Bản in đầu của “Vang bóng một thời” với thủ bút của tác giả |
Ngày 8-9-2017, tại Đường Sách TPHCM sẽ khai mạc triển lãm đặc biệt có chủ đề “Về chốn thư hiên”.
Sự kiện bao gồm nhiều hoạt động ý nghĩa như, trưng bày các ấn phẩm quý hiếm được xuất bản tại Việt Nam trước năm 1945, tọa đàm và đấu giá sách quý vì mục đích từ thiện.
Công ty TNHH Đường sách, Quán sách Mùa Thu và Trà Quế Studio – DT Book cùng phối hợp thực hiện cùng sự tham gia của các nhà sưu tập sách uy tín trong nước hiện nay.
Sau thành công của chuỗi hoạt động chủ đề “Sự tinh tế song hành cùng tri thức”, sự kiện “Về chốn thư hiên” lần này tại Đường sách được kỳ vọng tiếp tục mang đến cho người yêu sách những ấn tượng khó quên bên những trang sách đã ngả màu thời gian.
Tác phẩm đầu tay của Nguyễn Tuân Vang bóng một thời do nhà in Tân Dân – Hà Nội xuất bản lần đầu năm 1940. Ngay khi vừa trình làng, Vang bóng một thời đã được các văn nghệ sĩ và công chúng hết sức đón nhận, tán dương và đưa tên tuổi tác giả nhanh chóng nổi tiếng.
Tác phẩm này đã được tái ngộ bạn đọc rất nhiều lần và vẫn được biết bao thế hệ bạn đọc ủng hộ.
Bên cạnh đó phải kể đến bộ ấn phẩm Kim Vân Kiều tân truyện, được xuất bản vào những năm 1884 – 1885. Bộ sách gồm ba cuốn của nhà Đông phương học người Pháp, Albel Des Michels, trong đó có hai cuốn song ngữ Việt – Pháp và một cuốn chữ Nôm.
Có thể nói bản tiếng Pháp của Kim Vân Kiều tân truyện do Abel des Michels dịch và Ernest Leroux xuất bản tại Paris năm 1884 đã đánh dấu lần đầu tiên Truyện Kiều của Nguyễn Du được bước ra khỏi không gian văn hóa Việt Nam. Từ đó đến nay đã hơn 130 năm trôi qua, trong bề dày của lịch sử tiếp nhận Truyện Kiều, sự kiện vẫn là một cột mốc đáng chú ý.
Điểm nhấn của chuỗi sự kiện “Về Chốn thư hiên” lần này là buổi tọa đàm “Ngành xuất bản Việt Nam hiện nay – Thực trạng và triển vọng”, diễn ra vào lúc 8 giờ 30 sáng chủ nhật ngày 10-9-2017, với diễn giả là Nhà nghiên cứu và phê bình văn học Vương Trí Nhàn.
Nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn sẽ phân tích về tình hình đời sống thực tế của ngành xuất bản hiện nay trong tương quan so sánh với sự phát triển xuất bản của nhiều quốc gia khác. Ông còn cung cấp nhiều thông tin về lịch sử xuất bản ở Việt Nam thời Trung cổ và thời Pháp thuộc cũng như những ảnh hưởng của một số đời sống xuất bản các nước đến Việt Nam.
Những nỗ lực của các nhà làm sách trong việc mang trở lại những giá trị văn hóa tinh hoa từ thế hệ trước cho người đọc hôm nay hay chuyển ngữ nhiều sách ngoại văn là đáng ghi nhận. Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế nhất định mà khi thẳng thắn nhìn nhận sẽ tạo thêm động lực và cơ sở để các đơn vị xuất bản, để giới chuyên môn có cách làm hay hơn, tốt hơn nữa; mang lại nhiều lợi ích tốt đẹp cho bạn đọc thông qua các ấn phẩm có giá trị.
Ông Lê Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, Giám đốc Công ty Đường sách TPHCM cho biết: Sau buổi tọa đàm, là phần đấu giá cuốn sách Nằm vạ của tác giả Bùi Hiển, do Nhà xuất bản Đời Nay ấn hành năm 1941. Sách là bản đặc biệt có thủ bút chữ ký của tác giả tặng nhà văn Vũ Ngọc Phan. Toàn bộ số tiền đấu giá được sẽ được dùng cho việc thành lập Thư viện Nguyễn An Ninh do quỹ Hoa Sen tổ chức và thực hiện. Việc thành lập thư viện này sẽ tạo điều kiện thiết thực để các nhà nghiên cứu tiếp cận được các tài liệu gốc của cụ Nguyễn An Ninh.
Vào tháng 11 năm ngoái, chương trình trưng bày các sách xưa quý hiếm và chuỗi hoạt động triển lãm chủ đề “Sự tinh tế song hành cùng tri thức” và Tọa đàm “Bản đặc biệt – Nàng thơ của nhà sưu tầm”; cùng buổi đấu giá 2 cuốn sách quý cho cuộc vận động “Một quyển sách, một hạt gạo cho khúc ruột miền Trung” đã thu hút sự quan tâm nhiệt tình của các nhà sưu tầm, những người yêu sách, gắn kết giữa những nhà sưu tầm, người làm sách, doanh nghiệp cùng hướng đến những việc làm thiện nguyện mang ý nghĩa nhân văn cao đẹp.
Không chỉ độc đáo về nội dung, mà còn được trau chuốt về hình thức, sự kiện “Sự tinh tế song hành cùng tri thức” đã được bình chọn và vinh danh là 1 trong 10 sự kiện tiêu biểu nhất của Đường sách TPHCM trong năm 2016.
Đó là minh chứng cho thấy: giữa đời sống đô thị ồn ào với các loại hình văn hóa – giải trí hiện đại, những cuốn sách giấy, những ấn phẩm xưa vẫn có một không gian riêng ưu ái trong lòng những người đam mê sưu tầm và muốn lưu giữ lại dấu ấn đặc sắc một thời.
XUÂN THÂN
Có thể bạn muốn xem
FPT bí lục – Khám phá văn hóa doanh nghiệp tại FPT
Hướng nghiệp for Dummies
Làm mẹ với tâm Phật: Cùng con chào đời
Thánh giá rỗng
Công bố “Top 100 quyển sách đáng có trong tủ sách doanh nghiệp”
NỞ TÀN – Biên niên ký
Lời người Mandi hiện đại – Người yêu tiếng Việt trọn đời
Gió thổi (风) – Võ Thị Xuân Hà (Truyện ngắn song ngữ Việt-Hán)
Nhìn người như đếm cừu