Một cuốn chân dung “bạn văn, bạn đời, bạn giang hồ” kể về cái sự các nhà văn đã làm việc, đã sống với nhau thế nào, đặc biệt là trong thời đoạn hậu chiến, đất nước chuyển mình Đổi Mới với vô vàn khó khăn trắc trở cả về vật chất lẫn tinh thần. Các nhà văn, hay nói rộng ra là những người làm nghệ thuật bỗng lúng túng giữa trăm mối, trăm bề… Trong tập này, Trung Trung Đỉnh thẳng thắn thừa nhận: Có một thời người ta đã “đổ” cho nhà văn là “thư ký của thời đại” với những chức năng thực không liên quan trực tiếp tới văn học nghệ thuật. Nhưng ngay ở hoàn cảnh này, các nhà văn ta đã rất “dễ thương”, đã một lòng theo cái chức năng phục vụ nhân dân, phục vụ lợi ích cộng đồng ấy.
Trung Trung Đỉnh nhấn mạnh: “Nhà văn là gì thì cũng trước hết phải là một con người”. Nhưng không chỉ dừng lại ở mức hồi tưởng, ghi chép về một con người cụ thể, những chân dung của Trung Trung Đỉnh luôn được đính kèm một xác tín về nhân cách. Trong các bài viết, tác giả dẫn không ít các tác phẩm của những đối tượng mà mình quan sát: nhà văn, nhà nghiên cứu, dịch giả, nhạc sĩ,… chứng tỏ một sự đọc sâu sát, luôn trân trọng dõi theo thành quả lao động của những người bạn (đồng niên hoặc vong niên). Chưa hết, bức chân dung ấy còn là kết quả của việc “đọc” trực tiếp vào đời sống – những giao thiệp thường ngày hay cả những thói quen sinh hoạt, nhiều khi lại dự phần không nhỏ vào viêc hình thành cá tính của một con người.
Nhưng, điều quan hệ, có tính “thời sự”, theo Trung Trung Đỉnh lại là ở chỗ: “Nhà văn thì phải biết đùa”. Đó là cái đùa ở những nhân cách ý thức sâu sắc được sự nghiêm túc trong lao động chữ nghĩa, trong hành xử nhân sinh – một nhị nguyên xem ra lại rất nhất quán được Trung Trung Đỉnh phát hiện và thể hiện trong tập sách này. Anh dẫn ra những bậc tiền bối: Nam Cao, Vũ Trọng Phụng,… với lối viết (và cả lối sống) cực kỳ nghiêm chỉnh nhưng vẫn vẫn ẩn chưa đầy tính hài hước, trào lộng, được thể hiện trong cái dân dã của những nhân vật văn chương kinh điển: Xuân tóc đỏ, Bà Phó Đoan, Chí Phèo, Thị Nở… Rồi đến một loạt những gương mặt văn chương đương thời với những góc nhìn cũng rất “biết đùa”: Ù ờ như gã Bảo Ninh, Thầy thợ thợ thầy Phạm Ngọc Tiến, Phức tạp như Nguyễn Trọng Tạo, Phạm Xuân Nguyên – chém gió mà chém ngược chiều, Bùi Ngọc Tấn U(pper)80…
Tác giả: Trung Trung Đỉnh
Nhà xuất bản: NXB Trẻ
Công ty phát hành: NXB Trẻ
Có thể bạn muốn xem
Uống dòng suối núi
Nhà nghiên cứu Nhật Chiêu trò chuyện về ẩn ức cái đẹp trong tiểu thuyết “Kim Các Tự“
Vườn xưa dạo bước
Sự suy tàn và sụp đổ của Đế chế La Mã
Pháp sư
Tại sao nên chăm đi du lịch?
Cuộc thập tự chinh thứ nhất
Phương pháp phân tích nội dung truyền thông – lý luận và thực tiễn
21 kỹ năng trí thông minh nội tâm