Thông thường, giữa phê bình-chỉ trích và khen ngợi-động viên, các bậc cha mẹ sẽ chọn dùng cách nào để giúp con tiến bộ hơn?
Thật ra không cần phải giải thích rườm rà ở đâu xa xôi, bạn chỉ cần xem cảm nhận của chính bản thân mình khi bị người khác chỉ trích hoặc động viên thì sẽ có ngay được câu trả lời.
Nhà văn Mỹ nổi tiếng Mark Twain từng nói: “Một lời khen chân thành có thể khiến tôi sống lâu hơn 2 tháng”. Lời khen ngợi-động viên có tác dụng tích cực hết sức rõ ràng đối với con người.
Tuy nhiên, không phải trong trường hợp nào cũng nên khen ngợi trẻ, các bậc phụ huynh cần phải biết cách khen ngợi, động viên mới có thể dẫn dắt con trẻ trưởng thành một cách tốt nhất.
Những lời khen ngợi mà chúng ta thường được nghe có thể đã trở thành những câu nói quen tai như “Con rất thông minh”, “Con giỏi lắm”, “Rất tốt, tiếp tục cố gắng nhé” v.v…, thế nhưng thật ra việc khen ngợi thật sự không thể hiện qua những ngôn từ đơn giản này.
Việc chỉ khen ngợi tài năng chứ không tán dương sự nỗ lực, phương pháp và sự lựa chọn của trẻ sẽ dần mài mòn “tư duy phát triển” của trẻ. Bởi vì sự khác biệt lớn nhất giữa “tư duy phát triển” và “tư duy cố định” nằm ở chỗ: Người có “tư duy cố định” thường cho rằng trí thông minh và khả năng của trẻ là thứ định lượng được chứ không phải là thứ thay đổi được. Những người có “tư duy phát triển” tin rằng trẻ có thể nâng cao khả năng của mình nhờ sự nỗ lực.
Giáo sư Carol Dweck đến từ trường Đại học Stanford đã làm một cuộc thí nghiệm về “phương pháp khen ngợi và sự phát triển của tư duy”, cuối cùng bà nhận thấy rằng: những trẻ có lối tư duy cố định (Fixed Mindset) cho rằng sự nỗ lực và khó khăn khiến các bé cảm thấy bản thân mình rất ngốc. Còn những trẻ có lối tư duy phát triển (Growth Mindset) thì nghĩ rằng sự cố gắng và khó khăn có thể tạo ra liên kết thần kinh mới giúp não ngày càng thông minh.
Lối tư duy phát triển có thể khiến trẻ yêu thích học tập và phát triển, hiểu được tác dụng của việc nỗ lực đối với sự phát triển của trí thông minh, có khả năng thích ứng tốt với những khó khăn trong cuộc sống. Quan trọng nhất là, lối tư duy này có thể được giáo dục và bồi dưỡng.
Vậy thì các bậc phụ huynh nên làm thế nào để bồi dưỡng lối tư duy phát triển của con trẻ? Hãy khen ngợi con trẻ trong 12 trường hợp này:
1. Khen ngợi sự nỗ lực
Trong hai cách khen ngợi của hai người mẹ sau đây khi con đạt được thành tích tốt, bạn nghĩ rằng cách nào có thể khích lệ trẻ phát triển hơn?
Cách 1: “Con thi tốt lắm, con yêu rất giỏi!”
Cách 2: “Con thi tốt lắm, nhất định là con đã rất nỗ lực, tiếp tục cố gắng nhé!”
Thường xuyên dùng cách 1 để khen ngợi con trẻ, sau này trẻ sẽ không hướng đến mức cao nhất, không thử thách bản thân, mà sẽ luôn chọn những nhiệm vụ đơn giản, bởi vì những gì trẻ mong muốn đó là hoàn thành thuận lợi và được thừa nhận. Còn nếu dùng cách thứ hai để khen ngợi, trẻ sẽ dũng cảm thử thách những nhiệm vụ khó khăn hơn.
Nếu so sánh thì sự phát triển của những trẻ được khen ngợi theo cách thứ 2 sẽ nhanh hơn so với những trẻ còn lại.
2. Khen ngợi nghị lực
Khi trẻ thực hiện những nhiệm vụ có tính thử thách, ví dụ như chơi cờ vây hay leo núi, sau vô số lần thất bại, hãy nhớ rằng cần phải khẳng định sự kiên nhẫn và nghị lực của trẻ.
So với những câu nói như “Cố lên, nhất định con sẽ làm được” thì “Kiên trì chính là sự thành công to lớn nhất, con làm tốt lắm, tiếp tục cố gắng nhé!” càng có thể khích lệ trẻ hơn, cũng như sẽ không gây quá nhiều áp lực khiến con bỏ dở giữa chừng, khả năng thành công của trẻ sẽ càng cao hơn.
3. Khen ngợi chi tiết
Khi khả năng của trẻ đạt đến một mức độ nào đó, hãy nhớ khen ngợi những điều nhỏ nhặt, càng cụ thể càng tốt.
Ví dụ như: “Con yêu, bây giờ tư thế bơi của con ngày càng chuẩn hơn rồi, tần suất lấy hơi cũng đều hơn, có sự tiến bộ rất lớn so với trước đây!”
Cách khen ngợi này giúp trẻ chú ý đến những điều chi tiết của bản thân, đây thường là điều tiên quyết quyết định thành công hay thất bại.
4. Khen ngợi sự sáng tạo
Khả năng tưởng tượng của trẻ là phong phú nhất, khi những ý tưởng của mình được thừa nhận, trẻ sẽ càng muốn suy nghĩ về thế giới và cuộc sống.
