Phạm Phương Lan thuộc thế hệ 7X, là gương mặt thơ nữ nổi bật hiện nay ở TPHCM. Trong vòng 10 năm, chị lần lượt cho ra mắt 5 tập thơ: Không là gió mây, Góc trọ hồn người, Giữ lửa thời @, Khâu tình và Sóng hát.
Có người nói, nhan sắc là một tài sản. Nhưng cũng có người ngại ngần “hồng nhan bạc phận” và “phụ nữ làm thơ thường đa đoan”. Phạm Phương Lan có cả hai: vừa có nhan sắc vừa biết làm thơ. Cuộc đời của chị liệu có êm đềm, hay trúc trắc như mấy câu thơ xuống dòng đột ngột.
Thơ là đời sống tinh thần thứ hai
Phạm Phương Lan người Đức Thọ (Hà Tĩnh), chưa đầy 20 tuổi, chị một thân một mình vào Cần Thơ chỉ vì mê giọng nói của người Nam bộ. Nhà có quán nước bên đường, thỉnh thoảng có mấy người tài xế đường dài dừng lại uống nước. Khi giọng nói của họ cất lên, không hiểu sao khiến Phương Lan mê mẩn.
Mùa hè năm đó, một số học sinh của bố từ Cần Thơ ra thăm thầy giáo cũ, hỏi Lan: “Em có thích vào Nam không?”. Không cần suy nghĩ lâu, chị gật đầu ngay: “Em thích lắm!”. Đến lúc làm đơn thi vào Khoa Văn – Sử, Trường Cao đẳng Sư phạm Cần Thơ, cả bố lẫn mẹ đều không đồng ý. Nhưng rồi cản không được, bố chị đành phải buông xuôi: “Thôi con cứ xem như một chuyến du lịch, nếu thấy không ổn thì về”. Ngày thi, mẹ chị thắp hương lên bàn thờ gia tiên cầu mong cho chị… thi trượt để trở về nhà.
Nhưng tính Lan là vậy, một khi đã quyết thì nhất định phải làm và làm một cách hoàn thiện nhất. Thậm chí đến lúc tốt nghiệp, bố mẹ vẫn gọi điện giục về, nhưng khi đó, mảnh đất và con người Nam bộ với sự phóng khoáng, hào sảng, chân chất đã trở thành một phần máu thịt, khiến cô gái Nghệ không nỡ rời xa. Phạm Phương Lan quyết định ở lại, xem xứ “gạo trắng nước trong” là quê hương thứ hai của mình. Chị ở đó hơn 10 năm, mãi cho đến năm 2006, vì biến cố gia đình, chị đành bỏ hết tất cả để lên TPHCM sống đến nay.
Khi thành phố vẫn đang hè, quán cà phê máy lạnh trở nên đông đúc và huyên náo. Dường như biết đám đông có câu chuyện của họ, không ai dự phần vào câu chuyện của ai. Vì thế mà chị khóc ngon lành, dù những giọt nước mắt ấy chỉ âm thầm lăn trên má, khiến đôi mắt chị đỏ hoe. Là vì chị đang nghẹn ngào cho mình, khi mưu cầu một mái ấm gia đình hạnh phúc như bao người đàn bà khác, nhưng đã không may mắn có được.
Với người khác, nhan sắc là một tài sản, còn với Phạm Phương Lan, nhan sắc lại là bất hạnh. Sự bất hạnh ấy chính là mầm mống khiến cả hai cuộc hôn nhân của chị đều đổ vỡ. Sau này, chị chấp nhận sự hẩm hiu ấy như số phận buộc phải thế. “Trong sự truân chuyên mà chị phải trải qua, có khi nào dù ít dù nhiều liên quan đến thơ?”. Thì như người ta vẫn nói “phụ nữ theo văn chương thường đa đoan” đó thôi.
Nhưng Phạm Phương Lan không nghĩ như vậy: “Tôi nghĩ những khó khăn, những chuyện buồn được tôi giãi bày vào thơ, chứ không phải thơ khiến cuộc đời mình trở nên truân chuyên. Thơ không vận vào đời tôi khiến tôi phải truân chuyên, ngược lại thơ chính là đời sống tinh thần thứ hai của tôi. Nếu không có thơ, cuộc đời tôi sẽ nhạt nhẽo lắm. Bởi thơ là niềm vui, là tình yêu; tôi làm thơ vì yêu thơ, không phải để thành nhà thơ hay để nổi tiếng”.
