Luật Sở hữu trí tuệ 2005 đã có nhiều sửa đổi, bổ sung nhằm khắc phục những vướng mắc, bất cập và để phù hợp với các thông lệ quốc tế về quyền sở hữu trí tuệ.

Sau 16 năm thi hành, ngày 16/6/2022, Quốc hội đã ban hành luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ 2005, có hiệu lực thi hành từ 1/1/2023. Những thay đổi nhằm khắc phục những vướng mắc, bất cập và để phù hợp với các điều ước quốc tế về quyền sở hữu trí tuệ mà Việt Nam đang là thành viên.

Ảnh minh họa: Pexels.

Làm rõ, bổ sung một số khái niệm

Tại Điều 4, Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022 quy định: “Sao chép là việc tạo ra bản sao của toàn bộ hoặc một phần tác phẩm hoặc bản ghi âm, ghi hình bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào”. So với văn bản năm 2005, Luật sở hữu trí tuệ không còn quy định việc sao chép gồm “một hay nhiều bản sao”, mà thay vào đó bổ sung quy định đối với việc sao “toàn bộ hoặc một phần tác phẩm”.

Ngoài ra, văn bản cũng bổ sung thêm các khái niệm về tiền bản quyền và biện pháp công nghệ bảo vệ bản quyền. Trong đó, “tiền bản quyền là khoản tiền trả cho việc sáng tạo hoặc chuyển giao quyền tác giả, quyền liên quan đối với tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, bao gồm cả tiền nhuận bút, tiền thù lao”.

“Biện pháp công nghệ bảo vệ quyền là biện pháp sử dụng bất kỳ kỹ thuật, công nghệ, thiết bị hoặc linh kiện nào trong quá trình hoạt động bình thường có chức năng chính nhằm bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan đối với hành vi được thực hiện mà không được sự cho phép của chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan”.

Có thể thấy, những thay đổi, bổ sung này giúp các tác giả, những người sáng tạo nội dung ngày nay có thêm cơ sở trong việc bảo vệ quyền lợi của mình. Sau khi có Luật sửa đổi, bổ sung, Cục bản quyền tác giả và các đơn vị xuất bản đã nhiều lần thảo luận để áp dụng các thay đổi này trong việc chống sách giả, sách lậu trên không gian số.

Hội thảo ngày 23/12/2022 bàn về các biện pháp công nghệ nhằm bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trên không gian số. Ảnh: Thanh Trần.

Vai trò của tác giả, đồng tác giả

Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi, bổ sung năm 2022 đã có thêm quy định mới, nằm ở Điều 12a nhằm làm rõ vai trò của tác giả và đồng tác giả.

Theo đó, “tác giả là người trực tiếp sáng tạo tác phẩm. Trường hợp có từ hai người trở lên cùng trực tiếp sáng tạo tác phẩm với chủ ý là sự đóng góp của họ được kết hợp thành một tổng thể hoàn chỉnh thì những người đó là các đồng tác giả. Người hỗ trợ, góp ý kiến hoặc cung cấp tư liệu cho người khác sáng tạo tác phẩm không phải là tác giả, đồng tác giả”.

Trước đó, Nghị định 22/2018/NĐ-CP chỉ quy định tác giả là người tạo ra một phần hoặc toàn bộ tác phẩm và đồng tác giả là những tác giả cùng trực tiếp sáng tạo ra một phần hoặc toàn bộ tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học. Hiện nay, việc xác định vai trò của tác giả và đồng tác giả được làm rõ hơn.

Bên cạnh đó, luật bổ sung cũng lưu ý “việc thực hiện quyền nhân thân và quyền tài sản đối với tác phẩm có đồng tác giả phải có sự thỏa thuận của các đồng tác giả, trừ trường hợp tác phẩm có phần riêng biệt có thể tách ra sử dụng độc lập mà không làm phương hại đến phần của các đồng tác giả khác hoặc luật khác có quy định khác”.

Bổ sung quyền nhân thân của tác giả

Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022 quy định quyền nhân thân của tác giả bao gồm: Đặt tên cho tác phẩm; Đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; Công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm; Bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm…

Ngoài ra, luật cũng bổ sung thêm: “Tác giả có quyền chuyển quyền sử dụng quyền đặt tên tác phẩm cho tổ chức, cá nhân nhận chuyển giao quyền tài sản quy định tại khoản 1 Điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ 2005″.

“Những điều chỉnh luật có ảnh hưởng tích cực và sẽ hỗ trợ hiệu quả cho người làm sách trong việc xác định và bảo vệ quyền lợi cho tác giả, giảm thiểu những tranh chấp không đáng có trong quá trình thực hiện hợp đồng bản quyền, thực hiện xuất bản sách”, bà Vũ Thuỷ, Giám đốc Bản quyền và Hợp tác quốc tế tại Thái Hà Books, chia sẻ.

Theo bà, đối với những đơn vị xuất bản uy tín đã hoạt động lâu, những thay đổi này không ảnh hưởng nhiều. “Tuy nhiên chúng tôi sẽ có những chú ý cho tác giả hoặc thẩm định vai trò của các tác giả trong quá trình tiếp cận với bản thảo trong giai đoạn đầu của công việc xuất bản; phát huy thêm nữa vai trò tư vấn cho những cá nhân đang và sẽ viết sách hoặc chuẩn bị xuất bản sách”, bà nói thêm.

nguồn: https://zingnews.vn/nhung-quy-dinh-moi-ve-so-huu-tri-tue-co-hieu-luc-tu-ngay-112023-post1390065.html