Luôn tự hào với những thành tựu đã đạt được nhưng chưa một phút giây nào cho phép mình tự mãn, doanh nhân Cao Thị Ngọc Dung vẫn không ngừng học hỏi và nhấn nút tái tạo cho chính mình cũng như cho tổ chức trên hành trình phát triển bền vững.
Học hỏi là vũ khí
Trên bàn làm việc của bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) luôn có ít nhất một cuốn sách. Đọc sách là một trong những cách để bà không ngừng học hỏi bởi dù ở giai đoạn nào thì sự lắng nghe và học hỏi vẫn luôn là vũ khí tốt nhất.
“Tôi chẳng nhớ mỗi tháng đọc bao nhiêu cuốn sách nhưng càng đọc tôi lại càng được mở ra những chân trời mới”, vị doanh nhân vừa bước qua tuổi 65 cho hay.
Nhờ tinh thần cầu thị đó cùng với nền tảng văn hoá doanh nghiệp vững chắc mà bà đã nhiều lần cùng doanh nghiệp thay đổi để tăng sức đề kháng, không chỉ đi ngược dòng trong khủng hoảng mà còn nắm bắt được cơ hội để đón đầu xu thế và vươn lên mạnh mẽ trên hành trình phát triển bền vững.
Nhớ lại thời điểm đầu thập kỷ trước, sau khi đọc cuốn “Dẫn dắt sự thay đổi” của tác giả John P.Kotter và cuốn “Thay đổi hay là chết” của Jason Jennings, bà đã cảm nhận được một thế giới mở và nhận thấy rằng đã đến lúc PNJ phải thay đổi nếu muốn phát triển trường tồn.
Năm 2012, PNJ bước vào một cuộc tái cấu trúc và chuyển đổi chiến lược từ một doanh nghiệp sản xuất sang hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ trang sức chuyên nghiệp, mời đơn vị tư vấn nước ngoài vào để chuẩn hóa hệ thống quản trị theo chuẩn quốc tế.
Xí nghiệp nữ trang PNJ thành lập năm 2012 được đánh giá là một trong những xí nghiệp chế tác nữ trang lớn nhất khu vực châu Á có công suất đạt trên 4 triệu sản phẩm/năm. Ngay sau đó, PNJ đồng thời mở trung tâm trang sức, kim cương và đồng hồ lớn nhất trên toàn hệ thống tại TP.HCM rồi mở rộng sang các tỉnh thành, nâng tổng số cửa hàng bán lẻ trang sức lên đến gần 200 cửa hàng trên toàn quốc. Tính đến nay, hệ thống PNJ đang quản lý và vận hành gần 400 cửa hàng bán lẻ vàng, bạc và các loại trang sức khác với hơn 7.000 nhân viên.
Một cuốn sách khác cũng dẫn dắt đến một lần thay đổi lớn khác của PNJ được bà Dung nhắc tới là cuốn “Nhấn nút tái tạo” của tác giả Satya Nadella in lần thứ nhất năm 2017 kể về sự chuyển mình bên trong Microsoft và làn sóng công nghệ đột phá đang ập tới nhân loại.
Bên cạnh rà soát cập nhật kế hoạch chiến lược 5 năm tiếp theo cho công ty, năm 2017, tiểu ban Chiến lược của PNJ định hướng xây dựng và theo dõi thực thi các chương trình hành động về hệ thống thông tin quản lý và chuyển đổi số hóa. Đây có thể xem là một bước chuẩn bị kỹ càng để PNJ bước vào một cuộc tái cấu trúc mới vào năm 2019 dù đang ở trên đỉnh, dù đang ở thời điểm lệch chu kỳ đánh giá 5 năm một lần.
Đẩy mạnh câu khẩu hiệu “Nhấn nút tái tạo – bứt phá vươn xa”, PNJ đưa vào triển khai hệ thống quản trị ERP cho toàn đội ngũ, chấp nhận một cuộc sàng lọc để giữ lại những con người có tố chất kiên định bám mục tiêu – một trong những giá trị cốt lõi của công ty. Song song đó, PNJ triển khai các công cụ khai phóng sức sáng tạo và phấn đấu của đội ngũ nhân sự, rồi “mổ nội soi” từng bộ phận để dần tái cơ cấu cấu trúc và cơ chế toàn tổ chức.
