Chạm mốc 1,5 triệu lượt tải với hàng chục ngàn người dùng thường xuyên mỗi ngày; tăng trưởng 300% so với năm 2021; chạm điểm hòa vốn sau gần 3 năm hoạt động. Đó là những thành tích mà Ứng dụng sách nói Voiz FM đạt được năm 2022.

Trải nghiệm nghe sách nói tại Ngày hội Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần 1
Trải nghiệm nghe sách nói tại Ngày hội Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần 1

Theo chia sẻ của ông Lê Hoàng Thạch, Giám đốc Voiz FM, thị trường xuất bản phẩm điện tử, nhất là Audio Book (sách nói), vẫn còn rất tiềm năng. So với dân số của Việt Nam là khoảng 100 triệu người hoặc so với khoảng 60-70 triệu người trong độ tuổi trưởng thành, con số 1,5 triệu người vẫn còn rất nhỏ. Ngoài ra, cơ hội từ loại hình sách tóm tắt và đặc biệt, sau thời gian sử dụng mảng sách phi hư cấu để học tập và làm việc thì về lâu về dài, người nghe có xu hướng chuyển sang mảng sách hư cấu để giải trí.

Cuối tháng 10-2022, cùng với một số đơn vị trong nước, Voiz FM cũng tham gia Hội sách Frankfurt (Đức). Ngoài sách giấy, hội sách này còn dành riêng một khu vực tương đối lớn cho sách nói với những thương hiệu lớn như Spotify, Amazon, RB Media…

Theo bà Nguyễn Thị Diễm Phương, Trưởng Phòng Sachweb của NXB Tổng hợp TPHCM, lĩnh vực Ebook (sách điện tử) hiện đang mang đến những tín hiệu tích cực. Nếu trước đây, xu hướng đọc sách số chỉ ở người trẻ thì nay đối tượng độc giả trung – lão niên cũng chọn đọc sách số. Nhiều thư viện điện tử trên cả nước đã dần hình thành, các thư viện cộng đồng, thư viện trường học hợp tác với NXB bổ sung sách phục vụ bạn đọc. Học sinh – sinh viên trước đây chỉ bổ sung sách giấy, nay bổ sung 2 phiên bản sách giấy và sách điện tử. Nhiều tác giả, đơn vị làm sách đã sẵn sàng hợp tác với NXB cùng ra mắt song song sách giấy và sách điện tử.

“Chuyển đổi số là xu thế tất yếu lúc này vì không chỉ giúp giải quyết cải tiến hạ tầng công nghệ mà còn phát triển hạ tầng kinh doanh”, bà Diễm Phương nhấn mạnh.

Tuy nhiên, dù đã tròn 10 năm có mặt tại thị trường nhưng Ebook vẫn gặp không ít rào cản. Bà Diễm Phương cho rằng, về nhận thức, về hành lang pháp lý cho xuất bản điện tử chưa thật sự thuận lợi. Bên cạnh đó, máy móc, nền tảng công nghệ chưa đáp ứng kịp.

Trong khi đó, ông Lê Hoàng Thạch cho hay: “Trước đây, giá bản quyền tương đối ổn định nhưng khi bắt đầu có sự cạnh tranh thì xuất hiện tình trạng phá giá, đẩy giá cao lên gây khó khăn rất lớn cho những doanh nghiệp nhỏ. Tình trạng này cũng là nguyên nhân cản trở công cuộc chuyển đổi số hiện nay”.

Năm 2022, có thêm 2 NXB được xác nhận hoạt động xuất bản, phát hành xuất bản phẩm điện tử là NXB Tri thức và NXB Kim Đồng, nâng tổng số NXB được hoạt động trong lĩnh vực này lên 13 đơn vị. Ngoài ra, có 10 doanh nghiệp đăng ký hoạt động phát hành xuất bản điện tử đã được Cục Xuất bản xác nhận. Đây có thể được xem là tín hiệu lạc quan cho công cuộc chuyển đổi số của ngành xuất bản.

Dù vậy, so với thế giới, thị trường sách nói của Việt Nam vẫn còn khá sơ khai, chưa đủ lớn để có nền công nghiệp bổ trợ hay những giải pháp bổ trợ xung quanh như biên tập thông minh, phân phối bản quyền, quản lý dữ liệu sách nói… Những đơn vị như Voiz FM hay một số đơn vị khác ở Việt Nam vẫn phải kiêm luôn việc thu âm, phát hành, thậm chí là giấy phép xuất bản.

“Lý do lớn nhất không phải vì người Việt yếu kém mà vì thị trường vẫn còn nhỏ, chưa đủ trưởng thành. Tôi vẫn tin là khoảng 2-5 năm nữa, chúng ta có thể phát triển và bắt kịp với mức độ phát triển của thế giới”, ông Lê Hoàng Thạch chia sẻ.

nguồn: https://www.sggp.org.vn/tiem-nang-tu-audio-va-ebook-post675062.html