còn là văn hóa sống, không gian sống, như thế đấy”.

Tác giả tại một quán cà phê quen ở Roma.

Và, không thể không nhắc đến Pizza. Qua “Nghìn ngày nước Ý, nghìn ngày yêu”, người ta mới thấy được có lẽ chỉ ở Ý mới còn lại nguyên vẹn cả một “dây chuyền” làm bột, nướng bánh kiểu thủ công, trong khi máy móc công nghiệp, lò nướng điện hiện đại lên ngôi khắp nơi, thậm chí len lỏi vào từng căn bếp của mỗi gia đình.La Rennella là một quán nhỏ ở Rome, một “thế giới thu nhỏ mà bản thân khu dân cư cổ kính và được cho là vẫn còn giữ nguyên những nét sống và ngôn ngữ của Roma nhiều thế kỷ trước…”. Quán nhỏ, cũ, cổ kính, nhưng “tủ kính xập xệ của quán chất đầy những miếng pizza, bánh ngọt các loại. Một cậu hay cô nhân viên có nụ cười dễ mến lúc nào cũng đứng cạnh cái cân, sẵn sàng cắt bánh cho khách theo yêu cầu, sau đó ném tất cả lên bàn cân và rồi tính tiền…” Trong những quán ăn kiểu như thế này, đầy rẫy ở Roma, luôn “kiểu gì cũng có những lò nướng bánh hoặc lò nướng thịt, hoặclò gỗ theo kiểu ngày xưa, hoặc lò gạch xây như bây giờ..” “Ánh lửa hồng là thứ không thể thiếu được trong những nơi như thế”. Thậm chí ở Ý có cả một vị thánh luôn phù hộ cho những căn bếp của các quán luôn có ánh lửa bập bùng: Thánh Lorenzo. Ở những nơi này, McDonalds’s dường như không tồn tại, nếu có cũng rất ít, chỉ đếm được trên đầu ngón tay, chủ yếu dành cho giới trẻ và du khách…

Cứ như thế, những “giọt” văn hóa Ý qua ngòi bút của Trương Anh Ngọc thấm đẫm trong từng trang sách. Ẩm thực, cảnh vật, con người, lối sống, văn hóa… tất cả đều rất đỗi thân quen, như là quê hương, là gia đình thứ hai của anh. Như lời đề tựa “Không ào ạt mạnh mẽ như thủa ban đầu, câu chuyện tình với nước Ý của Trương Anh Ngọc giờ đây đằm thắm hơn, nồng đượm hơn, giống như ly rượu vang vùng Chianti Classico, cuốn ta vào những niềm yêu ngây ngất”…

TUYẾT LOAN. Ảnh: FB tác giả.