Sống sót sau bão giông
Giống như một cái cây, nếu không đủ mạnh mẽ thì qua giông tố, chắc chắn sẽ tơi bời. Còn ngược lại, nếu sống sót, cái cây đó sẽ trở nên vững chãi hơn bao giờ hết. Phạm Phương Lan cũng giống như cái cây sống sót sau bão. Đi qua giông bão giúp chị mạnh mẽ và lạc quan hơn về cuộc đời. Với chị, mọi thứ giờ nhẹ nhàng và đã ở lại sau lưng, như một câu thơ chị viết: Rồi tất cả sẽ là quá khứ/Yêu thương hôm nào cũng thế mà thôi.
Phạm Phương Lan chủ yếu viết về thơ tình, nhưng đến tập thơ Sóng hát là một tiếng nói khác của chị. Theo Phương Lan, Sóng hát chính là tiếng nói của một nhà thơ, đồng thời là của một công dân.
Chị bày tỏ: “Nhiều người nói vào Facebook của các nhà thơ nữ bây giờ chỉ toàn thơ yêu đương, tình ái; ý họ là các nhà thơ nữ không có trách nhiệm công dân. Nhưng họ đâu biết rằng, không nói đâu có nghĩa là mình không đau đáu, nói ra mới là yêu nước. Vấn đề ở đây là mình chọn nói ở đâu và nói như thế nào”.
Chị nói thêm: “Khi môi trường biển bị xâm hại, đặc biệt lại chính trên quê hương của mình, tôi đau lòng lắm. Là người cầm bút, mình phải dùng ngòi bút của mình để lên tiếng. Mình nói bằng cách nào để người đọc tiếp cận một cách nhẹ nhàng nhất mà vẫn thấu hiểu, vẫn nhìn thấy điều đang xảy ra, từ đó có sự trăn trở, biết mình cần phải làm gì”.
Theo chia sẻ của Phạm Phương Lan, những giông bão đã ở lại sau lưng, giờ là lúc chị cảm thấy phải sống cho mình. Lúc từ Cần Thơ lên TPHCM, từ một cô giáo dạy học, chị chuyển sang làm công việc hành chính tại một trường đại học.
Ngoài ra, vốn chịu khó nên chị không nề hà, gặp việc gì có thể chị cũng làm. Chị đặt kế hoạch tự trả lương cho mình vào năm 40 tuổi. Dù có muộn một chút nhưng lúc này chính là thời điểm chị thực hiện kế hoạch mà mình ấp ủ.
May mắn hơn những người làm thơ khác, Phạm Phương Lan nói giờ chị không phải bận tâm nhiều đến chuyện tiền nong, có thể trả lương cho mình, để dành cho những chuyến đi hay làm những công việc yêu thích.
Trong những công việc yêu thích mà Phạm Phương Lan muốn được làm, tất nhiên không thể thiếu thơ. Phạm Phương Lan cho biết: “Những đề tài mà tôi từng khai thác như tình yêu, hôn nhân hay các vấn đề xã hội gần như đã cùng kiệt. Vậy nên tôi xác định năm 2019 là một năm lắng hoàn toàn. Giống như một cái cây mùa đông, âm thầm tích nhựa để mùa xuân bung nở. Năm nay tôi muốn tích nhựa, tích lũy thêm vốn sống, những câu chuyện đời, cảnh đẹp quê hương để làm vốn, tiếp tục cho những tác phẩm tiếp theo”.
theo QUỲNH YÊN/SGGPO
Có thể bạn muốn xem
“Bữa tiệc” sách phong phú từ “Tháng Ba sách Trẻ”
Chung tay bảo vệ động vật, thực vật hoang dã
Phụ nữ hiện đại nghĩ giàu và làm giàu
Thủ lĩnh số thế hệ Y
Việt Nam qua tuần san Indochine 1941-1944
Trần Nhật Duật
”Lồng son” – thăm thẳm phận người
Thời Điểm Cất Cánh: Trao Quyền Để Phụ Nữ Thay Đổi Thế Giới
Phương pháp luận dân dã