Bản đồng ca rực rỡ của thanh xuân

Thuộc thế hệ 9X, Thái Cường là một cây bút trẻ hiếm hoi có ý thức làm mới mình qua từng tác phẩm. Sau 2 tiểu thuyết Những mảnh mắt nhìn và Gam lam không thực, mới đây Thái Cường vừa ra mắt cuốn tiểu thuyết thứ 3 bằng cái tên gợi nhiều tò mò: Người chết thuê, do NXB Tổng hợp TPHCM ấn hành.
Người chết thuê bắt đầu với cuộc tìm kiếm người bạn cũ thất lạc, từng dòng ký ức đan xen vào thực tại với những đoạn tình cảm mãnh liệt đến lý trí không cản nổi. Nhưng liệu tác phẩm này chỉ giản đơn như thế? Còn gì có thể gây ấn tượng với người đọc hơn suốt gần 200 trang truyện?

Phong cách khẩu ngữ

Lấy bối cảnh cuộc sống đường phố làm chủ đạo, ngôn ngữ của Người chết thuê có phần bình dân, thậm chí bỗ bã, chợ búa, phong cách khẩu ngữ được tận dụng triệt để sao cho phù hợp chủ đề chính, tôn lên nét đặc trưng trong tính cách nhân vật.
Các đoạn hội thoại diễn ra không bị gượng, gần gũi như chính chúng ta nói chuyện ngoài đời với nhiều kiểu nói chệch chữ riết thành quen như “hông”, “mần”, “chi”, “chớ”…, có cả những câu chửi thề nghe rõ đốp chát nhưng rất tự nhiên, đúng chất xuất phát từ lớp người lang bạt nay đây mai đó.

Văn hóa thập niên 1990

Trong Người chết thuê, chỉ có hai mốc thời gian chính là năm 1994 và 2007, và phần lớn mạch truyện diễn ra ở thì quá khứ khi các nhân vật đã bước vào độ tuổi trung niên, hồi tưởng lại quá khứ bên nhau.
Vì lẽ đó, cái không khí thập niên 1990 gần như bao trùm, được tái hiện sinh động qua những đồ dùng, vật phẩm, thú vui như lật đật Liên Xô, phích nước hoa cúc, chơi cá mía, bông vụ, sưu tầm tem, đi hội chợ, kiểu tóc bờm sư tử, tóc dài lãng tử, chương trình ca nhạc Mưa bụi, các bộ phim Độc Cô Cầu BạiSở Lưu HươngThần điêu đại hiệp
Góp phần vào “phục dựng” quá vãng vàng son ấy còn có cách phiên âm kiểu cũ như lô-tô, mô-tô, ba-gian, gờ-ra-nít, la-de, sa-rê, cát-sét… tạo được lòng tin nơi người đọc, như thể chúng ta không phải trở về mà đang thực sự sống trong không gian của truyện.

Cân bằng giữa chính và phụ

Hiếm có tiểu thuyết nào như Người chết thuê khi các tuyến nhân vật chính và phụ đều có chỗ đứng nhất định trong tiến trình câu chuyện. Bách, Minh và Phượng chiếm thời lượng cao, xuất hiện xuyên suốt nhưng Dĩ, Hương cùng không ít nhân vật khác cũng kịp để lại nhiều ấn tượng với cá tính của mình.

Thủ pháp xây dựng nhân vật như thế vừa mở rộng được tuyến truyện, vừa không làm người đọc bị “ngấy” trước nội dung chỉ tập trung vào mạch chính. Đặc biệt, cách khắc họa Bách chính là điểm sáng nhất truyện khi để cho nhân vật này hoàn toàn hiện lên dựa trên góc nhìn của người khác, nhờ thế vương vấn nhiều suy tư đa chiều nơi độc giả.

Tác giả Thái Cường sinh năm 1992, tốt nghiệp Cử nhân Tài năng Văn học (Trường Đại học KHXH&NV TPHCM)

Tình nhỏ nhưng không mau quên

Mối tình trai giữa Bách và Minh là “trái tim” của Người chết thuê, nhưng đây không phải là yếu tố chính để nhận định đây là tiểu thuyết đồng tính. Cái hay của truyện nằm ở chỗ không dùng mối quan hệ cùng giới nhằm câu khách cùng các kiểu tình tiết sáo mòn.
Các nhân vật cứ sống, nhận ra sự biến chuyển của bản thân, tình cảm nảy sinh từ những xao động và không việc gì phải xác định mình sẽ biến thành người như thế nào, chỉ giản đơn hòa vào thực tại, nói lời yêu với người mình thật lòng dành tình cảm, chẳng quan trọng người đó phải là nam hay nữ.

Minh từng yêu Bách là sự thật, về sau Minh lập gia đình, thành công trong sự nghiệp là sự thật, kể cả Minh có quên Bách chăng nữa cũng không có gì bất ngờ, vì cuộc đời vốn dĩ luôn đầy rẫy dở dang và hối tiếc. Có muốn hay không, mối nhân duyên mùa hè năm ấy đã khép lại, chỉ là tình nhỏ đâu có nghĩa lúc nào cũng là tình mau quên.

Đằng sau nhan đề gợi tò mò 

Điểm “đập” vào mắt người đọc trước hết ở Người chết thuê có lẽ là nhan đề, nhưng một khi đã trải nghiệm toàn bộ tác phẩm, điều đọng lại nơi độc giả rõ ràng nhiều hơn thế.
Bạn sẽ nhận ra rằng đôi lúc không cần phải thưởng thức một cốt truyện đầy chiều sâu, cố gắng gánh gồng, nhồi nhét quá nhiều tri thức, triết lý, thể hiện cái tôi người viết mới làm mình trở nên “đẳng cấp”.
Cách dẫn dắt chân phương mà vẫn đủ để chạm tới tận gốc của những miền hồi ức ai cũng từng trải qua quả thật đã biến tiểu thuyết này dễ “gây thương nhớ”, khiến người ta muốn đọc đi đọc lại ở nhiều thời điểm khác nhau, chứ không phải chóng làm mình thích thú rồi thoáng chốc quên ngay sau lúc đọc.

theo HỮU LỘC/SGGPO