Sáng kiến của trẻ là sự tích lũy sáng tạo và tư duy. Vì vậy, khi trẻ thích thú chia sẻ với bạn sáng kiến của mình, nhất định phải khen ngợi con nhé!
5. Khen ngợi thái độ
Dù trong học tập, công việc hay cuộc sống, thái độ quyết định chất lượng. Sau khi con làm xong bài tập và đọc trước nội dung cần học vào ngày hôm sau, bạn có khen ngợi thái độ học tập của con chưa? Khi trẻ dùng thái độ tích cực để hoàn thành nhiệm vụ, đừng quên khẳng định điều đó.
6. Khen ngợi tinh thần hợp tác
Dù thông minh nhưng trẻ không thể cứ mãi tự mình hoàn thành tất cả mọi việc. Thật ra, biết hợp tác với người khác chính là đang bồi dưỡng khả năng giao tiếp và phối hợp tập thể của trẻ.
Khen ngợi tinh thần hợp tác của trẻ vô cùng quan trọng, khi trẻ hoàn thành bài tập nhóm, hãy nói với con rằng: “Nhóm của các con hợp sức cùng nhau để nỗ lực vì một mục tiêu chung, sau này cũng phải giữ tinh thần này nhé.”
7. Khen ngợi khả năng lãnh đạo
Tuy có những việc không phải hoàn toàn do trẻ làm hết, nhưng nếu việc đó trẻ chịu một phần trách nhiệm quản lý và đã làm điều đó rất tốt thì bố mẹ nhất định phải khen ngợi điều này nhé, bởi vì trẻ có tinh thần trách nhiệm và khả năng lãnh đạo rất tốt.
8. Khen ngợi sự dũng cảm
Khen ngợi sự dũng cảm của trẻ là cách tốt nhất giúp trẻ nâng cao chỉ số tự tin. Dũng cảm là biểu hiện bên ngoài và cũng là nhận thức bên trong đối với chính bản thân của trẻ.
Khi con dám buông tay bố mẹ trong lúc học bơi hay dũng cảm không hề sợ hãi tập xe đạp, bố mẹ cần phải khen ngợi, khích lệ con ngay nhằm tiếp thêm tinh thần do trẻ, giúp con tràn đầy tự tin, nhờ đó trẻ sẽ có thể tự tin, tự lập bước ra đời.
9. Khen ngợi sự cẩn thận
Những điều nhỏ nhặt thể hiện tính suy nghĩ toàn diện và khả năng tư duy theo nhiều góc độ của trẻ. Ví dụ trước khi đi học, trẻ sẽ cẩn thận kiểm tra lại đồ dùng học tập, sách vở xem đã đầy đủ chưa, đã làm bài tập hết chưa, lúc này bố mẹ cần khen ngợi sự cẩn thận và chu đáo của con.
10. Khen ngợi khi trẻ giữ chữ tín
Con người ta sẽ đánh mất lòng tin của người khác khi không giữ chữ tín. Biết giữ chữ tín là phẩm chất bắt buộc mà cha mẹ phải giáo dục và rèn luyện cho con, cần kịp thời giúp con hiểu được tầm quan trọng của sự thành tín.
Ví dụ như khi bạn có giao ước với con, bạn có thể nói: “Bố tin con, bởi vì trước đây con luôn thực hiện những gì mình đã hứa”, “Mẹ tin rằng con sẽ tìm ra cách tốt nhất”, “Con đã giữ đúng lời hứa, con thật là một người đáng tin cậy”…
11. Khen ngợi sự khiêm tốn
Lời khuyên và kinh nghiệm nhận được từ người khác cũng có thể giúp chúng ta nâng cao khả năng của bản thân, những người có tư duy phát triển thường sẽ khiêm tốn học hỏi người khác và có tâm thế “thắng không kiêu bại không nản”.
Khi trẻ thành công, chúng ta cũng không nên cứ mãi khen ngợi, mà cần hướng dẫn con tổng kết những điều được và mất để con tiếp tục cố gắng.
Khi con thất bại, hãy giúp con học cách lắng nghe lời khuyên của người khác và nhất định phải khen ngợi khi con nghiêm túc lắng nghe lời khuyên.
12. Khen ngợi sự lựa chọn đúng đắn
Đôi khi hoàn thành tốt nhiệm vụ là vì chúng ta nỗ lực, nhưng cũng có những lúc là vì chúng ta lựa chọn đúng đắn. Việc khen ngợi khi con có sự lựa chọn đúng đắn cũng là điều tiên quyết để bồi dưỡng tư duy phát triển của con.
Nói tóm lại, so với việc chỉ nói với trẻ rằng “Con giỏi lắm!”, đôi khi các bậc phụ huynh hãy thử suy nghĩ xem nên khen ngợi con như thế nào mới có thể giúp con con trưởng thành tốt hơn.
Minh Ngọc
Nguồn: trithucvn
Có thể bạn muốn xem
Hẹn yêu
Lãnh Đạo Tập Sự – Hành Trình Không Đơn Độc
Đường sách phố cổ Hội An, một điểm đến trong lòng di sản
Những bảng tuần hoàn có những hình dạng quái lạ
Nhà may mắn – câu chuyện 20 năm bên người khuyết tật Việt Nam của cô gái Thụy Sĩ
Những nhà thám hiểm hăm hở
Cuốn sách đầu tiên trên thế giới nói không với AI
Happy Books hạnh phúc bây giờ và ở đây
Nơi chúng ta thuộc về