Cuốn “Phi công tiêm kích” của Đại tá Lê Hải kể nhiều câu chuyện hấp dẫn về cuộc sống, chiến đấu của các phi công anh hùng, cũng như những trường hợp hy sinh dũng cảm của họ.
Là một “người trong cuộc”, Đại tá phi công Lê Hải, Anh hùng LLVT, đã dành nhiều tâm sức để ghi lại cuộc sống, chiến đấu của các phi công tiêm kích anh hùng của QĐND Việt Nam trong cuốn sách Phi công tiêm kích của mình (NXB QĐND, 2004). Bên cạnh những chiến công vang dội, cuốn sách cũng có cả những tổn thất, hy sinh, trong đó, ông dành nhiều phần nói về những tấm gương dũng cảm của các liệt sĩ Võ Sĩ Giáp và Hoàng Thế Thắng.
Trường hợp hy sinh của liệt sĩ Võ Sĩ Giáp diễn ra trong trận không chiến ngày 8/5/1972. Để hỗ trợ cho biên đội MiG-19 của trung đoàn 925 đang không chiến ác liệt với 12 chiếc F-4 trên đỉnh sân bay Yên Bái, biên đội 2 chiếc MiG-21 do Phạm Phú Thái số 1, Võ Sĩ Giáp số 2 của trung đoàn 921 được giao nhiệm vụ cố gắng kìm giữ một bộ phận địch tại vùng trời Tuyên Quang.
“Bọn F-4 quần nhau kịch liệt với đôi Thái – Giáp. Chúng phóng nhiều tên lửa vào biên đội MiG-21. Số 1 Phạm Phú Thái, số 2 Võ Sĩ Giáp nhiều lần cơ động tránh tên lửa và tìm cách phản kích, nhưng chưa bắn trúng được quả tên lửa nào. Các anh biết biên đội MiG-19 của Trung đoàn 925 cũng đang chiến đấu với lực lượng địch gấp hơn nhiều lần.
Sân bay Yên Bái địch vẫn còn khống chế, các phi công MiG-19 chưa hạ cánh được. Các anh cố tiến công, ghìm bọn này lại, không để chúng tăng cường về sân bay Yên Bái. Đã hơn 6 phút, 2 chiếc MiG-21 vẫn còn cơ động, không chiến ác liệt với 8 chiếc F-4. Bất ngờ, máy bay số 2 bị dính 1 quả tên lửa địch. Giáp báo cáo máy bay bị thương, tốc độ giảm. Chỉ huy sở cho phép nhảy dù. Nhưng anh thấy vẫn còn điều khiển được, xin phép hạ cánh bắt buộc. Còn lại một mình, số 1 vẫn tiếp tục chiến đấu với 8 chiếc F-4, yểm hộ cho Giáp hạ cánh bắt buộc.
Giáp chọn một cánh đồng hạ cánh, nhưng bất ngờ, trước mặt anh là một trường học. Máy bay xuống thấp, anh thấy các cháu đang chạy ùa ra để xem. Trong lúc khẩn cấp, Giáp đã đạp mạnh bàn đạp, máy bay đột ngột quay hướng, va vào bờ đất, vỡ tan. Võ Sĩ Giáp đã quên mình vì nhân dân, vì các cháu nhỏ thân yêu. Nhân dân xã Thượng Trưng, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phú vô cùng cảm phục, ghi nhớ người con đã sống chết vì dân”.
Tác giả Lê Hải cho biết, Võ Sĩ Giáp là người con của quê hương Hà Tĩnh kiên cường. Năm 1965, nhập ngũ, anh được chọn vào Trường Không quân Việt Nam, học lái máy bay chiến đấu. Năm 1968 tốt nghiệp về nước, được bổ sung vào phi đội 2, Trung đoàn 923. Người anh rất trắng trẻo là sinh viên trước khi vào lái máy bay, lại luôn chịu khó học hành, say mê tìm tòi, học hỏi nên anh tiến bộ rất nhanh, nhất là trong lĩnh vực kĩ thuật.
Anh đã được vào trực ban chiến đấu ở MiG-17, là lực lượng trẻ, triển vọng. Theo chủ trương trên, chọn một số phi công trẻ, có kĩ thuật tốt, bổ sung cho lực lượng MiG-21. Năm 1970, anh nằm trong số vài chục anh em từ Trung đoàn 923 qua trung đoàn 921 lái máy bay MiG-21.
Trường hợp hy sinh của liệt sĩ Hoàng Thế Thắng cũng để lại rất nhiều cảm xúc trong lòng đồng đội. Đại tá Lê Hải kể lại trong sách, ngày 11/7/1972, Trung đoàn 923 tổ chức bay kế hoạch nhỏ. Biên đội Hán Vĩnh Tưởng số 1, Hoàng Thế Thắng số 2, bay trên máy bay MiG-17 cất cánh lúc 5 giờ 30 phút, bay tập sử dụng tên lửa A72, là loại vũ khí phòng không vác vai của bộ binh, được kĩ sư Hồ Thanh Minh chủ trì cải tiến để lắp trên một số máy bay MiG-17, MiG-19 và L-29.
