Nữ tác giả của tiểu thuyết “Chúa đất” đã chọn cho mình vùng đất ít người khai thác: Đó là viết về miền núi và người dân tộc thiểu số.

Sinh ra và lớn lên nơi miền biên viễn của Tổ quốc, mảnh đất Hà Giang là nguồn cảm hứng cho những sáng tác đầu tay khi còn học phổ thông của Đỗ Bích Thúy.

Nhớ lại những năm tháng khi mới tập tành viết lách, chị kể ngày ấy “viết đủ thứ” và gửi “khắp nơi” nhưng không biết bao nhiêu bài báo gửi đi mà chẳng hề có hồi âm. Dù vậy, vẫn không nản chí mà tiếp tục viết…

“Thế rồi, mọi nỗ lực kiên trì, bền bỉ cũng đến ngày thu được trái ngọt, khi hai năm liền tôi được trao tặng thưởng Tác phẩm tuổi xanh của báo Tiền Phong năm 1994-1995”, nữ nhà văn kể.

Tuổi thanh xuân chị từng công tác tại Hội Văn nghệ tỉnh Hà Giang; báo Hà Giang, rồi chuyển công tác về tạp chí Văn nghệ Quân đội, sau khi đoạt giải Nhất cuộc thi truyện ngắn do tạp chí tổ chức với tác phẩm mang tên Hướng tới giao thừa thiên niên kỷ. Đây là bước ngoặt trong sự nghiệp sáng tác cũng như cuộc sống của chị – chính thức trở thành một người lính viết văn và rời xa mảnh đất miền núi.

“Nhiều khi không phải mình chọn mà văn chương chọn mình, vốn tôi định làm công việc khác, cuối cùng lại gắn bó với văn chương tới tận bây giờ”, Đỗ Bích Thúy tâm sự.

Sống giữa một môi trường “thuần chủng văn chương”, quy tụ những nhà văn tiếng tăm lẫy lừng như Lê Lựu, Chu Lai, Trung Trung Đỉnh, Khuất Quang Thuỵ, Sương Nguyệt Minh… là cơ hội cho ngòi bút của nữ nhà văn được cọ xát, mài giũa trở nên sắc sảo và tinh tế hơn.

Dù xa quê, nhưng trong lòng Đỗ Bích Thúy vẫn không nguôi nỗi nhớ. Vùng đất nơi địa đầu Tổ quốc là nguồn cảm hứng bất tận để chị viết nên hàng chục tác phẩm, mà chỉ có những người trong cuộc mới hiểu được sâu sắc văn hóa, phong tục, tập quán… của bà con nơi đó.

“Nhiều người hỏi tại sao không sống tại miền núi để thêm cảm hứng sáng tác hơn? Nhưng tôi nghĩ nếu vẫn ở lại quê, sẽ không đau đáu nỗi nhớ, không có sự thúc ép của một người phải rời xa vùng đất sinh ra và lớn lên. Tôi đã viết trong một nỗi nhớ thương sâu sắc vùng đất ấy”, Đỗ Bích Thúy chia sẻ.

“Khi đứng ở trên đỉnh một ngọn núi, cái nhìn của chúng ta về ngọn núi đó sẽ không thể đầy đủ, khách quan, nhiều chiều, càng không có sự so sánh như khi đứng ở một ngọn núi khác nhìn về. Điều này giúp người viết có cái nhìn toàn diện, sâu sắc hơn”, nữ nhà văn nói thêm.

Nếu không rời Hà Giang, rất có thể sẽ không có Đỗ Bích Thúy của ngày hôm nay. Vậy nên, mọi sự xê dịch trong suốt cuộc đời mỗi con người đều có lý do. Với chị, muốn gì thì phải làm bằng được

Đây chính là tinh thần lao động văn chương của tác giả Than đỏ dưới tro tàn trong suốt những năm qua. “Dù có ở Hà Nội thêm bao nhiêu năm chăng nữa, thậm chí là chọn một nơi khác để sống có lẽ tôi vẫn tiếp tục viết về miền núi”.

Thời gian đầu, sáng tác của Đỗ Bích Thúy được những người xung quanh nhận xét chịu sự ảnh hưởng lớn từ chính tác giả yêu thích của chị – Đại thi hào Văn học Nga Chingiz Aitmatov (tác giả Cây phong non trùm khăn đỏ, Người thầy đầu tiên).

Góp ý ấy khiến chị giật mình và tìm cách để bứt ra.

“Văn chương tối kị nhất giống một ai đấy. Tôi nghĩ văn học nghệ thuật và những ngành nghề mang tính sáng tạo thì việc giống người khác là tự báo tử cho mình. Một trong những yếu tố quan trọng để lao động sáng tạo thành công là sự khác biệt. Tuy không phải khác biệt nào cũng thành công, nhưng mọi thành công đều có khác biệt. Tôi tin vậy”, nữ nhà văn giải thích.

Chị cho rằng trong lao động văn chương mình đã gặp may mắn, đó là chọn được đề tài miền núi và dân tộc thiểu số để gắn bó. Đề tài càng ít người khai thác, cơ hội ghi dấu ấn của nhà văn càng lớn.

Đỗ Bích Thúy tâm sự, viết văn chuyên nghiệp không chỉ dùng ký ức hay những hiểu biết thông qua đời sống hàng ngày. Bởi ký ức có hạn, hoàn thành một cuốn tản văn là… cạn vốn, nhất là đối với một người như chị – được họa sĩ Lê Thiết Cương nhận xét: “viết như rút ruột, rút gan”.

