Trang viết từ năm 1913 của học giả Nguyễn Văn Vĩnh cho thấy, dù trong hoàn cảnh khó khăn, Trung thu là dịp đoàn viên trong mỗi gia đình người Việt.
Lời dẫn cho bài viết trên Đông Dương tạp chí (số 19 ra năm 1913): Tết cho trẻ em vui chơi, mà cũng là cái tết cho đàn bà trổ tài khéo léo nữ công, và biểu hiện tình cảm yêu thương với con em, cho nên tùy hoàn cảnh của từng gia đình, có ít làm ít, có nhiều làm nhiều, cỗ trung thu của gia đình, dù nghèo nàn không bằng người, vẫn là niềm vui sướng tự hào của con trẻ vì nó là của mình, của cha mẹ làm cho mình, do đó con trẻ cũng tràn ngập lòng yêu thương cha mẹ.
Tôi biết trong dịp tết trung thu, ta tổ chức cho nữ giới thi nữ công, làm bánh và bày cỗ, làm cho tết Trung thu mọi nhà không khí thêm vui tươi, đồng thời cũng gây phong trào làm cho nữ công trau dồi nữ công, gia đình thêm ấm cúng.
Tuần lễ trước tôi mới làm bánh tháng Tám cho mấy em nhỏ chơi, cho nên nhắm mắt một kỳ báo, xin các quan cùng các bà xem báo tha thứ cho.
Tết này là tết trẻ con mà lại là tết đàn bà nữa. Xét ra trong các ngày tết thì tục An Nam ta thực nhiều điều hủ lậu, duy có cái tết này em tưởng, trừ ra việc trẻ con đánh trống váng óc điếc tai, còn những cuộc chơi của trẻ, như là bày cỗ, cầm đèn thỏ, đèn cá đi hò khoan ở dưới bóng giăng, làm đèn chạy quân đèn sẻ rãnh, bầy đình bày chùa giấy, đều là những cách chơi hay, làm một dịp cho đàn bà khoe khéo, cho đàn ông dấu tài vặt, cho những nhà lịch sự tỏ cái tao nhã, cái thanh lịch ra…
Tết Trung thu của trẻ em con nhà khá giả xưa. Ảnh: tư liệu. |
Phàn nàn thay cho những người không được làm trẻ con bao giờ! Có được làm qua trẻ con một lần rồi, mới ngấm được bài thơ tuyệt thú ở trên cái bàn dộc, nhà giầu thì mùi bánh, đèn cù sẻ rãnh; nhà khó thì dăm ba trái bưởi, trái na, nhưng dầu sang dầu mọn, trên cái bàn dộc ấy biết bao nhiêu tình ân ái, biết bao nhiêu bụng yêu thương.
Ai là kẻ nhìn thấy cỗ người ta, nhất là cỗ các nhà nghèo, dẫu thế nào cũng là to, thì lại chẳng nhớ đến sự lo lắng của mẹ ta ngày xưa, tất tả từ mười một cho đến mười bốn, để có cho ta được mâm bánh cân hồng, lo chẳng nổi đi nữa, mươi tấm mía buộc cái lạt tím, năm quả bưởi nhộm năm màu, đĩa xôi vơi độn thêm cái bát tướng, cũng đủ là cho ta được khoe cỗ với trẻ láng giềng. Dầu cỗ chúng đắt tiền đến đâu, cũng chẳng bằng cỗ nhà ta. Xét ra trong việc tự đắc chê của người ấy, thực có một tình yêu cha mếm mẹ vô cùng.
Bởi vậy cho nên tôi mải cỗ đến nỗi nghỉ một kỳ báo.
Rằm tháng Tám là một ngày tết ta nên cải lương, ta phải gây cho thành một hội thi đẹp, thi khéo của người đàn bà, nhân làm vui cho các em bé, mà tỏ các tài xôi bánh cỗ bàn, gọt hoa dán giấy, thắp nến đốt đèn, tô xanh điểm đỏ, thực là một cái khéo riêng của người An Nam ta, không có gì mà làm nên đẹp nên vui mắt.
Giá thử năm nay dân ta không bị nước lụt, muôn nghìn người còn phải lo miếng cơm chẳng có mà ăn, sào mạ chẳng có mà cấy, thì em đã định bàn với quý quán từ tháng trước, để mở một cuộc chơi riêng, thì những tài mọn của đàn bà nước Nam ấy, để trước nữa báo quán nhân dịp mà cứu xét luận bàn đến mấy tục hay nhà ta, sau nữa để lũ đầu xanh cũng thêm ra mấy cách chơi nhã nhặn thanh tao hơn là đi cầm cái đầu sư tử đánh trống ngoài đường váng tai nhức óc người ta.
Chẳng may năm nay đồng bào ta đói, cho nên ta tưởng cũng phải để tang vụ mùa này, mà nhịn đi, hoãn đến sang năm, nhờ giời được phong thịnh, ta sẽ bàn ra vài cách thưởng nguyệt rứt văn minh.
Xin cuội tháng Bảy sang năm tôi có quên thì ai nhắc hộ, nhé!
Nguyễn Văn Vĩnh
Theo Zing.vn
Có thể bạn muốn xem
Ngày bình thường – truyện ngắn Trần Ngọc Mỹ
Ra mắt hồi ký, di cảo “Đời tôi sóng nhạc bay lên” của nhạc sĩ Phong Nhã
6 loại thực phẩm “bỏ đi” nhưng lại thích hợp làm đồ dưỡng da
Thuật ngữ Tử vi dễ hiểu
Miền thơ ấu
Rắc rối giới – Gender Trouble
Dịch Vụ Khách Hàng – Thương Vụ 1 Vốn 4 Lời
Chu du Trường Sa qua lăng kính của những chiếc máy ảnh
Đọc “Túi bạc Sài Gòn”