Trên đường bay về sân bay Nội Bài, biên đội nhận được thông báo: “Địch đã vào tới Bắc Giang”, tức là nam sân bay Kép, rất gần vị trí Tưởng – Hán đang bay. Chỉ huy ra lệnh, biên đội sẵn sàng chiến đấu. Số 1 phán đoán, địch từ Bắc Giang lên, biên đội bay về hướng bắc, sẽ có góc tiếp địch lợi hơn. Tưởng lệnh cho số 2 lên đạn, chuẩn bị chiến đấu.
Nhìn thấy máy bay địch, Tưởng ra lệnh: “MiG-17 ở độ cao thấp dưới 3.000m, vòng cắt bán kính, tiếp cận chiếc F-4 đi đầu”. Còn cách địch 500m, anh quyết định không dùng A72, mà dùng súng 37mm và 2 khẩu 23mm cho chắc ăn. Hạ thủ đối phương bằng đại bác là nghề của phi công MiG-17.
Tưởng bắn loạt đầu, máy bay địch tránh được. Đạn rơi hướng bên phải, phía sau mục tiêu. Anh tiến vào gần hơn, chỉnh lại đường ngắm, bắn một loạt dài. Đạn trùm lên chiếc F-4. Trong khi Tưởng công kích chiếc F-4 bay trước, số 2 bám riết, đến cự li xạ kích tốt, anh bắn một loạt, cả 3 khẩu đại bác đều phun lửa. Chiếc F-4 cháy bùng, rơi ngay tại chỗ.
Khi số 2 – Hoàng Thế Thắng mải đuổi theo tên địch, số 1 hạ thủ 1 chiếc F-4 đuổi sau lưng mà anh không hay. Máy bay Thắng bị trúng tên lửa địch. Anh nhảy dù, nhưng vì bị thương quá nặng, anh đã hi sinh. Nhân dân, Đảng bộ, chính quyền xã Ngọc Vân, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang và đơn vị đã đưa anh về nơi an nghỉ cuối cùng với các liệt sĩ thời đánh Pháp tại nghĩa trang địa phương.
Tác giả Phi công tiêm kích cho biết, Hoàng Thế Thắng quê ở Chương Mỹ, Hà Đông (Hà Nội ngày nay). Ông bà thân sinh của anh làm nghề thợ nhuộm ở chợ làng Chúc Sơn. Khi đã ngoài 40 tuổi, các cụ cầu khắp các cửa chùa, mới sinh hạ được một mụn con trai là Thắng. Các cụ vô cùng quý thương. Bao tình yêu, hi vọng, các cụ đặt hết vào đứa con trai độc nhất. Càng lớn, Thắng càng trắng trẻo, đẹp trai; chăm học, chăm làm giúp cha mẹ.
Học hết lớp 10, Thắng tuyển vào Không quân, đi học bay ở Liên Xô năm 1965. Năm 1968, anh về nước, biên chế vào Trung đoàn tiêm kích 923. Anh là một trong những phi công trẻ tuổi nhất đơn vị. Ngày trực ban chiến đấu đầu tiên, cũng là ngày kỉ niệm lần thứ 21 sinh nhật của Thắng.
Con trai là phi công, ở đơn vị tiêm kích, đời chiến đấu may, rủi trong giây lát. Các cụ thương con, ruột nóng như rang suốt đêm ngày. Vùng Chương Mỹ, phía tây Hà Nội là nơi không quân ta thường đụng độ với giặc lái Mỹ. Nghe tin con trai mất, các cụ như đứt từng khúc ruột. Anh em đơn vị cũ của Thắng và cán bộ Quân chủng vẫn thường về thăm các cụ.
“Năm nào cũng vậy, gần đến Tết, bất chấp mưa phùn, gió bắc lạnh căm căm, dân làng ở gần nghĩa trang xã Ngọc Vân đều thấy một vị tướng đầu đã điểm bạc, đứng lặng lẽ, thắp nén nhang nhớ người đồng đội năm xưa đã cùng mình chiến đấu. Đó là Trung tướng Hán Vĩnh Tưởng – Phó Tư lệnh chính trị Quân chủng Phòng không – Không quân”, cuốn sách điểm một chi tiết xúc động về tình đồng đội.
“Mỗi chiến công của các chàng phi công tiêm kích đâu chỉ có sự hi sinh của riêng họ, mà còn là sự hi sinh to lớn, thầm lặng của bao ông bố, bà mẹ Việt Nam. Đất nước trường tồn, anh hùng, vì có bao chiến công hiển hách, bao sự hi sinh cao cả”, đọc những dòng tâm huyết tác giả viết mà người đọc cũng cảm thấy rưng rưng.
Có thể bạn muốn xem
Cây bưởi nở hoa
Những Tù Nhân Của Địa Lý
Nhật Ký Phi Công Tiêm Kích
Những cuộc so tài về hình thức xuất bản phẩm
Ở thị trấn cứ 100 người có 1 tiệm sách
‘Mật thi’ và lời thì thầm từ đồi thông
Bạn có phải cá hồi chum không?
Hà Hương Sơn – cây xương rồng nở hoa
Chiến Lược Đại Dương Xanh