Cùng với Sài Gòn những mảnh ghép rời ký ức (NXB Trẻ), 2 tập truyện trào phúng Điệp viên Không Không Thấy và Đại Văn Mỗ và Điệp viên Không Không Thấy và nhà thơ Thần Giáng (NXB Tổng hợp TPHCM), là những cuốn sách cuối cùng của nhà văn Lê Văn Nghĩa (1953 – 2021).

Những cuốn sách cuối cùng của nhà văn Lê Văn Nghĩa mang đến dư vị và giá trị khác nhau cho bạn đọc

Nhà văn Lê Văn Nghĩa còn được biết đến là cây bút trào phúng đặc sắc với các bút danh: Điệp viên Không Không Thấy, Thằng Hề, Hai Cù Nèo, Đại Văn Mỗ… 34 mẩu chuyện trong Điệp viên Không Không Thấy và Đại Văn Mỗ khiến người đọc phì cười vì những tình huống “phá án” trong Đường dây phim sex, Nghiệp vụ ngửi mùi hương, Điệp vụ mò đường, Lộ tẩy, Nhà sưu tập tranh… Còn Điệp viên Không Không Thấy và nhà thơ Thần Giáng gồm 36 mẩu chuyện, đều mang dáng dấp các “thói hư tật xấu” của một ai đó trong cuộc sống.

Nhân vật Đại Văn Mỗ trở đi trở lại nhiều lần trong hai tập sách nhưng không phải là một người mà hiện thân của nhiều người. Nhờ đó, lật giở từng trang sách, độc giả như đang được tham gia vào bữa tiệc buffet với nhiều món, nhiều dư vị khác nhau. Hai tập sách với 70 câu chuyện, cũng chừng đó vụ án và tình huống, đủ cho thấy sức sáng tạo dồi dào của nhà văn Lê Văn Nghĩa.

Nhà văn Lê Văn Nghĩa sáng tạo ra những mẩu chuyện không phải cười xong rồi thôi mà còn để người đọc ngẫm ngợi, ngẫm ngợi xong thì tìm cách thay đổi để cuộc sống, những mối quan hệ trở nên tốt đẹp hơn.

Ấn phẩm Sài Gòn những mảnh ghép rời ký ức ra đời, góp thêm vào bộ sách về Sài Gòn xưa của nhà văn Lê Văn Nghĩa, từng được NXB Trẻ ra mắt trước đây, gồm: Sài Gòn chuyện xưa mà chưa cũ, Sài Gòn khâu lại mảnh thời gian  Sài Gòn dòng sông tuổi thơ. Tất cả đều được nhà văn Lê Văn Nghĩa viết với cái nhìn khách quan, rõ ràng.

Lần theo những bài tạp bút cũng chính là lúc bạn đọc như được ngược dòng thời gian để tìm hiểu và khám phá Sài Gòn – Gia Định xưa, bằng những ký ức, rung cảm chân thực và sâu lắng. Riêng bạn đọc cùng thế hệ với nhà văn Lê Văn Nghĩa, sách như cánh cửa mở ra những lối về ấu thơ. Ở đó có những con phố xưa, tiệm chạp phô, miếng kẹo mạch nha buổi trưa hè, câu hát cải lương…

Qua ngòi bút của tác giả, bức tranh về đời sống, nếp sống, vỉa tầng văn hóa, chuyện học hành của một Sài Gòn – Chợ Lớn cách đây gần nửa thế kỷ hiện lên đầy gần gũi và thân thương.

HỒ SƠN