Tiểu thuyết Nợ nước non là tập 1 trong bộ tiểu thuyết 3 tập Nước non vạn dặm của nhà văn Nguyễn Thế Kỷ. Bằng việc nghiên cứu lịch sử, văn hóa công phu, bằng sự trải nghiệm, tích lũy vốn sống nhiều năm ở quê hương Nghệ An và nhiều vùng đất khác, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ đã xây dựng hình tượng nhân vật, bối cảnh xã hội chân thực, sống động, lôi cuốn người đọc qua từng trang viết. Người đọc như được về thăm, tìm hiểu mảnh đất xứ Nghệ cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20.

Nhà văn Nguyễn Thế Kỷ tại họp báo ra mắt tiểu thuyết Nợ nước non

Chạm tới trái tim người đọc

Trong buổi ra mắt cuốn sách ngày 16-5 tại Hà Nội, tác giả Nguyễn Thế Kỷ thừa nhận, viết Nước non vạn dặm là một thách thức lớn bởi trước đây cũng có những cuốn sách đã trong trí nhớ của công chúng về Bác.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, cho rằng, để viết tiểu thuyết về một nhân vật lịch sử, một con người như Bác là một thách thức lớn.

“Trước đó, chỉ có nhà văn Sơn Tùng đã viết Búp sen xanh về thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh, và nay là Nguyễn Thế Kỷ. Tình yêu quá lớn của những người Việt Nam nói chung và của tác giả nói riêng dành cho Bác lại chính là thách thức khó khăn nhất. Nhà văn Nguyễn Thế Kỷ đã vượt qua được chặng đường đầu tiên một cách xuất sắc”, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nhận định.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cũng chỉ ra, nền tảng quan trọng nhất để nhà văn Nguyễn Thế Kỷ viết Nước non vạn dặm chính là tình yêu đặc biệt và thiêng liêng của ông dành cho Người. Với một tình yêu như thế, ông tự tin sáng tạo những chi tiết trong đời sống, những lời nói, suy nghĩ, hành động của Chủ tịch 

Hồ Chí Minh từ khi là cậu bé Cung cho đến khi là người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành mà ông không hề sợ “phạm lỗi”. Nhà văn Nguyễn Thế Kỷ không đi ngược lại những gì nhà văn Sơn Tùng hay những nhà văn khác đã viết về Bác, mà ông là người đóng góp một cách quan trọng để mở rộng chiều kích tâm hồn con người của Bác, mở rộng chiều kích tư tưởng Hồ Chí Minh trong cách nhìn của một nhà văn đang sống ở một thế kỷ có nhiều biến cố lịch sử.

“Tiểu thuyết mở đầu giản dị nhưng lớn lao và dội vào trái tim người đọc”, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều chia sẻ.

Dung dị và chân thực

Điều quan trọng là tác giả đã không “thần thánh hóa” một nhân vật lịch sử khi viết về thời niên thiếu của Người. Theo Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều, không ít nhà văn thường mắc phải cách viết này và điều đó có thể đem lại cảm giác thiếu tin cậy hoặc xa lạ với người đọc. Nguyễn Thế Kỷ đã kể câu chuyện về Bác với một tuổi thơ như bao cậu bé khác trên cuộc đời này. Những tư chất của một con người để sau này trở thành một vĩ nhân được hiện lên từng bước theo thời gian với những tác động của gia đình, của đời sống, của văn hóa và lịch sử thời cậu bé Cung đang sống. 

Cuốn tiểu thuyết Nợ nước non

GS Hà Minh Đức, người có nhiều công trình nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh, bày tỏ vui mừng khi nhà văn Nguyễn Thế Kỷ đã hoàn thành và cho ra mắt cuốn tiểu thuyết về Bác. “Khi có một cuốn tiểu thuyết viết về Bác bởi một người có niềm say mê đặc biệt với đề tài cách mạng, viết về những người yêu nước, những nhân vật lịch sử như tác giả Nguyễn Thế Kỷ là một điều đáng mừng”, GS Hà Minh Đức nói. 

Tiếp cận với tiểu thuyết của nhà văn Nguyễn Thế Kỷ từ sớm, nhà phê bình lý luận Bùi Việt Thắng cũng cho rằng, từ Búp sen xanh (tiểu thuyết xuất bản năm 1982) của nhà văn Sơn Tùng đến Nợ nước non (tiểu thuyết xuất bản năm 2022) của nhà văn Nguyễn Thế Kỷ, văn chương/tiểu thuyết đã tiến một bước dài đầy thành tựu trong việc khắc tạc hình tượng Người. Nợ nước non viết theo hướng tìm tòi về cội rễ đã nuôi dưỡng, hình thành, vun xới một nhân cách đặc biệt, một trí tuệ mẫn tiệp, một tinh thần vượt khó điển hình, một tính cách đầy cao vọng về độc lập và tự do, bình đẳng và bác ái cho đất nước và đồng bào của mình. 

Hai tập tiếp theo của bộ tiểu thuyết dự kiến sẽ ra mắt công chúng năm 2023, 2024 với tên gọi là Lênh đênh bốn biển và Người về.

Dịp này, Nhà hát Cải lương Việt Nam cũng cho ra mắt vở Nợ nước non – là sự kết hợp giữa nghệ thuật sân khấu cải lương và một số loại hình nghệ thuật truyền thống khác như dân ca ví giặm xứ Nghệ; ca Huế, bài Chòi khu 5 và dân ca Nam bộ.

MAI AN

nguồn: https://www.sggp.org.vn/no-nuoc-non-duoc-viet-tu-tinh-yeu-thieng-lieng-danh-cho-bac-814084.html