Tận dụng hai năm phải ở nhà vì đại dịch Covid-19, nhà báo Trần Ngọc Châu đã vượt qua cảm giác “mất tự do” bằng cách “truy vết” trên dòng liên tưởng của hồi ức về những nơi chốn đã đi qua, để viết nên cuốn sách Những giấc mơ bay tự do.
Ngày 10-12, tại Hội trường NXB Trẻ, nhà báo Trần Ngọc Châu đã có buổi giao lưu và giới thiệu ấn phẩm Những giấc mơ bay tự do. Chương trình diễn ra trong không gian nhỏ gọn và ấm cúng, người tham gia chủ yếu là học trò và bạn hữu của tác giả. Thậm chí, có người bạn từ Mỹ cũng bay về Việt Nam chỉ để tham dự buổi ra mắt sách này.
Nhà báo Trần Ngọc Châu hiện là cố vấn cấp cao của Forbes Việt Nam. Trước Những giấc mơ bay tự do, ông từng viết, biên soạn và dịch một số ấn phẩm như: Nhập môn nghề làm báo; Quảng cáo thoái vị, PR lên ngôi; 40 ngày sống với đối phương; Vị đắng những chuyến đi xa; Con chim e thẹn; People 100; Buổi chiều xanh rêu; Đừng coi thường sự lười học của con người…
Được viết trong hai năm, nhưng Những giấc mơ bay tự do có dung lượng khá dày (hơn 380 trang), thời gian trải dài trong gần 30 năm, từ khi tác giả bắt đầu bước chân vào nghề báo và có những chuyến công tác đầu tiên ở nước ngoài. Sách là tổng hợp của các thể loại: phê bình, ký sự, du ký, ghi chép… được nhìn dưới lăng kính của một nhà báo ưa khám phá và thích tìm hiểu. Những vùng đất được hiện lên trong sách hầu hết là ở châu Á và châu Âu.
Theo chia sẻ của nhà báo Trần Ngọc Châu, giống như tên phụ của cuốn sách – Hiệu ứng Covid-19, nghĩ mới về những chuyến đi cũ, trong thời gian phòng chống dịch, thực hiện giãn cách ở nhà, ông đã mượn những câu chuyện từng viết về Ấn Độ, Philippines, Thái Lan, Áo, Thổ Nhĩ Kỳ… để viết mới lại. Riêng câu chuyện về nước Nga là được ông viết mới hoàn toàn. “Thực sự tôi đã đi rất nhiều, có nơi ở lâu có nơi đi chơi, đi học. Dù vậy, tôi vẫn nghĩ là mình mới chỉ cưỡi ngựa xem hoa thôi, chưa thể tường tận và đầy đủ được”, ông khiêm tốn chia sẻ.
Là một trong những người được tác giả Trần Ngọc Châu tín nhiệm nhờ đọc sách khi còn ở dạng bản thảo, TS Huỳnh Ngọc Sang, nguyên Trưởng Khoa Địa chất, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên TPHCM cho biết: “Tôi rất khâm phục và đồng cảm với thông điệp từ cuốn sách của nhà báo Trần Ngọc Châu. Trong hoàn cảnh đại dịch Covid-19 không thể đi đâu được mà tác giả đã gửi gắm tâm tình của mình, gửi gắm những nuối tiếc về những ngày tháng rất tự do mà chúng ta không biết được, bây giờ mới thấy nó quý. Bình thường chúng ta sử dụng những thứ miễn phí nhưng không nghĩ gì hết, đến khi bức bí quá, như đợt dịch vừa rồi, mới thấy tiếc”.
Có một điều đặc biệt ở Những giấc mơ bay tự do là tác giả không đóng vai trò hướng dẫn viên, để giới thiệu những cảnh đẹp, những món ăn ngon như nhiều cuốn sách du ký khác. Đến những vùng đất nào, Trần Ngọc Châu đều xuất hiện trong tâm thế của một nhà báo. Ông không chỉ khám phá mà còn trực tiếp gặp gỡ những nhân vật nổi tiếng ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Họ có thể là nhà báo, nhà chính trị, nhà văn, nghệ sĩ hay nhà bác học. Ông kết nối họ ở những nơi chốn xa lạ đã đi qua, nhờ thế, ông có thể hiểu một cách tường tận nhất vùng đất cũng như con người mà mình tiếp xúc.
Như một đúc kết của người Việt: “Đi một ngày đàng học một sàng khôn”, ở Những giấc mơ bay tự do, có hơn “một sàng khôn” được nhà báo Trần Ngọc Châu chắt lọc và đúc kết. Đó là bài học bảo tồn và gìn giữ di sản văn hóa của Nhật Bản qua trường hợp nghệ thuật rối Bunraku đã tồn tại và phát triển hơn 300 năm. Đó là bài học về “làn sóng Hàn Quốc” từ xứ Kim chi, mà theo tác giả Trần Ngọc Châu, một trong những thành tố quan trọng có thể nói là bản chất của quyền lực mềm, chính là tự do sáng tạo. “Không có ý thức tự do tuyệt đối trong sáng tạo sẽ không có tác phẩm nghệ thuật xuất sắc”, nhà báo Trần Ngọc Châu đúc kết trong cuốn sách của mình.
Còn rất nhiều bài học nữa đến từ các quốc gia với nhiều lĩnh vực khác nhau, đã được tác giả tìm hiểu và thể hiện trong cuốn sách của mình. Vì lẽ đó, cuốn sách này không dành riêng cho một đối tượng cụ thể nào đó mà là món quà chung cho tất cả, từ những bạn đọc phổ thông cho đến những nhà giáo, nhà nghiên cứu, giới chuyên môn thậm chí là giới lãnh đạo.
nguồn: https://www.sggp.org.vn/nhung-giac-mo-bay-tu-do-va-bai-hoc-tu-nhung-chuyen-di-cu-post661988.html
Có thể bạn muốn xem
Tôi đi tìm ai
Ba cây bút nữ Y Ban, Thùy Dương và Võ Thị Xuân Hà cùng nhau ra mắt sách
Cà phê sách hấp dẫn giới trẻ Hà Nội
Phẩm cách cha mẹ
Kim Ji Young, sinh năm 1982
Sức mạnh của sự khiêm nhường
Quản lý dự án for dummies
Nghệ thuật đường phố và những vấn đề xã hội
Tiếp tục hành trình đến với người khuyết tật: Lan tỏa tri thức, kết nối yêu thương