“Muốn viết dài đến mấy chục cuốn sách thì không thể nhờ vào ký ức mà phải làm đầy lên mỗi ngày sự hiểu biết, kiến thức về cái vùng văn hoá mà mình theo đuổi. Gọi là chuyên gia thì hơi quá nhưng tôi tự tin bản thân hiểu khá sâu về văn hóa H’Mông, đi vào đời sống của họ thông qua việc quay đi trở lại nhiều lần”.

Viết về dân tộc nào, vùng văn hóa nào phải hiểu đời sống tinh thần cốt lõi của họ chứ không phải chỉ qua phong cảnh như nhìn bông tam giác mạch nở là tả xong Hà Giang. Người viết phải tìm hiểu tất cả những thứ bên dưới bề mặt bằng cách sống, quan sát, tìm hiểu, đọc, nghiên cứu… Chị cho rằng mình có dùng cả cuộc đời để viết về vùng văn hoá Mông cũng không thấm tháp vào đâu so với tầm vóc của nó.

Viết cho người đọc cảm thấy xúc động, muốn khám phá, muốn tìm hiểu về vùng đất đầy tính nhân văn cũng là nghệ thuật sáng tác của Đỗ Bích Thúy.

Dưới ngòi bút chân thực và đầy biểu cảm, nữ nhà văn lột tả bức tranh thiên nhiên miền núi trong trẻo, khắc họa sinh động đời sống sinh hoạt của cộng đồng người Mông, Tày, Dao,…

Nhưng ẩn sau khung cảnh mơ mộng ấy là những hoàn cảnh éo le của người phụ nữ… Họ không được chọn lựa cuộc sống của mình, không được chạy theo tiếng gọi của tình yêu. Trước đây vài thập kỷ, hầu như các cuộc hôn nhân đều do sắp đặt, là sự thỏa thuận giữa hai bên gia đình từ thủa nhỏ. Nhiều bé gái chưa kịp trưởng thành đã được gả đi làm vợ, làm mẹ và cứ tiếp diễn như vậy…

Chị nhận xét phụ nữ Mông ở Hà Giang có dáng người thấp do phải gùi rất nặng từ lúc bé. Họ phải lao động quần quật, chịu đựng cuộc sống kham khổ và thiếu thốn dưới điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Họ rất ít khi có niềm vui cho bản thân, chỉ xoay quanh những bữa ăn no đủ cho chồng con, có được một nếp nhà, rồi mong con trai lấy được vợ tốt, con gái được gả chồng tốt… Cả cuộc đời chỉ “nương nhờ” vào hạnh phúc của người khác.

Vậy nên, những tác phẩm của Đỗ Bích Thúy đa phần viết về người phụ nữ – từ cách đây 200 năm, vài thập kỷ cho đến hiện tại – đều là những con người với số phận trắc trở, luôn ước ao vượt qua thử thách.

Tiêu biểu như Vàng Chở trong tiểu thuyết Chúa đất – cuốn sách được các nhà phê bình đánh giá là đỉnh cao trong sự nghiệp văn chương của nữ tác giả, lấy cảm hứng từ truyền thuyết về chúa Sùng Chúa Đà ở vùng Đường Thượng, Yên Minh, Hà Giang, sống cách nay khoảng 200 năm. Những người phụ nữ đẹp rơi vào tay Sùng Chúa Đà bị biến thành vật sở hữu, thành nô lệ cho nhiều trận dày vò oái ăm.

Vàng Chở, vợ tư của lão là một cô gái mạnh mẽ, cá tính và sống bản năng nhưng xuân thì bị giam cầm trong dinh thự xa hoa, thực chất là nhà tù của chúa đất. Phải chung chạ với người chồng bất lực tính dục, Chở không chịu được nên dan díu với tên chăn ngựa. Khi bị phát hiện và xử tử thì Chở vẫn hiên ngang nhận tội, không van xin: “Sống không bằng chết thì sống làm gì?”. Người con gái ấy khao khát một lần được sống, được nếm mùi hạnh phúc bất chấp cả cái chết, mặc dù đến phút chót Chở nhận ra gã người tình cũng chỉ là một kẻ hèn hạ.

Hình tượng cô gái Mông dám quyết liệt đấu tranh vượt lên nghịch cảnh như vậy ít có nhà văn nào đưa vào trong tác phẩm của mình nên độc giả càng thêm ấn tượng và dành nhiều tình cảm cho Đỗ Bích Thúy.

Những sáng tác của chị không chỉ thể hiện thân phận phụ nữ người Mông nói riêng, mà còn là tiếng nói đấu tranh đại diện cho phụ nữ các đồng bào dân tộc thiểu số Việt Nam, phụ nữ Á Đông nói chung. Đỗ Bích Thúy cho người đọc thấy những nhân vật bị đè nặng hàng trăm năm bởi các luật tục, lề thói lạc hậu nhưng vẫn “cựa quậy”, vẫn có khát vọng. Đến thời điểm, họ sẽ nổi loạn để được sống theo ý mình, sẵn sàng đánh đổi cả sinh mạng, mong được nếm trải hạnh phúc… dù chỉ một lần.

nguồn:https://zingnews.vn/nu-van-si-viet-ve-nhung-cuoc-doi-nuong-nho-vao-hanh-phuc-nguoi-khac-post1444266.html