Giữ vững tinh thần đó với thông điệp “Nhấn nút tái tạo – F5 Refresh” năm 2020 và “Tăng tốc tái tạo – bứt phá vươn xa” năm 2021 mà PNJ liên tục ghi nhận những tăng trưởng kỷ lục dù bị đặt trong bối cảnh khủng hoảng do đại dịch Covid-19 gây nên. Bước vào năm 2022 hậu đại dịch với nhiều khó khăn, tình hình kinh tế vẫn còn biến động nhưng nhờ việc quản trị công ty hiệu quả, PNJ đã xuất sắc vượt qua những áp lực để tạo nên kỳ tích với doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt 28.535 tỷ đồng (vượt 10,5% kế hoạch) và 1.487 tỷ đồng (vượt 12,6% kế hoạch) chỉ sau mười tháng.
“Nhiều người nghĩ thay đổi là bất ổn nhưng thế giới VUCA đâu có bình thường, không thay đổi thì khó có thể tồn tại và phát triển”, bà Dung nhận định.
Cũng vì tư duy đó mà đầu năm 2022 khi chuyển đổi số đang mang lại cho PNJ nhiều quả ngọt thì HĐQT công ty đã họp bàn thành lập tiểu ban ESG để đẩy mạnh câu chuyện phát triển bền vững theo chuẩn quốc tế dựa trên ba trụ cột về môi trường, xã hội và quản trị công ty.
Tháng 12/2022, PNJ được vinh danh trong top 5 doanh nghiệp niêm yết quản trị công ty tốt nhất. Công ty cũng xuất sắc dẫn đầu top 10 doanh nghiệp thương mại dịch vụ trong top 100 doanh nghiệp phát triển vững 2022 của VCCI, top 5 doanh nghiệp được vinh danh cam kết nỗ lực thực hiện bình đẳng giới và quyền phụ nữ, top 50 công ty kinh doanh hiệu quả nhất Việt Nam.
Sự thay đổi của PNJ là điều tất yếu, một phần là vì bối cảnh nhưng một mặt vì tư duy của người lãnh đạo bởi lẽ như nhiều chuyên gia về quản trị từng nhận định, “văn hoá của người làm chủ quyết định văn hoá doanh nghiệp”.
“Ai nói tôi giỏi nhưng tôi thấy mình không giỏi, càng học tôi càng thấy mình thiếu. Tôi xác định phải học liên tục và thay đổi liên tục”, lãnh đạo PNJ chia sẻ.
Cái bản lĩnh dám thay đổi ấy đã ăn sâu vào DNA của bà Dung và của người PNJ từ những ngày đầu thành lập, từ cái ngày mà bà quyết tâm tiên phong xây dựng một doanh nghiệp tư nhân nhưng quản lý theo kiểu nhà nước vào 35 năm trước. Khi đất nước còn cấm vận, bà dám bỏ tiền đầu tư cho nhóm cán bộ chủ chốt sang Singapore, sau đó là Đức, Italy, để học hỏi về công nghệ nữ trang cao cấp và dây chuyền sản xuất hiện đại rồi về nhân rộng theo hình thức tự đào tạo trong tổ chức. Bản lĩnh dám đi ngược đám đông, dám nhìn xa để chấp nhận rủi ro bước đi tiên phong dẫn lối, bản lĩnh dám đưa tay nhấn nút F5 là điều mà không phải lãnh đạo nào cũng có.
“Người ta hay sống với hào quang của quá khứ, nghĩ mình giỏi rồi nên đóng cái sự học của mình lại. Tôi luôn nhắc mình có thể tự hào nhưng không được tự mãn, không bao giờ thấy mình hoàn hảo, không bao giờ bằng lòng và không bao giờ biết đủ. Tôi luôn làm mới mình ở từng giai đoạn”, bà Dung chia sẻ.
Tư duy này cũng được bà đưa vào trong hành trình “khai phóng nội năng” của PNJ thông qua việc khai mở các tiềm năng, giải phóng nguồn năng lượng, và sức sáng tạo bên trong của nhân viên. PNJ bỏ qua ranh giới của cấp bậc và chức vụ với niềm tin rằng dù ở công việc hay vị trí nào, từ lãnh đạo cho đến tạp vụ hay bảo vệ, thì mỗi người luôn mang trong mình một giá trị đóng góp cho sự lớn mạnh của tổ chức.
Cũng như câu chuyện tư duy cho chuyển đổi số, bà cho rằng, tư duy không thay đổi thì sẽ chẳng thể nào làm nên một sự chuyển đổi. Phải luôn cảnh giác rằng “tốt là kẻ thù của tốt nhất” như Jim Collins đã viết trong cuốn “Từ tốt đến vĩ đại.”
“Thế giới muôn màu, nếu biết nghe – đọc – nhìn thì sẽ học được nhiều thứ”, lãnh đạo PNJ nói.
Ngoài những bài học và sự vỡ lẽ đến từ sách, bà còn học được từ những người xung quanh, thậm chí chỉ một lời nói của người thợ thủ công, người công nhân và cả cô cháu gái nhỏ cũng giúp bà có một ý tưởng mới thú vị. Ở trong bối cảnh hiện nay, bà cũng đặc biệt trân trọng giá trị có thể học hỏi được từ những người trẻ năng động và sáng tạo.
Văn hoá là nền tảng
Kết thúc buổi tập Yoga đầu giờ sáng, nữ Chủ tịch PNJ tranh thủ dành thời gian vào thăm trang mạng Workplace của công ty. Bà thấy “chạm” trong tim khi đưa tay chạm vào màn hình xem từng bức ảnh, đọc từng dòng chữ chia sẻ tâm tư và tình cảm của các cán bộ nhân viên. Bà cảm thấy như được truyền năng lượng, được truyền một nguồn sức mạnh to lớn để khởi đầu một ngày làm việc bận rộn với lịch trình dày đặc vào thời điểm cuối năm.
PNJ đang chuẩn bị bước vào một giai đoạn mới khi năm 2023 tới đây sẽ đánh dấu tròn 35 năm hình thành và phát triển của thương hiệu chế tác và bán lẻ trang sức hàng đầu tại châu Á. Hỏi điều gì khiến bà tự hào nhất sau chừng đó thời gian nhìn lại, bà Dung cho biết đó là con người và văn hoá PNJ. Điều quan trọng nhất với bà là đã xây dựng nên một nền văn hoá bền vững. Những con người PNJ dù đã ra đi hay ở lại thì sau 35 năm nhìn lại đều mang trong mình một cái chất PNJ không thể lẫn vào đâu được.
Trong bối cảnh thế giới đầy bất ổn và khó đoán mà các chuyên gia cho rằng mọi giá trị đang bị thách thức và thậm chí có thể bị lật đổ dù đã tồn tại hàng nghìn năm thì điều đáng quý với PNJ là những giá trị cốt lõi đã làm nên cái chất của con người PNJ vẫn luôn được giữ vững.
“Tôi đang trong quá trình ngồi chiêm nghiệm lại, rõ ràng, các giá trị cốt lõi của PNJ không hề mất đi dù trải qua bao biến cố, dù thế giới có đổi thay. Chỉ là, các giá trị đó được làm giàu thêm qua năm tháng và phát triển theo thời đại”, bà Dung nói.
Dù có là một doanh nghiệp sản xuất như trước đây hay phát triển thành doanh nghiệp bán lẻ chuyên nghiệp, dù ở quy mô Việt Nam hay vươn ra quốc tế, dù là xí nghiệp nhà nước hay tổ chức tư nhân, dù Việt Nam chỉ mới bước vào thời kỳ đầu đổi mới hay đã tiến xa hơn trên hành trình 4.0 thì “chính trực để trường tồn, kiên định bám mục tiêu, quan tâm cùng phát triển, tận tâm vì khách hàng và tiên phong tạo khác biệt” vẫn luôn còn nguyên giá trị.
“Công ty có nền tảng văn hoá vững chắc sẽ phát triển bền vững”, Chủ tịch PNJ khẳng định.
Hướng về cột mốc 35 năm và nhìn về tương lai, bà Cao Thị Ngọc Dung vẫn vững niềm tin với tầm nhìn “đưa PNJ trở thành công ty hàng đầu châu Á về chế tác trang sức và bán lẻ sản phẩm tôn vinh vẻ đẹp, vươn tầm thế giới” với sứ mệnh “không ngừng sáng tạo để mang lại những sản phẩm tinh tế với giá trị thật để tôn vinh vẻ đẹp cho con người và cuộc sống”.
“Tôi tin tưởng vào thế hệ trẻ PNJ có thể đưa PNJ ngang tầm với các công ty đa quốc gia chứ không chỉ quy mô nội địa. Đặc biệt, đội ngũ lãnh đạo trẻ là nguồn lực mà tôi có niềm tin rất lớn, họ sẽ tiếp tục viết nên các câu chuyện mới”, bà chia sẻ.
nguồn: https://theleader.vn/nhan-nut-tai-tao-1674122176945.htm
Có thể bạn muốn xem
Soi Gương Bằng Người
Tác phẩm kinh điển “Hiệp sĩ Thánh chiến” lần đầu tiên được giới thiệu tại Việt Nam
THAY CÂU HỎI ĐỔI CUỘC ĐỜI
“Trả giá”: Cuốn tiểu thuyết li kì của Nga được dịch sang tiếng Việt
Nguyễn Phong Việt ra mắt tập thơ ‘Chỉ cần tin mình là duy nhất’
Hoan Châu ký
Mặc Kệ Thiên Hạ – Sống Như Người Nhật
Đừng tin mọi điều bạn nghĩ!
Chuyện phong thủy của Lầu năm góc